Lời giải nào cho nhà tái định cư?

HỒNG HƯƠNG 05/09/2018 19:43

TP Hà Nội nên tạm dừng việc xây các khu tái định cư thay vào đó cần có những nghiên cứu cụ thể để phù hợp với nhu cầu người dân.

Các khu nhà tái định cư chất lượng thấp nên người dân không muốn nhận

Các khu nhà tái định cư chất lượng thấp, nảy sinh nhiều bất cập

Người dân “ngán” nhà ở tái định cư

Khảo sát tại các khu tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội, điều mà ai cũng có thể nhận thấy đó là các căn hộ đều trong tình trạng nhếch nhác, xuống cấp trầm trọng.

Ghi nhận tại Hội nghị tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội trong thời gian gần đây, nhiều cử tri là cư dân đang sinh sống tại các khu chung cư tái định cư cho rằng, họ đã bàn giao nhà cửa, đất đai để nhà nước thực hiện các dự án, nhưng khi chuyển về sinh sống tại các khu nhà tái định cư thì chất lượng rất thấp, nảy sinh nhiều bất cập.

Cụ thể, hiện nhiều khu chung cư đã xuống cấp, các hệ thống điện nước, thang máy thường xuyên bị hư hỏng, trong khi ban quản lý tòa nhà lại không khắc phục kịp thời. Các cử tri cũng bày tỏ bức xúc các vấn đề như chậm thành lập ban quản trị, không minh bạch trong sử dụng diện tích tầng 1 mà cho thuê “tùm lum”… ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Trước thực trạng này, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT cho rằng, một phần nguyên nhân nằm ở chỗ chất lượng của các khu tái định cư quá kém. Rất nhiều khu tái định cư, chỉ cần sau 2 năm không có người đến ở là có thể thấy cơ sở vật chất, hạ tầng đều xuống cấp. Chất lượng nước, điện, thang máy, phòng cháy chữa cháy cũng không đảm bảo dẫn đến chuyện nhiều khu tái định cư, kể cả nằm ở vị trí vàng, nhưng người dân vẫn không muốn ở.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Reenco Sông Hồng thừa nhận, theo luật và chủ trương chính sách nhà ở tái định cư, nhà ở mới phải có điều kiện tốt hơn nhà ở cũ. Tuy nhiên, nhìn lại hệ thống nhà tái định cư từ trước đến nay thì chưa dự án nào đáp ứng được yêu cầu đó bởi chúng ta đang chạy theo “lối mòn” cơ chế cũ là người dân không có quyền tham gia góp ý.

“Nhà nước giao cho một số doanh nghiệp xây, sau đó bàn giao lại cho chính quyền địa phương và áp đặt người dân vào ở. Vậy những người đã sống bao nhiêu năm bằng kinh doanh trên mảnh đất cũ, giờ chuyển đến những căn hộ trên các tầng cao, họ sẽ mưu sinh thế nào? Hay một đứa trẻ đang học ở trường công giữa trung tâm, nay chuyển về nơi ở mới phải lặn lội cả chục km để đi học?… Đây là những nguyên nhân khiến người dân “ngán” nhà ở tái định cư”, ông Điệp cho biết.

Cần cái nhìn của “người trong cuộc”

Ông Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng có nghịch lý trên là do chủ trương xây nhà ở tái định cư chưa gắn liền với thực tế, chưa tuân theo những quy luật của cơ chế thị trường. Hiện nay, nhà tái định cư vẫn đang được quan niệm như một sản phẩm đầu tư của nhà nước, đầu tư bằng tiền ngân sách. Mà tất cả những gì được đầu tư bằng tiền của ngân sách thì không hiệu quả. Nhiều dự án tái định cư được vẽ ra theo trí tưởng tượng của các cá nhân chứ không phải xây dựng dựa trên nhu cầu thực sự của người dân.

Quy hoạch khu tái định cư phải thiết kế khu nhà ở đa chức năng, bao gồm từ chức năng sống, dịch vụ cho tới giải quyết công ăn việc làm. Tuy nhiên, hiện nay những khu đất vàng hầu hết đều bị quy hoạch, phát triển nhà cao tầng, còn người dân bị quy hoạch tới một khu vực cách nơi sinh sống tới cả mấy chục cây số.

Cuộc sống của người dân đã rất khó khăn mà hàng ngày lại mất thời gian đi lại khiến người dân chán nản, không muốn nhận nhà. Do đó, hàng nghìn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác đã khẳng định cơ chế tái định cư đã thất bại. 

Theo TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ xây dựng, để hạn chế bỏ trống căn hộ tái định cư về lâu dài cần quy trách nhiệm cá nhân khi thực hiện dự án tái định cư không hiệu quả, không phù hợp nguyện vọng của người dân gây lãng phí nguồn đầu tư. Cũng cần có giải pháp chuyển những nhà tái định cư đang bỏ không sang nhà ở thương mại giá rẻ để bán thu hồi vốn đầu tư, cũng có thể đem đấu giá để hoàn vốn cho doanh nghiệp.

“Để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc xây dựng nhà tái định cư, cần tính đến phương án xã hội hóa. Nhà nước có thể xem xét, giao quỹ đất phục vụ dự án tái định cư cho chủ đầu tư xây dựng có đủ năng lực. Chủ đầu tư có quyền khai thác một tỷ lệ nhất định trong số nhà được xây để kinh doanh, thu hồi vốn. Như vậy, nếu chủ đầu tư muốn khai thác hiệu quả dự án, chất lượng nhà tái định cư phải tương đương với nhà ở xã hội hiện nay”– ông Liêm đề xuất.

Cũng theo GS Võ, khi nhiều người dân còn đang phải tìm kiếm công việc thông qua kinh tế hộ gia đình, chúng ta cần giải quyết tái định cư theo một cách khác chứ không phải nhất thiết toàn bộ nhà tái định cư phải là chung cư. Bên cạnh đó, TP Hà Nội cần phải tiến hành khảo sát, tìm hiểu người dân bị thu hồi đất ở để biết được đời sống của họ như thế nào, họ có mong muốn nguyện vọng gì?

“Tôi cho rằng xây dựng tái định cư là công việc cần dày công nghiên cứu. TP Hà Nội nên tạm dừng việc xây các khu tái định cư như hiện nay để có những nghiên cứu cụ thể” - GS Võ bày tỏ quan điểm.

HỒNG HƯƠNG