Kiểm soát điều chỉnh quy hoạch đô thị

KTS. BÙI HUY TRÍ 29/08/2018 12:52

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi các địa phương về việc tăng cường kiểm soát và báo cáo công tác quản lý quy hoạch đô thị, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị trong khu vực nội thành.

Linh Đàm giờ là đô thị mới của những cao ốc chung cư giá rẻ mọc lên như nấm, khiến hạ tầng khu vực quá tải.

Linh Đàm giờ là đô thị mới của những cao ốc chung cư giá rẻ mọc lên như nấm, khiến hạ tầng khu vực quá tải

Chỉ đạo của Bộ Xây dựng là rất cần thiết trong tình hình hiện nay khi nhiều đô thị trên toàn quốc đang lâm vào tình trạng nêm chặt khu vực trung tâm. Dễ nhận thấy, tình trạng đáng lo ngại ở những đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng với dân số ngày càng tăng, phương tiện  giao thông cá nhân ngày một nhiều, hạ tầng kỹ thuật không theo kịp thực tế phát triển.

Chỉ là giải pháp tình thế

Cần hiểu đây không phải là chiến lược tổng thể mà chỉ là giải pháp tình thế để cứu vãn, chống đỡ tình trạng mất cân bằng cho một số đô thị. Cần phải khẳng định sự mất cân bằng đó là hệ quả của sự thiếu kiểm soát các chỉ tiêu phát triển đô thị.

Về mặt lý thuyết, các đô thị được  quy hoạch bài bản, xác định rõ tính chất, chức năng, quy mô dân số, diện tích đô thị, mât độ xây dựng, tầng cao trung bình cho từng khu vực. Đó là các chỉ tiêu phát triển đô thị cần được kiểm soát trong từng giai đoạn phát triển. Các chỉ tiêu này có thể được điều chỉnh trong từng giai đoạn tùy theo thực tế nội lực và bối cảnh quan hệ khu vực, quốc tế.

Tuy nhiên, dù được giữ nguyên hay điều chỉnh thì các chỉ tiêu luôn phải được xác định một cách chủ động chứ không phải cứ thả nổi cho đến khi biến động mới lo chống đỡ. Rất tiếc đó lại chính là tình trạng phổ biến hiện nay của các đô thị được coi là lớn trong nước.

Một xu thế phổ biến là sự tập trung quá mức vào khu vực trung tâm. Đây rõ ràng là sự mất kiểm soát cái đã hoạch định chứ không phải không có hoạch định. Hầu hết các đô thị đều được quy hoạch sao cho khu vực trung tâm vừa có được sự sầm uất vừa đảm bảo tốt khả năng lưu thông. Khu vực trung tâm là trái tim của đô thị nhưng phải là trái tim khỏe mạnh chứ không phải trái tim bị bóp nghẹt đến tắc động mạch chỗ này, hở van chỗ kia…

Ai cũng biết khu vực trung tâm là “đất vàng”, mà đã là vàng thì nhiều người ham muốn. Các nhà đầu tư đều mong muốn có được dự án ở trung tâm, người chưa ở trung tâm muốn vào được trung tâm, người ở trung tâm rồi thì muốn xây cho cao tầng thêm. Ngay cả các cơ quan nhà nước nhiều khi cũng không chấp hành việc di dời theo quy hoạch, điển hình như một số Bộ, ngành ở Hà Nội cũng vậy. Có khi chấp hành di chuyển nhưng lại giữ lại trụ sở cũ để làm cơ sở 2, cơ sở 3 rồi thay đổi chức năng sử dụng, thậm chí biến thành đất ở.

Các dự án đầu tư vào khu vực trung tâm luôn có xu hướng xin các chỉ tiêu xây dựng tối đa với lý do cân đối giá trị đầu tư đất. Nếu chính quyền ủng hộ sẽ chỉ đạo điều chỉnh cục bộ các quy hoạch phân khu đã phê duyệt. Khu vực quy định xây 5 tầng thì cho lên 9, 10  tầng; khu nhà ở thấp tầng thì cho xây khách sạn cao tầng,khu trường học, bệnh viện thì cho xây chen tổ hợp căn hộ quy mô lớn, mật độ xây dựng 40% thì cho lên 60-70%...

Những sự điều chỉnh này hẳn nhiên sẽ làm tăng dân số, tăng phương tiện giao thông, tăng nhu cầu về giáo dục, y tế, công viên, cây xanh... Khi mà quỹ đất không đáp ứng được dẫn đến tình trạng ăn ở chật chội, đi lại chen chúc, thiếu phúc lợi xã hội, chất lượng môi trường kém... Thậm chí việc chấp nhận sự xuất hiện của một số dự án có thể gây hậu quả khôn lường, sân golf trong Sân bay Tân Sơn Nhất là ví dụ đau lòng. Đó là sự phá vỡ quy hoạch chứ không ai quy hoạch vậy cả!

Điều đáng nói là trong nhiều trường hợp, sự điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chỉ đơn giản là thủ tục hợp thức hóa cho sự thay đổi chứ không có cơ sở khoa học nào. Nhiều lần điều chỉnh như vậy dẫn đến sự “biến dạng” cơ thể đô thị và nếu để tình trạng trượt dài sẽ đến lúc đô thị ấy không còn…biết mình là ai.

Nhận diện nguyên nhân

Không khó để mổ xẻ những tiêu cực này nhưng vì sao nó vẫn tồn tại và ngày càng quy mô hơn, bài bản hơn. Đâu là thủ phạm dẫn đến xu hướng đó? Cần phải thẳng thắn chỉ mặt đặt tên nó là lợi ích nhóm. Chỉ có lợi ích nhóm mới có thể làm biến dạng, què quặt, thui chột các đô thị.

Ai đó có thể hỏi, tại sao không phát huy sự công khai minh bạch trong quy hoạch đô thị và các dự án đầu tư, việc lấy ý kiến cộng đồng như thế nào, việc giám sát của nhân dân ra sao? Câu trả lời là những chuyện ấy có cả, nhưng nhều khi chỉ là hình thức thôi. Việc lấy ý kiến cộng đồng nhiều trường hợp chỉ là ý kiến của một số cá nhân được “chọn mặt gửi vàng”. Còn vai trò của các tổ chức phản biện xã hội ở đâu? Thực ra nhiều tổ chức phản biện vẫn phải “bú nguồn sữa ngân sách” nên khi cần lại khó ăn khó nói.

Thường thì Hội đồng Kiến trúc quy hoạch thành phố là tổ chức có lực lượng mạnh nhất về chuyên môn và tâm huyết ở các đô thị lớn. Vấn đề là họ có được tham gia vào các vấn đề lớn của đô thị hay không. Nhiều trường hợp Hội đồng Kiến trúc quy hoạch chỉ được mời để tham vấn các vấn đề chung chung, vô thưởng vô phạt hoặc để phản bác các dự án vốn không được ủng hộ.

Khi lợi ích nhóm đang bao phủ các vấn đề xã hội thì việc minh bạch hóa các vấn đề về quy hoạch, đầu tư là một quá trình đấu tranh lâu dài. Trong bối cảnh nhiều đô thị đang có diễn biến xấu như hiện nay thì chỉ đạo của Bộ Xây dựng là cần thiết, tuy nhiên nó chỉ là toa thuốc điều trị tạm thời đối với căn bệnh vốn cần đến một cuộc đại phẫu.

KTS. BÙI HUY TRÍ