An toàn lao động trong xây dựng đang bị xem nhẹ
Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng từ những công trình thi công trên cả nước đang gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Theo báo cáo từ Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong năm 2017 cả nước đã xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động), làm 928 người chết và 1.915 người bị thương.
Tính mạng con người còn bị xem nhẹ
Năm 2018, qua 9 tháng đầu năm cũng đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng từ các công trình xây dựng.
Cụ thể, ngày 17/1, tại công trình dự án Cây xanh, bãi đỗ xe Việt Nhật (đường Tố Hữu, phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã xảy ra vụ sập giàn giáo khiến 3 người chết và nhiều người khác bị thương.
Ngày 25/4, tại công trình xây dựng cây xăng trên đường Ngư Bình (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã xảy ra vụ sập công trình xây dựng. Sự việc khiến 7 công nhân bị vùi lấp trong đống bê tông.
Ngày 20/8, một vụ tai nạn lao động đã xảy ra tại công trường xây dựng Dự án tổ hợp văn phòng thương mại dịch vụ nhà trẻ và căn hộ The Sun trên đường Mễ Trì (Hà Nội) khiến 1 người bị thương nặng. Nguyên nhân gây ra tai nạn được xác định là đứt dây cáp cẩu rong quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng lên cao khiến vật liệu bị rơi xuống nóc nhà điều hành nằm ở mặt đường Mễ Trì, làm vỡ lớp mái tôn và hệ thống cửa kính của toà nhà.
Được biết, dự án đang xây dựng đến tầng 29 do Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất Thái Dương làm chủ đầu tư. Tổng thầu thi công phần thân là Công ty Cổ phần CDC Hà Nội.
Gần đây nhất, buổi chiều ngày 27/9, tại công trường đang xây dựng trên đường Lê Văn Lương, một thanh sắt lớn dài khoảng 3m từ trên công trình xây dựng bất ngờ rơi xuống đường, trúng 2 xe máy đang lưu thông. Sự việc khiến khiến 2 người thương vong.
Theo nhân chứng, nguyên nhân có thể do đứt dây cáp trục của thang máy đưa người và vật liệu lên xuống khiến thang máy rơi xuống giàn giáo bên dưới làm thanh sắt văng ra ngoài.
Theo ghi nhận của phóng viên, tòa nhà đang thi công nhưng không có thiết bị lưới mắc che chắn an toàn. Được biết, dự án đang xây dựng là Trung tâm Thương mại và Văn phòng cho thuê ở lô đất 4.6-LO đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Tòa nhà có các đơn vị chủ đầu tư, thi công, thiết kế, giám sát gồm Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Sao Mai, Công ty Tư vấn Xây dựng công nghiệp và Đô thị Việt Nam (VCC), Công ty CP Đầu tư và Xây dựng POLYTEC Việt Nam và Công ty Đầu tư và Phát triển Tây Hồ.
Sự việc xảy ra khiến dư luận không khỏi lo lắng, dường như việc tuân thủ an toàn trong xây dựng vẫn còn bị xem nhẹ.
Cơ quan quản lý cần vào cuộc
Qua đánh giá, cho thấy có hơn 45% nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn là do người sử dụng lao động. Phân tích cụ thể các nguyên nhân, lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, DN để xảy ra tai nạn lao động thường vi phạm vào “ba không”, gồm: Không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 14,6% tổng số vụ; Không huấn luyện hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động chiếm 12,31 %; Không có thiết bị bảo đảm an toàn, chiếm 10%.
Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết thêm, việc các doanh nghiệp được báo trước khi đoàn Thanh tra đến làm việc cũng là một nguyên nhân khiến cho tai nạn giao thông gia tăng vì đây là kẽ hở để họ bưng bít thông tin, che đậy những sai sót trong công tác bảo đảm an toàn lao động.
Dưới góc độ địa phương, ông Nguyễn Quốc Việt - Trưởng phòng An toàn lao động, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, tại TP.HCM việc nâng cấp hạ tầng cũng như xây dựng các chung cư cao tầng, nhà ở dân dụng rất nhiều nên sử dụng lao động phổ thông cũng rất lớn và không được tập huấn về an toàn vệ sinh lao động dẫn đến tai nạn ngày càng gia tăng. Trong ba tháng đầu năm 2018, toàn thành phố xảy ra 15 vụ tai nạn làm chết người.
Nhằm ngăn ngừa tình trạng tai nạn lao động đang có xu hướng gia tăng, ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, các doanh nghiệp phải bảo đảm thời gian, điều kiện, chương trình tập huấn cho người lao động, nếu cố tình móc nối với doanh nghiệp để hợp thức hóa sẽ rút giấy phép. Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra giám sát các lỗi vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.
Đặc biệt, cần có sự cương quyết hơn nữa của cơ quan quản lý Nhà nước, chủ sử dụng lao động và ý thức của người lao động.