Nửa cuối năm, cơn sốt đất nền liệu có tiếp diễn?
Trong những tháng cuối năm, thị trường sẽ thế nào và cơn sốt đất nền liệu có quay trở lại?
Thị trường đất nền trong những tháng đầu năm ghi nhận cơn sốt cục bộ tại nhiều khu vực nhưng từ khoảng tháng 5, giao dịch đã dần chững lại. Vậy trong những tháng cuối năm, thị trường sẽ thế nào và cơn sốt đất nền liệu có quay trở lại?
Thị trường đất nền những tháng đầu năm xảy ra cơn sốt cục bộ tại nhiều khu vực.
Làn sóng càn quét từ Bắc vào Nam
Từ đầu năm 2018 đến nay, cơn sốt đất nền lan dọc khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam, càn quét 3 đặc khu kinh tế trong tương lai đến một số tỉnh ở phía Bắc như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... rồi lan rộng ra các tỉnh vùng ven Tp.HCM như Đồng Nai, Long An, Bình Dương…
Cụ thể, tại Tp.HCM, cơn sốt khởi điểm từ khu Tây, sau đó lan sang những khu vực vùng ven và cả những tỉnh lân cận. Ngay từ sau Tết Nguyên đán, giá đất thổ cư và đất dự án ven Tp.HCM liên tục tăng cao, đạt ngưỡng 30-50% chỉ trong vòng 4-5 tháng. Nhưng từ đầu tháng 5, thị trường không còn chứng kiến những biến động giá "ngoạn mục".
Và khi cơn sốt được cho là đã tạm lắng, sau khi cây cầu qua đảo Kim Cương được thông xe, giá đất tại quận 2 một lần nữa lại tăng cao. Đơn cử, tại đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Thủ Thiêm, đoạn vắt ngang qua Mai Chí Thọ, giá đất mặt đường ở ngưỡng 180-240 triệu đồng/m2.
Còn tại khu vực phía Bắc, trong những tháng đầu năm, cơn sốt đất nền cũng như vết dầu loang, lan khắp nhiều tỉnh, thành phố vùng ven Hà Nội, đặc biệt là những địa phương tăng trưởng kinh tế tốt, nhất là bất động sản công nghiệp.
Theo báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản tại TP. Bắc Ninh, TP. Hưng Yên (khu vực Phố Nối), Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên... nóng hơn từ cuối năm 2017. Hàng loạt dự án được tung ra thị trường, một số khu vực có tỷ lệ thanh khoản lên đến 70-80%.
Riêng tại 3 tỉnh dự kiến trở thành khu hành chính - kinh tế đặc biệt là Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong, thị trường đất nền càng "nóng" hơn bao giờ hết. Hàng trăm cò đất đã về đây "bơm tiền", đẩy giá đất lên mức "trên trời". Giá đất từ vài triệu đồng đã nhảy vọt lên vài chục triệu đồng, tạo thành cơn bão giá, cuốn theo cò đất, giới đầu cơ và cả người dân. Thị trường chỉ dần ổn định và hạ nhiệt sau khi chính quyền 3 địa phương này có văn bản yêu cầu ngừng phân lô, tách thửa đất đai trên địa bàn.
Hay tại những địa phương như Đà Nẵng, Nha Trang, cơn sốt đất cũng xuất hiện, kéo theo lượng giao dịch tăng mạnh. Như tại Đà Nẵng, từ sau Tết âm lịch, giá đất nền một số khu vực đã tăng 30-50%. Sang tháng 5, giá đất dọc ven biển đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn) đã chững lại sau khi lập đỉnh 300 triệu đồng/m2.
Nhìn chung trong nửa đầu năm, đất nền trở thành điểm nóng của thị trường cả nước với những diễn biến theo đồ thị hình sin. Nhờ việc quản lý kịp thời của chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan, đến nay, thị trường đã dần ổn định.
Giá đất có thể tiếp tục tăng?
Sau cơn sốt đất nền tại một số địa phương, nhiều người lo ngại rằng thị trường liệu sẽ xảy ra "bong bóng" và bước vào giai đoạn phân hóa?
Tuy nhiên, dù thị trường chững lại nhưng nhiều chuyên gia vẫn có cái nhìn khá lạc quan về bức tranh trong những tháng cuối năm và khẳng định chưa thể xảy ra "bong bóng". Bởi cơn sốt chỉ diễn ra cục bộ tại một số khu vực có tiềm lực kinh tế, hạ tầng được đầu tư mạnh và chủ yếu do cò đất, giới đầu cơ thổi giá.
Nhiều ý kiến cho rằng, dù sốt đất đã kéo dài suốt 4 năm (2015-2016-2017-2018) nhưng chưa thể xác định thời điểm mà thị trường sẽ bước vào chu kỳ suy thoái. Và việc thị trường chững lại thậm chí còn có tác dụng đưa giá đất về sát giá thị thực hơn, giúp giảm độ nóng của thị trường, ngăn cơn sốt đất ảo, đồng thời giúp những người có nhu cầu thực tiếp cận được nguồn hàng.
Vốn là sản phẩm hàng đầu được người Việt ưa chuộng, là sản phẩm tích lũy, kênh đầu tư tốt với biên độ tăng giá ổn định ở mức 5-10%, phân khúc đất nền được dự báo vẫn sẽ nắm giữ giao dịch chính của thị trường.
Trước câu hỏi liệu kịch bản sụt giảm có xảy ra hay không, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa nhìn nhận, có chu kỳ tăng thì sẽ có chu kỳ giảm nhưng đồ thị tăng - giảm của giá đất còn phụ thuộc vào vị trí, khu vực mà bất động sản tọa lạc. Nếu khu đất có pháp lý hoàn chỉnh, nằm tại nơi có thể xây dựng, khai thác để ở hoặc cho thuê, khả năng giảm giá rất thấp. Và ngược lại, nếu khu đất có pháp lý chưa hoàn chỉnh, nằm tại nơi không có tính thương mại cao, mật độ dân cư thấp, khó khai thác cho thuê, giá đất nhiều khả năng sẽ giảm.
Lạc quan hơn, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&B của DKRA cho rằng, từ nay đến cuối năm, giá bán phân khúc đất nền có thể tiếp tục tăng, dù không đột biến như quý I/2018 nhưng vẫn tạo mức lợi nhuận hấp dẫn với nhà đầu tư hơn các phân khúc khác.
Về phía doanh nghiệp, trước sự tăng trưởng tốt của thị trường 5 tháng đầu năm dù trải qua không ít gập ghềnh, đại diện nhiều doanh nghiệp đều cho thấy lòng tin vào thị trường, vào sự phát triển bền vững trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hào Hiệp, Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc First Real cho rằng: “Việc thị trường rơi vào suy thoái cũng chưa hẳn là điều xấu, vì khi ấy thị trường sẽ có tác dụng loại bỏ đi những nhóm đầu cơ cá mập, sàng lọc đi những chủ đầu tư không có thực lực. Chỉ những doanh nghiệp có thực lực, tiềm lực tốt cả về tài chính lẫn con người sẽ trụ lại và phát triển tốt”.
Riêng tại những khu vực dự kiến trở thành đặc khu, lãnh đạo một công ty địa ốc đã dự báo, đến cuối năm 2018, đầu năm 2019, nếu Luật đặc khu được thông qua, những vùng này có thể diễn ra một cơn sốt đất mới, mang tính chất của một trận đại hồng thủy.
Nhìn chung, trong nửa cuối năm nay, giá đất nền được dự báo sẽ chủ yếu đi ngang, xu thế đi lên vẫn còn, song chưa thể đoán định được mức tăng bởi còn phụ thuộc rất lớn vào vị trí, khu vực.