Khu đô thị vắng bóng người tại Nha Trang (Kỳ II): Nhà đầu tư vỡ mộng
Phần lớn nhà đầu tư đất nền tại các khu đô thị trên địa bàn TP Nha Trang là “ôm hàng” lướt sóng. Khi cơn sốt lắng xuống thì cơn mộng bắt đầu vỡ tan.
Chị Nguyễn Thị Lệ - nhân viên kinh doanh một ngân hàng trên địa bàn TP Nha Trang cho biết: Khi cơn sốt đất gần lên đến đỉnh điểm vào cuối tháng 3/2018, chị cùng bạn đã “ôm” mấy lô tại KĐT Mỹ Gia, nhưng hơn phần nửa số tiền trong đó là vay ngân hàng.
Sau khi mua xong, giá cứ nhảy lên từng ngày và mỗi giá chị kiếm được 100 triệu/lô, nhưng ít tuần sau đó giá đất bắt đầu đứng. “Lúc đó, mình nghĩ giá sẽ còn lên nữa nên muốn giữ lại, nhưng không ngờ từ quý 2/2018 giá đất chững và bắt đầu giảm mạnh”.
Giờ mỗi tháng chị Lệ và bạn phải trả lãi ngân hàng hơn 13 triệu/tỷ và giá đất vẫn đang còn giảm. Có lô ở KĐT Mỹ Gia, lúc đầu mua giá 21 triệu/m2 giờ rao 19 triệu cũng không ai mua, gửi các sàn bất động sản cũng chẳng ai hỏi. “Giờ ôm mấy lô đất mà như ôm mấy “quả bong nổ chậm” - chị Lệ chia sẻ.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Dương Mộc (phường Phước Long, TP Nha Trang) cho biết, mỗi KĐT lớn như Mỹ Gia, Hà Quang, Lê Hồng Phong 1 và 2, VCN Phước Long… anh đều mua một vài lô nhưng chủ yếu là đầu tư kiếm lời chứ không phải để ở. Vài tháng gần đây nhiều lô đất anh muốn "đẩy" đi cũng khó, trong khi hàng tháng anh vẫn phải trả lãi ngân hàng.
Theo anh Việt - nhân viên môi giới sàn giao dịch O.W Read (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang), hiện bên sàn có rất nhiều lô đất được ký gửi với giá rất thấp so với thị trường nhưng bán cũng không được.
Cơn sốt đất đỉnh điểm rơi vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2018, trước thời điểm đó, lượng giao dịch rất mạnh, nhiều nhà đầu tư lướt sóng hầu như huy động mọi nguồn tiền ồ ạt “ôm hàng”, có người vay ngân hàng, vay mượn người thân, rồi góp vốn bạn bè. Hiện tại, giá đất bắt đầu giảm, nguồn hàng của các đối tượng này bắt đầu cuống cuồng đẩy ra, thậm chí chịu lỗ nhưng cũng khó đẩy.
Anh Trần Mạnh Hùng - Giám đốc sàn giao dịch Bất động sản Việt Nam Land tiết lộ giá đất hiện tại ở các khu đô thị đã giảm từ 4-5 giá so với thời điểm đỉnh của cơn sốt đất. Hiện tại, lượng giao dịch của các sàn đều giảm mạnh.
"Các sàn cũng như các CEO đều có hàng ký gửi rất nhiều nhưng họ không cho ra hàng vì nhiều nhà đầu tư họ chịu áp lực từ lãi suất, kẹt tiền, đòi bán nhanh và chấp nhận lỗ nên đưa giá xuống rất thấp. Nếu các sàn tung ra các lô đất có giá thấp sẽ kéo theo các lô đất khác xung quanh cũng xuống và tạo nên hiệu ứng không tốt. Chỉ khi nào có khách hàng thực sự muốn mua thì các sàn, các nhân viên môi giới mới giới thiệu” – anh Hùng cho biết.
Cũng theo khảo sát của phóng viên, hầu hết các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn TP Nha Trang đều chung cảnh ngộ ảm đạm, các giao dịch hiện tại chủ yếu là đất nền tại các khu dân cư còn lượng giao dịch đất tại các khu đô thị đều giảm mạnh. Nếu so với lúc đỉnh điểm cơn sốt đất, mỗi tháng có sàn giao dịch thành công hàng chục hợp đồng thì giờ đây chỉ còn vài ba hợp đồng.