Ưu tiên vốn cho nhà ở xã hội

THIÊN BÌNH 16/01/2018 18:00

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và Triển khai kế hoạch năm 2018 Ngành Xây dựng do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) đã có nhiều kiến nghị nhằm đưa thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Liên quan đến nguồn vốn hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam cho biết, hiện nay hành lang pháp lý đã khá đầy đủ (Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP) trong đó giao Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước chi phối cho người dân và doanh nghiệp vay vốn ưu đãi với lãi suất không cao hơn 50% lãi suất thương mại cùng thời điểm.

Ưu tiên vốn cho nhà ở xã hội

Thủ tướng đã có các quyết định quy định lãi suất cho vay hỗ trợ năm 2016 và năm 2017 là 4,8%/năm, Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư số 25/2015/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa cho vay được.

Ông Nam cho biết, thực tế việc triển khai gói 30.000 tỷ thời gian qua cho thấy gói kích thích, hỗ trợ này rất hiệu quả. Việc gói 30.000 tỷ tham gia vào thị trường đã thu hút được nguồn vốn lớn trong xã hội, cũng như có tác dụng lan truyền từ phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ (dưới 1,05 tỷ đồng) sang các phân khúc khác của thị trường.

Hiện nay, chính quyền các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM đã dành một số quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, việc tạo lập quỹ nhà ở xã hội có thể được các doanh nghiệp thực hiện thông qua nguồn tín dụng thương mại nhưng việc mua nhà của người dân thu nhập thấp vẫn phải có sự hỗ trợ tín dụng của Chính phủ mới thực hiện được.

Vì vậy, VnREA đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan sớm cân đối nguồn vốn bù lãi suất, đưa chính sách hỗ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị theo Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 100/2015 vào cuộc sống. “Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cam kết sẽ vận động các thành viên hiệp hội chung tay, chung sức cùng Chính phủ chăm lo nhà ở cho người dân” – ông Nam khẳng định.

Trước mắt, với nguồn vốn hơn 1.200 tỷ đồng dành cho vay phát triển nhà ở xã hội, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng dành 600 tỷ đồng cho Ngân hành Chính sách xã hội hỗ trợ ưu đãi nhà ở xã hội; 600 tỷ đồng dành bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần do nhà nước chi phối cho cả chủ đầu tư và khách hàng vay mua, như vậy với 600 tỷ đồng bù lãi suất này có thể huy động được thêm 20.000 tỷ đồng (dự tính mức bù lãi suất là 3%/năm) từ nguồn vốn ngoài ngân sách.

Về lâu dài, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, NHNN và các bộ, ngành liên quan có cơ chế chính sách tín dụng ưu đãi cho khách hàng, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội như đã được quy định trong Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn, cũng như hỗ trợ ưu đãi nhà ở thương mại giá rẻ (dưới 1,05 tỷ đồng) tương tự như Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ trước đây đã rất thành công.

Rà soát lại quỹ đất

Kiến nghị về Quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, pháp luật về nhà ở đã quy định cụ thể việc dành 20% quỹ đất đã đầu tư hạ tầng (hoặc bằng quỹ nhà ở, hoặc tiền với giá trị tương đương) để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Nếu thực hiện nghiêm túc sẽ tạo được quỹ đất sạch, quỹ nhà ở lớn mà ngân sách nhà nước không mất nhiều chi phí. Tuy nhiên trong thời gian qua, việc thực hiện dành quỹ đất, quỹ nhà ở xã hội 20% này còn hạn chế và chưa triệt để, chưa đáp ứng nhu cầu.

Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng chỉ đạo các địa phương triển khai rà soát quy hoạch đô thị để xác định cụ thể vị trí, diện tích đất để phát triển từng loại nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở thương mại với tỷ lệ hợp lý theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Đối với condotel (căn hộ khách sạn), villa resort (biệt thự du lịch) là loại hình bất động sản mới xuất hiện tại Việt Nam vài năm gần đây. Sự xuất hiện của mô hình condotel/resort tại Việt Nam đã tạo nên một xu hướng đầu tư mới.

Cụ thể, năm 2017 thị trường bất động sản nghỉ dưỡng chỉ riêng tại một số thị trường chủ đạo Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bình Thuận, Quảng Ninh… đã có tới hơn 22.800 căn hộ du lịch được chào bán, với số giao dịch thành công là hơn 12.500.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trần Nam, do là loại hình bất động sản mới, chưa được điều chỉnh tại các pháp luật có liên quan, vì vậy gây nhiều khó khăn trong việc quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân cũng như doanh nghiệp.

"Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành kiến nghị các nội dung chính cần phải giải quyết sớm trong thời gian tới liên quan đến vấn đề: Quy hoạch; Đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự án; Quy chuẩn kỹ thuật và quy chế quản lý vận hành; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu, thời hạn sở hữu. Tiến tới kiến cần coi condotel là sản phẩm chính thống được mua bán và được cấp đất sử dụng lâu dài" - ông Nam khẳng định.

THIÊN BÌNH