Phát triển nhà ở xã hội: Vì sao Việt Nam kém xa thế giới?
Câu chuyện giải quyết nhà ở cho những người có thu nhập thấp luôn được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Theo Chiến lược phát triển Nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cần 1 triệu căn nhà mới đáp ứng đủ nhu cầu cho người có thu nhập thấp.
Về nhà ở xã hội tại đô thị, hiện có 86 dự án đã được xây dựng, đang tiếp tục triển khai 134 dự án. Có 100 dự án nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp và có 72 dự án đang triển khai. Quỹ nhà được đầu tư từ nguồn vốn nhà nước đã giải quyết được 200.000 chỗ ở cho sinh viên.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc triển khai nhà ở xã hội, đặc biệt là quỹ đất khu vực trung tâm hầu như không còn, trong khi ở xa trung tâm chưa có hệ thống hạ tầng kết nối. Khó khăn nữa là nguồn vốn từ ngân sách để đầu tư công chưa đáp ứng được nhu cầu, lợi nhuận thấp chưa đủ hấp dẫn khuyến khích các nhà đầu tư tham gia.
Chính phủ hỗ trợ tài chính
Về kinh nghiệm thế giới, ông Noh Jae Keuk - Chuyên gia Nhà ở xã hội, Công ty Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc thừa nhận sự thất bại của thị trường khi không đảm bảo được nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp. Ông Noh Jae Keuk cho rằng thị trường không điều chỉnh được và nếu cứ để thị trường tự vận động thì những người nghèo sẽ không thể tiếp cận được nhà ở do vậy Chính phủ các nước cần can thiệp.
Ông Noh Jae Keuk dẫn chứng, ở Hàn Quốc việc xây dựng nhà ở xã hội được hỗ trợ bởi Chính phủ Hàn Quốc để phù hợp với túi tiền của người dân thu nhập thấp.
Hàn Quốc cung ứng nhà ở cho người thu nhập thấp dưới dạng nhà cho thuê trong 10 năm, sau 10 năm có thể bán cho người dân dưới dạng nhà ở xã hội. Chính phủ sẽ hỗ trợ về tài chính cho đối tượng nhà ở này.
“Chúng tôi chia ra 10 nhóm thu nhập, đầu tiên là thu nhập thấp và trên cùng là nhóm nhà giàu. Mỗi nhóm sẽ được hưởng 1 chính sách khác nhau. Những người nghèo thậm chí không thể thuê nhà thì Chính phủ sẽ xây những khu nhà cho thuê và hỗ trợ về tài chính, giá thuê sẽ thấp hơn thị trường khoảng 30%. Đối với nhóm trên thu nhập thấp, chúng tôi hỗ trợ qua việc phí thuê nhà thấp hơn 1 chút. Nhóm 3, 4 được hỗ trợ thuê thấp hơn thị trường 15%. Đối với nhóm thu nhập trung bình, không phải là thu nhập thấp, Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ áp dụng mức lãi suất thấp hơn để họ có thể mua nhà” – ông Noh Jae Keuk chia sẻ.
Ông Noh Jae Keuk cho biết thêm, ở Hàn Quốc cũng có quỹ nhà ở và quỹ này có ngân sách từ Chính phủ. Ngoài ra, một phần quỹ cũng xuất phát từ sự tiết kiệm của người dân. Mỗi tháng họ đóng một khoản tích cóp cho quỹ nhà ở, có thể là 100 USD hoặc nhiều hơn là 500 USD. Cũng có một số người thu nhập rất thấp, không thể đóng góp.
“Chúng tôi có cơ chế khuyến khích người dân tiết kiệm cho quỹ nhà ở. Như ở khu vực Seoul, quỹ nhà ở sẽ thông báo rộng rãi về chỉ tiêu và minh bạch để người dân an tâm tiết kiệm trong quỹ nhà ở đó” – Ông Noh Jae Keuk cho biết.
Doanh nghiệp được hưởng ưu đãi
Trong khi đó ông Vichai Viratkapan PhD - Trung tâm thông tin Bất động sản, Ngân hàng Nhà ở của Chính phủ Thái Lan cho rằng, họ không có một quy định cứng cho những người thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội vì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nhưng chắc chắn là mọi thứ đều phải đảm bảo được lợi nhuận cho doanh nghiệp. Cũng có thể tính toán trung bình là 30% vì ở Thái Lan, Chính phủ cũng có những chính sách hỗ trợ về vốn và tài chính cho các doanh nghiệp khi họ tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Dẫn chứng ông Vichai cho biết, ở trung tâm thành phố có một số lô đất, nếu doanh nghiệp quyết định xây chung cư cao cấp thì phải chọn 1 lô đất ở gần ngay đó để có thể xây nhà cho những người thu nhập không cao.
“Chúng tôi mong muốn có nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp với mức giá chưa đến 1 triệu bath Thái (là mức rất thấp). Do đó, chúng tôi có trao đổi với các công ty phát triển nhà ở, họ có thể bán với mức giá thấp để người thu nhập thấp có thể mua được”, ông Vichai nói.
Nói về vấn đề lãi suất, ông Vichai cho biết: “Chúng tôi đưa ra mức lãi suất rất thấp và giữ ở mức 3 - 4%/năm trong suốt 3 năm đầu tiên. Mỗi tháng người dân chỉ phải trả 1.500 - 2.000 bath, người ta gọi đó là mua nhà trả góp”.
Ngoài ra, ông Vichai cho biết các công ty xây dựng tư nhân cũng được hưởng ưu đãi để phát triển các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp. “Chúng tôi hy vọng năm 2018, có 100.000 đơn vị nhà ở sẵn có để bán cho người thu nhập thấp bởi thực tế tại Thái Lan vẫn còn 900.000 đơn vị nhà ở phải xây dựng trong những năm tới”, ông Vichai nói.
Về phía Việt Nam, ông Nguyễn Vĩnh Trân - Chủ tịch M.I.K Group cho rằng, cơ quan quản lý cần đưa ra 1 cơ chế để tất cả các bên khi tham gia vào thị trường này đều có lợi.
Ví dụ ở TP. Hà Nội có rất nhiều người lao động đến các đô thị để làm việc, họ có thể trả được chi phí về đời sống nhưng có khi họ lại không thể chi trả được chi phí về việc học cho con cái và họ phải lựa chọn việc đi xa các khu trung tâm để sinh sống và con cái họ không được thụ hưởng nền giáo dục tốt nhất. Chính vì vậy, khi phát triển nhà ở xã hội cần gắn kết chặt chẽ với câu chuyện phát triển các cơ sở giáo dục.
"Đừng cho rằng cứ phát triển các khu nhà ở xã hội chỉ dành cho những người nghèo như thế có thể vô hình chung sẽ tạo nên các "khu ổ chuột" kiểu mới. Bên cạnh đó, mỗi dự án nhà ở thương mại nên dành ra khoảng 10% để phát triển nhà ở cho những người thu nhập thấp và ở đó thì không ai biết ai giàu ai nghèo, tránh tạo ra những bức tường phân biệt trong xã hội" - ông Trân cho biết.
Cũng theo ông Trân, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng đã mở ra cơ hội có nhà ở cho rất nhiều người thu nhập thấp, trong chương trình đó người mua nhà được hưởng mức lãi suất thấp trả trong suốt 20 năm và trả góp đều đặn. "Tiến tới cơ quan quản lý nên đưa ra một gói ưu đãi với mức lãi suất phù hợp để người dân có thể mua được nhà" - ông Trân đề xuất.