Hà Nội cứ 10 năm là “bỏ” một đường vành đai

Diệu Hoa thực hiện 06/08/2018 15:04

Sau 10 năm quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và sau 7 năm phê duyệt, tiến độ thực hiện dự án có chậm nhưng chưa vội lo.

Ông Ngô Trung Hải - Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng thừa nhận như vậy khi trao đổi với DĐDN.

Phát triển đô thị vệ tinh trong vòng ngắn hạn là rất khó

Phát triển đô thị vệ tinh trong vòng ngắn hạn là rất khó

Ông Hải cho biết, cách đây 7 năm, Hà Nội đã công bố quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050, bây giờ mới 2018 vậy là còn 12 năm nữa để thực hiện. Ông Hải cho rằng mô hình một đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh và các đô thị sinh thái đóng góp cho một mô hình Hà Nội phát triển bền vững và đặc biệt có tầm nhìn lâu dài.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao 5 đô thị vệ tinh Hà Nội vẫn

    Vì sao 5 đô thị vệ tinh Hà Nội vẫn "bất động" sau 10 năm triển khai?

    12:30, 02/08/2018

Phát triển trong ngắn hạn là rất khó

- Nếu như nhìn nhận về bộ mặt kinh tế xã hội cũng như đời sống dân cư sau 10 năm quy hoạch chung Hà Nội đã có sự thay đổi như thế nào thưa ông?

Sau khi mở rộng Hà Nội và làm xong quy hoạch chỉ mới 7 năm thôi vì năm 2011 mới phê duyệt quy hoạch. So với tốc độ phát triển của một khu dân cư, 7 năm chỉ là giai đoạn bắt đầu chuẩn bị những quy hoạch phân khu hay những quy hoạch chi tiết. Nếu so với toàn dự án thì nó chỉ nằm ở giai đoạn khởi đầu.

Theo tôi được biết, hiện nay các dự án của các đô thị đi về cơ bản đã có chủ, nhưng một số chủ đầu tư thực hiện các khu dân cư chậm hơn, còn các dự án phát triển về công nghiệp, văn hóa thể thao du lịch thì tốc độ lại nhích hơn một chút. Nhưng nếu nhìn bản chất đời sống của những người dân ở khu vực đê cũ, phải nói rằng họ thay đổi hoàn toàn, thậm chí cuộc sống mang tính lột xác.

Ví dụ như vùng cực Tây mà ta thường nói là vùng khó khăn nhất của Hà Nội trong vùng đô thị Hoà Lạc nhưng hiện nay hệ thống giao thông đường bê tông, ô tô đến tận nơi, điện, trường học rồi tất cả những hệ thống dịch vụ đô thị người dân có thể tiếp cận dễ dàng.

Hay đồng chí Chủ tịch xã Tiến Xuân (Thạch Thất) cũng đã nói rất rõ, trước đây xã 40% là hộ nghèo nhưng nay xuống còn 2%. Đấy cũng là một phần tác động do Hà Nội phát triển nói chung nhưng bản thân cũng xác định nằm trong những khu đô thị vệ tinh nên có sự hỗ trợ ít nhiều để phát triển.

- Tuy nhiên, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng quá trình xây dựng đô thị vệ tinh ở Hà Nội đang diễn ra khá chậm. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Phát triển đô thị vệ tinh trong vòng ngắn hạn phải nói là rất khó dù đô thị vệ tinh đã có cơ sở vật chất trước, đã có đầu tư trước nhưng vẫn là những bài toán phát triển đòi hỏi một khối lượng rất lớn về đầu tư hạ tầng.

Nhiều chuyên gia cũng nói rằng tại sao phát triển đô thị vệ tinh chưa có hạ tầng tốn kém, chọn phương án đấy tại sao không tiếp tục đầu tư vào lõi trung tâm để phát triển dễ hơn?

Chính bài toán ấy là bài toán rất nhiều chuyên gia đã giải. Nếu như tiếp tục nén vào đô thị trung tâm này thì chắc chắn chúng ta sẽ phải trả giá nhiều hơn so khi chúng ta phát triển ở ngoài kia. Toàn bộ vùng Thủ đô đang có xu hướng kéo về Hà Nội, người dân kéo về đây tìm kiếm việc làm và chia sẻ không gian, thì sẽ tiếp tục tạo sức ép vào trong nội đô rất khủng khiếp như vậy sẽ trả giá về lâu dài hơn.

Ở Paris cũng là vùng rất giàu của nước Pháp mà phát triển đến 40 năm một mô hình đô thị vệ tinh, và họ liên tục thay đổi. Trước đây các đô thị vệ tinh của Pháp ví dụ như đô thị Cergy – Pontoise mà họ thay đổi từ một đô thị ngủ thành một đô thị làm việc và thu hút người ta đến đấy sống và làm việc để không chạy vào Paris. Đô thị ngủ này ở châu Âu rất phổ biến ví dụ như thành phố vườn Ebenezer Howard của Anh rất nổi tiếng nhưng bây giờ người ta cũng thay đổi, đưa việc làm vào để ổn định dân ở đấy.

Chúng ta đã rút kinh nghiệm, không đặt các đô thị ngủ mà là đô thị có các chức năng về hoạt động phát triển kinh tế, chức năng hỗ trợ cho đô thị trung tâm Hà Nội để người dân có thể sống, làm việc, kiếm tiền và yên tâm an cư ở đó.

Người Hà Nội cũng có thể di chuyển ra đó để làm việc như các bác sĩ đi làm việc ở bệnh viện, giáo sư dạy ở các trường đại học hay người dân có thể đi du lịch cuối tuần ở các đô thị vệ tinh. Người dân cũng có thể giao thoa qua lại trong ngày để chia sẻ mô hình kinh tế giữa đô thị vệ tinh và đô thị trung tâm.

Nên giao các dự án hạ tầng, dịch vụ cho tư nhân

- Thực tế hiện nay, các chuyên gia đánh giá sự phát triển chậm của mô hình đô thị vệ tinh này chính là sự thiếu hụt hạ tầng và dịch vụ. Vậy theo quan điểm của ông, chính quyền cần những gì để có những bước tiến nhanh hơn theo quy hoạch?

Tôi đánh giá rằng chậm là sức lan tỏa nóng của đô thị, bao giờ cũng thế, người dân tìm kiếm chỗ ở, việc làm và đặc biệt là dịch vụ. Hiện nay giao thông và dịch vụ cho các đô thị vệ tinh đang còn thiếu, đây là một trong những câu chuyện mà chúng ta cần khắc phục và đầu tư thêm. Rất nhiều người nói về cơ chế chính sách, ở đâu cũng cần cơ chế chính sách nhưng cần khẳng định rằng cơ chế chính sách ở đây chính là đẩy nhanh các tuyến giao thông công cộng, các khu dịch vụ thì cũng phải đẩy nhanh về hướng tư nhân hóa vì chắc chắn chính quyền không thể ôm hết được.

Ví dụ như Hà Nội đã mạnh dạn giao cho Tập đoàn Vingroup cũng như P&T nghiên cứu khả thi các tuyến đường sắt công cộng hướng về phía Tây. Hiện họ đã nghiên cứu và sắp sửa trình Chính phủ, nếu được chấp thuận thì chắc chắn họ sẽ bỏ tiền ra. Nhưng tất nhiên xây dựng một tuyến tàu điện với cả các quốc gia giàu cũng mất ít nhất 5-7 năm, nên chúng ta vẫn phải trông chờ vào cách đưa các tập đoàn lớn, đưa các công ty lớn có quyết tâm đầu tư cũng như nhà nước mình dồn vào thương mại dịch vụ để kéo dần.

Họ sẵn sàng xây nhà ở nhưng nếu không có dịch vụ, không có giao thông chắc chắn họ sẽ không ở. Chúng tôi cho rằng đấy là mấu chốt để phát triển đô thị vệ tinh.

Hai là kích thích nhanh, giải phóng nhanh vấn đề đại học ở trung tâm đưa ra các cơ sở 2, đưa bệnh viện ra ngoài này. Những khu đô thị mới mang tính thông minh sáng tạo, đòi hỏi những không gian mới, người ta cũng thích đưa ra các nơi nghiên cứu mới thoải mái, rộng rãi hơn thì nhanh chóng đưa ra các sáng kiến như thể thúc đẩy, thu hút đối tượng. Làm sao để trở thành một đô thị vệ tinh hoàn chỉnh nhất, hiện đại nhất tự hào nhất, đó là đô thị Hòa Lạc.

Đứng trước nhiều khó khăn rằng chậm nhưng chúng ta đừng nóng vội, 7 - 8 năm chưa phải chậm nhưng chúng ta phải nhìn lại cách chúng ta làm. Không phải kêu cơ chế chính sách mà phải bắt tay vào làm, mạnh dạn giao cho những mô hình đầu tư tập trung cho doanh nghiệp, khuyến khích họ, có những cơ chế cho các nhà đầu tư như vay lãi suất, trái phiếu, kêu gọi nước ngoài đầu tư.

Ngoài vành đai 3 với nhiều khu nhà cao tầng, khu đô thị mọc lên 

- Như vậy ngoài việc tin tưởng giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp Việt, yếu tố đầu tư nước ngoài cũng cần được chú trọng, thưa ông?

Tôi được biết người Nhật cũng rất quan tâm đến tuyến phía Bắc, là Nhật Tân - Nội Bài, họ quan tâm khu công nghệ cao Hòa Lạc. Nếu như họ tham gia vào đầu tư tuyến đường sắt metro nội đô, tôi tin rằng bộ mặt đô thị Hòa lạc sẽ thay đổi rất lớn trong 10 năm tới.

Quy luật của Hà Nội là cứ 10 năm bỏ ra một vành đai. Ngoài vành đai 3 hiện nay đang kéo dài và nhiều dự án xung quanh Mỹ Đình, Mễ Trì đây, các khu nhà cao tầng, các khu đô thị mọc lên tại đây và người dân họ bắt đầu chấp nhận ra đây sống, chứ ngày xưa ở đây là hoàn toàn hoang vắng. Thì bây giờ sau 7 năm thực hiện, khu vực thực hiện đã đông đúc.

Thử nghĩ nếu như 10 năm nữa bỏ ra một vành đai, ví dụ như hoãn các đô thị sinh thái mà 10 năm nữa ra các đô thị vệ tinh thì rõ ràng là tốc độ phát triển với các đất nước có kinh nghiệm cũng phải phải từ 30 đến 40 năm. Điển hình như các đô thị Cergy – Pontoise hay các đô thị xung quanh Paris cũng vẫn đang tiếp tục phát triển nhưng họ khẳng định rằng mô hình đấy đã thành công và cứu cho Paris vẫn còn hoa lệ như thế.

Ông có đề xuất gì để Đồ án quy hoạch chung Hà Nội trong đó có 5 đô thị vệ tinh sớm về đích?

Đô thị vệ tinh chỉ để cho Hà Nội loay hoay thôi, tôi tin chắc rằng cũng không phải dễ. Khu Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, tôi cho rằng đấy là một trong những mô hình phát triển nhưng quản lý chưa hẳn thành công vì chúng ta đưa tư nhân vào mô hình vui chơi giải trí quá chậm.

Tôi cho rằng phải chuyển đổi ngay, mô hình quản lý phải tập trung chuyển giao dần những không gian này cho các nhà đầu tư làm vui chơi giải trí. Điển hình như Vinpearl Land chỉ sau 2 năm thôi họ đã có tới hàng ngàn người làm, Tinh hoa Bắc Bộ giao cho Tập đoàn Tuần Châu bây giờ đã đưa vào hoạt động, rồi Sun Group chỉ trong 2 năm thôi họ đã ra đời các khu vui chơi giải trí.

Tôi cho rằng bàn tay chính quyền trung ương đã động vào như thế nào để khích thích, đẩy giá trị lên chứ không có nghĩa là ôm hết tất cả, hãy để cho tư nhân phát triển ở các khu đô thị ấy.

- Vâng! Xin cảm ơn ông.

Diệu Hoa thực hiện