Sai phạm xây dựng tràn lan tại Khánh Hòa

Thục Uyên 27/09/2018 01:00

Chỉ 6 tháng đầu năm 2018, Sở Xây dựng Khánh Hòa đã tiến hành kiểm tra và phát hiện hàng trăm công trình xây dựng có sai phạm nghiêm trọng.

Theo Thanh tra Sở Xây dựng Khánh Hòa, vài năm gần đây, số lượng công trình xây dựng trên địa bàn TP Nha Trang tăng đột biến, nhưng kéo theo đó là các vi phạm cũng gia tăng một cách khó hiểu?

p/Dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Bại liên tục xây dựng sai phép.

Dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Bại liên tục xây dựng sai phép

Sai phạm từ dự án nhỏ đến dự án lớn

Chỉ 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có trên 3.000 công trình được cấp phép, trong đó riêng TP Nha Trang có trên 2.000. Qua kiểm tra, Sở Xây dựng Khánh Hòa phát hiện 270 công trình xây dựng sai quy định, riêng TP Nha Trang chiếm tới trên 140 công trình. Sở Xây dựng và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành 125 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 6,4 tỷ đồng.

Cũng theo thông tin từ Sở Xây dựng Khánh Hòa, tính riêng năm 2017, toàn tỉnh có đến 727 công trình xây dựng sai quy định, với 905 quyết định xử phạt trên 10 tỷ đồng. Trong đó, TP Nha Trang đứng đầu với 409 công trình vi phạm.

Đặc biệt, nhiều dự án thuộc dạng “khủng” cũng vi phạm như: Dự án Công viên Bến du thuyền quốc tế Ana Marina (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang) với diện tích 89,3ha bị Sở Xây dựng 2 lần xử phạt vì xây dựng trái phép; dự án Chung cư Napoleon Castle 1 (đường Nguyễn Đình Chiểu) có tổng diện tích gần 3.000m², quy mô 40 tầng với 800 căn hộ nhưng thi công không đúng với giấy phép xây dựng, chủ đầu tư bị Sở Xây dựng xử phạt 40 triệu đồng, đơn vị thi công bị phạt 65 triệu đồng; khách sạn Volga Nha Trang (Bãi Dương, phường Vĩnh Hải) bị xử phạt 105 triệu đồng vì thi công sai giấy phép xây dựng...

Nhiều công trình tai tiếng khiến dư luận người dân Khánh Hòa bức xúc như tình trạng xây dựng tràn lan trong khu sân bay Nha Trang cũ. Theo đó, các công trình tại khu đất cổng số 1 sân bay Nha Trang (cũ) ra đường Hoàng Diệu, Trường Sỹ quan Không quân đã xây dựng hàng loạt công trình vi phạm trên khu vực đất quốc phòng không được cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện; Khu đất giáp đường Trần Phú phía Đông sân bay Nha Trang (cũ) bị Công ty TNHH Tân Thành và Công ty Cổ phần Nam Khánh chiếm dụng và xây dựng trái phép các hạng mục công trình trên khu đất này.

Riêng các công trình xây dựng tại Khu tái định cư thuộc Khu Trung tâm đô thị Thương mại – Dịch vụ - Tài chính – Du lịch Nha Trang (vị trí xây dựng tiếp giáp đường Lê Hồng Phong): UBND TP Nha Trang đã kiểm tra, xác định có 3 công trình chưa có giấy phép xây dựng; 2 công trình xây dựng nhà tạm chưa có giấy phép xây dựng.

Với những công trình lớn, nhiều doanh nghiệp “thích” bị phạt vài chục triệu đồng hơn là chờ đợi giấy phép xây dựng.

Điển hình về tình trạng xây dựng sai phạm được người dân Khánh Hòa quan tâm nhất vẫn là Dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Bại. Dự án đã được Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng cho một số hạng mục như: San nền, cấp – thoát nước, cấp điện; giao thông; trạm xử lý nước thải; nhà kỹ thuật…

Tuy nhiên, từ cuối năm 2017, Công ty CP đầu tư Khánh Hà (chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại) đã tự ý xây dựng vượt quy hoạch, trái giấy phép xây dựng được cấp. Mặc dù đã bị tạm đình chỉ và bị xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên đến giữa năm 2018, chủ dự án vẫn tiếp tục thi công đến khi Thanh tra Sở Xây dựng phát hiện có một số móng công trình đã tự ý đào bới trở lại và Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa tiếp tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty này vì có hành vi vi phạm tổ chức thi công công trình không đúng với giấy phép được cấp.

Vì sao doanh nghiệp “nhờn” xử phạt?

Trước tình trạng vi phạm tràn lan các công trình xây dựng vi phạm như vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản khẩn yêu cầu Sở Xây dựng và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm trật tự xây dựng, sau khi có báo cáo hàng trăm công trình tại đây vi phạm nghiêm trọng.

Ông Trần Văn Thọ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa cho biết, để giảm thiểu và ngăn ngừa tình trạng vi phạm trật tự xây dựng phải có các quy định, biện pháp mạnh tay hơn. Cụ thể cần phải có quy định về việc áp dụng biện pháp cắt điện, nước đối với công trình vi phạm; bổ sung quy định chế tài đối với chủ đầu tư, đơn vị thi công có công trình gây sụp đổ, nguy cơ sụp đổ với công trình lân cận…

Có một thực tế hiện nay tại Khánh Hòa, dù nhiều công trình sai phạm nhưng sau khi bị phát hiện, hầu như các công trình nói trên đều được tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và tồn tại sau khi bị phạt hành chính. Vậy nên, với những công trình lớn, nhiều doanh nghiệp “thích” bị phạt vài chục triệu đồng hơn là chờ đợi giấy phép xây dựng.

Để chấn chỉnh tình trạng này, đầu tháng 9 vừa qua, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản khẩn yêu cầu Sở Xây dựng và UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các công trình vi phạm.

UBND tỉnh giao Sở Xây dựng tiếp tục nghiên cứu các quy định để hướng dẫn các địa phương đối với các vấn đề vướng mắc trong công tác quản lý trật tự xây dựng; cập nhật các vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý thực tế để chủ động tham mưu hoặc xin ý kiến Bộ Xây dựng nhằm đảm bảo việc xử lý đúng quy định của pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng.

Thục Uyên