Vì sao 5 đô thị vệ tinh Hà Nội vẫn "bất động" sau 10 năm triển khai?

Diệu Hoa 02/08/2018 12:30

Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, thành phố sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị với 5 đô thị vệ tinh nhằm giảm sức ép cho khu vực nội đô.

Tuy nhiên, đến nay sau 10 năm triển khai, 5 đô thị vệ tinh vẫn chưa thấy hình hài.

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp mới đây, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, để hình thành các đô thị vệ tinh Hà Nội đừng tập trung quá nhiều vào đô thị trung tâm để lấy sự tăng trưởng, mà phải chia sẻ nguồn lực và có cơ chế cho chính quyền các đô thị vệ tinh.

5 đô thị vệ tinh… nằm trên giấy

- Thưa kiến trúc sư, qua quá trình thực hiện quy hoạch Hà Nội mở rộng theo mô hình 5 đô thị vệ tinh, ông đánh giá như thế nào về những thành công cũng như những mặt chưa được của việc thực hiện 5 đô thị vệ tinh này?

Chúng ta vừa tròn 10 năm thực hiện nghị quyết XV của Quốc hội về vấn đề mở rộng địa giới hành chính Hà Nội. Có thể nói rằng sau khi mở rộng địa giới thì Hà Nội rất phát triển về mọi mặt, nhưng ở đây tôi quan tâm về mô hình phát triển của Hà Nội.

5 đô thị vệ tinh: Hòa Lạc, Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên và Xuân  Mai

Chúng ta có 5 đô thị vệ tinh: Hòa Lạc, Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai; trong đó có 3 đô thị ở phía Tây và Tây Nam, còn 2 đô thị ở phía Bắc, phía Đông. Chủ trương phát triển 5 đô thị vệ tinh là rất phù hợp với quy hoạch đô thị hiện đại, nhưng có một vấn đề là chúng ta vẽ quy hoạch là một chuyện nhưng thực hiện quy hoạch là một chuyện khác. Chúng ta tham vọng từ đô thị trung tâm có các vành đai 2, vành đai 3 và các trục xuyên tâm nối đô thị vệ tinh với đô thị trung tâm nhưng lại thiếu kết nối hạ tầng.

Đến ngày hôm nay có thể thực lòng mà nói, trừ Hòa Lạc là đô thị vệ tinh lớn nhất, được nhiều cơ chế nhất nhưng vẫn chưa có một trường đại học nào chuyển lên đấy, hầu như chỉ một vài đơn vị cơ sở khoa học thôi chứ chưa có dân. Cũng tại Xuân Mai đã định hướng xây dựng khu công nghiệp Nam Tiến Xuân với quy mô gần 200 ha nhưng đến nay dự án này vẫn nằm trên giấy!

Thứ hai nữa là các đô thị vệ tinh không được quan tâm đầy đủ. Chúng ta mở rộng địa giới hành chính nhưng nguồn lực có hạn, tất cả vẫn tập trung vào đô thị trung tâm. Bởi đô thị trung tâm có nguồn lực chính là bất động sản, cho nên không gì ngạc nhiên tại sao tất cả các tập đoàn lớn đều tập trung ở vành đai hai, đều ở quanh đô thị trung tâm, mà ở đô thị vệ tinh rất thưa thớt.

Có những ý kiến cho rằng hãy phát triển đô thị Hà Nội theo kiểu vết dầu loang, mà từ vết dầu đó mà các bất động sản họ sẽ lấn dần ra, họ che phủ đi. Tôi cho là Hà Nội sau khi tổng kết 10 năm phải rất bình tĩnh, rất thẳng thắn nhìn thấy những gì chưa được. Mà trong đó, bài học về 5 đô thị vệ tinh, điển hình là đô thị Hòa Lạc là rất sống động. Khi chúng ta không làm được hệ thống kết nối, hạ tầng chúng ta không có con người. Một đô thị không có dân, một đô thị di dân bằng kiểu cưỡng bức thì đô thị đó không tồn tại.

- Rõ ràng như ông nói thì đến nay sức hấp dẫn của các đô thị vệ tinh là chưa có thưa ông?

Đúng vậy! Khi các nhà đầu tư không vào đó chính là sức hút của đô thị không có, sức sống đô thị không có, thì đấy là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ. Thủ tướng rất muốn đẩy nhanh Hòa Lạc lên, đưa các trường đại học vào, mặc dù từ các đô thị vệ tinh đến các đô thị trung tâm chỉ bán kính 20-30km thôi.

 Hòa Lạc với nhiều tòa nhà, trụ sở, trường học mọc lên nhưng vắng bóng người dân (Ảnh: VnExpress)

Ở các nước trên thế giới, 50km người ta vẫn đi làm bằng tàu điện ngầm, bằng tàu sắt trên cao. Ở Nhật Bản rất rõ, người ta đi ô tô đến đấy, rồi đi khoảng 50km mất 1 tiếng, rồi chiều lại đi về, bởi vì giao thông công cộng của họ rất tốt, họ kết nối được. Chính sự kết nối đó tạo đà hút người dân ra bên ngoài, kéo theo gia đình, kéo theo dịch vụ, trường học và tất cả những thứ khác... nhưng chúng ta hiện nay chưa làm được.

Năm đô thị hiện nay vẫn như là 5 đô thị nằm trên giấy, sự cựa mình chuyển động của nó theo đô thị trung tâm vẫn quá chậm, và hầu như các nhà đầu tư bất động sản ít quan tâm đến đấy, người dân lại càng ít. 

Trao quyền cho chính quyền đô thị vệ tinh

- Theo ông, cơ quan chức năng của thành phố cần có đánh giá, nhìn nhận đầy đủ hơn về các chính sách thu hút đầu tư cho 5 đô thị vệ tinh?

Đây là điều phải làm. Để phát triển 5 đô thị vệ tinh thì cần phải san sẻ nguồn lực, đừng tập trung quá nhiều vào đô thị trung tâm để lấy sự tăng trưởng mà phải chia sẻ nguồn lực cho 5 đô thị vệ tinh và có cơ chế cho chính quyền đô thị vệ tinh có quyền làm chủ.

Khi họ đã có quyền rồi thì họ phải năng động, phát huy trí tuệ, bởi đã là quản trị đô thị phải có tâm huyết và tài năng, chứ không phải cứ bầu chung chung như vậy. Nếu không như thế thì 5 đô thị này không thể phát triển được, đô thị trung tâm phải hỗ trợ họ nguồn lực, tạo giao thông kết nối cho tốt còn lại phải để cho chính quyền đô thị.

- Trong quy hoạch cũng tính đến việc di dời các trường học, bệnh viện ra các đô thị vệ tinh nhưng đến nay việc thực hiện vẫn chưa thực sự hiệu quả. Theo ông đâu là nguyên nhân?

Bởi vì con người chúng ta luôn luôn ở trong tâm thế nước chảy chỗ trũng, càng trung tâm người ta càng bị hút về. Bởi trung tâm có lịch sử, có văn hóa, đất địa linh nhân kiệt mới đặt ở trung tâm, họ có dịch vụ đầy đủ, có siêu thị, có trường học, có các bệnh viện chất lượng cao trong khi 5 đô thị vệ tinh người ta vẽ ra, người ta mong muốn thôi chứ người ta không cấy ghép vào đấy.

Đã bệnh viện, trường học nào chuyển về Sóc Sơn hay không? Liệu khi chuyển về đấy thì cán bộ công nhân viên trường đại học đó có yên lòng ở Sóc Sơn hay họ cứ ở Hà Nội?

Trong quy hoạch chung Hà Nội đã tính đến phương án di dời các trường học và bệnh viện ra đô thị vệ tinh

Một điều nữa tôi muốn nói là sự di dời cũng phải tính, một đô thị lịch sử, đô thị có dấu ấn, kể cả các trường đại học, trường đại học nằm trong một đô thị lịch sử nó trở thành một di sản. Ví dụ trường đại học Y Hà Nội do người Pháp xây dựng ngày hôm nay nó đã trở thành một di sản. Chúng ta hình dung một thành phố đưa hết các trường đại học đi thì không phải. Trong quy hoạch chung Hà Nội Thủ tướng phê duyệt để lại 30 vạn dân trong nội đô, chứ không phải đi hết.

Tôi cho rằng bài toán quy hoạch là bài toán văn hóa, bài toán nhân văn, bài toán con người và nó là bài toán kinh tế. Hiện nay có một vấn đề là chúng ta đang chạy theo các dự án bất động sản, mà tôi nghi ngờ rằng các dự án bất động sản bởi các chủ đầu tư là kinh doanh, họ bán hàng và đến khi đưa con người lên các tòa cao tầng rồi họ sẽ chỉ sống với 4 bức tường, không có không gian công cộng, không có nơi giao lưu, không có sân chơi trẻ em, sân chơi người già, và mỗi lần mùa nước thì cả khu đô thị đó sẽ mênh mông nước.

- Ông có đề xuất gì để Đồ án quy hoạch chung Hà Nội trong đó có 5 đô thị vệ tinh sớm về đích?

Tôi rất mừng sau 10 năm mở rộng Thủ đô, chúng ta đã đạt được những thành quả tuyệt vời mà Thủ tướng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã công nhận. Nhưng Hà Nội đừng ngủ quên trên những thành tựu đó bởi vì trên bản đồ còn 5 đô thị vệ tinh mà 5 đô thị vệ tinh đó đang phải gánh trách nhiệm hút dân số, chia sẻ gánh nặng dân số với trung tâm, nó làm nhiệm vụ gánh vác cho Hà Nội tránh được bệnh đầu tàu mà thế giới đang rất tối kỵ.

Mà để làm được điều đó cần có các chính sách xây dựng 5 đô thị vệ tinh, trước hết là hệ thống hạ tầng, giao thông công cộng, để người dân thấy rằng sống ở đó người ta cảm thấy hạnh phúc, tin tưởng, cảm thấy cuộc sống tốt đẹp hơn thì người ta mới ở. Nếu không làm được điều này thì các đô thị vệ tinh chỉ nằm trên hình vẽ và những điều đã nói chỉ là khẩu hiệu.

- Vâng! Xin cảm ơn ông.

Diệu Hoa