'Xẻ thịt' đất rừng Sóc Sơn: Quyết không để tồn tại công trình vi phạm
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm sai phạm liên quan đến đất rừng phòng hộ Sóc Sơn, không để tồn tại các công trình vi phạm.
Sai phạm tràn lan
Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian gần đây tình trạng chuyển nhượng đất rừng ồ ạt diễn ra ở Sóc Sơn. Riêng tại hai xã Minh Trí và Minh Phú, từ năm 2015 đến nay, nhiều cá nhân đến thu mua, gom đất với tổng diện tích lên đến hàng chục ha để xây biệt thự, khu nghỉ dưỡng...
Tình trạng mua bán đất rừng tiếp tục nóng lên từng ngày. Trong quá trình tìm hiểu phóng viên còn được một số “cò đất” mời chào nhiều mảnh đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp rộng từ 300m² tới 700 - 800m² ở các xã như Minh Phú, Minh Trí, Tiên Dược, Kim Lũ... với giá 2-3 triệu đồng/m², tùy vị trí.
Một số người dân ở xã Minh Phú cho biết, so với vài năm trước, hiện nay giá đất ở đây tăng gấp 4-5 lần. Những mảnh đất rộng một vài hécta không còn nữa mà chỉ còn những mảnh nhỏ cỡ vài trăm mét vuông và được giao dịch khá nhiều. Phần lớn người ở nội thành Hà Nội lên mua. Hầu hết các mảnh đất đều có nguồn gốc là đất rừng phòng hộ và không có giấy tờ pháp lý.
Kết luận mới đây của Thanh tra Sở TN-MT Hà Nội sau khi có kết luận Thanh tra Chính phủ cho thấy, 974,21 ha đất ở của các hộ gia đình, cá nhân sử dụng trước ngày 15.10.1993 nằm trong vùng trùng lấn với quy hoạch rừng năm 1998 được UBND TP phê duyệt; lập bản đồ trùng lấn quy hoạch rừng năm 1998 do quy hoạch rừng trùng các khu dân cư có trước năm 1983 (dân có trước, rừng có sau), sau đó đã điều chỉnh, bóc tách phần đất đã rõ nguồn gốc này của dân ra khỏi quy hoạch.
Cùng với đó, Sóc Sơn cũng đã cấp sổ đỏ cho 229 hộ gia đình, cá nhân trên diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, trong đó có 123 sổ đỏ nằm trên diện tích rừng phòng hộ do Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Sóc Sơn quản lý. Số sổ đỏ này được cấp quá so với diện tích quy định (tối đa 400 m2), Thanh tra Chính phủ yêu cầu hiệu chỉnh, nhưng đến năm 2013 Sóc Sơn mới hiệu chỉnh được 32 sổ, tiến độ được cho là rất chậm. Đến nay, Sóc Sơn chưa có cập nhật mới về việc hiệu chỉnh số sổ đỏ này. Kết quả thanh tra của Sở TN-MT cũng chỉ rõ có những hộ dân được cấp sổ đỏ trên diện tích hàng nghìn mét vuông.
Ông Dương Văn Nhuận - Chủ tịch UBND xã Minh Trí, thừa nhận có hiện tượng xẻ thịt rừng phòng hộ để xây biệt thự, nhưng ông phân bua rất khó xử lý bởi “tính chất lịch sử”. Theo ông Nhuận, từ những năm 1980, người dân đã vào sinh sống, làm nhà ở tại hồ Đồng Đò nhưng gần đây nhà nước mới có quy hoạch rừng phòng hộ.
Cưỡng chế công trình sai phạm
Không khó có thể nhận ra trên con đường dài gần 1 km đường phòng cháy tại khu Lâm Trường, hai bên đã được phân lô lớn nhỏ.
Một lãnh đạo về hưu tiết lộ, tại thời điểm đó quy trình "hô biến" đất rừng phòng hộ được diễn ra theo một quy trình đã được lập trình sẵn. Đầu tiên, khách phải thỏa thuận với chủ đất để mua diện tích đất theo ý muốn. Sau khi bàn giao và chuyển đổi chủ sở hữu, khách mua sẽ phải làm thủ tục chuyển đổi từ đất rừng phòng hộ sang đất vườn quả. Khi chuyển đổi thành đất vườn quả, chủ sở hữu được phép sử dụng tối đa đến 400 m đất để dựng nhà tạm, lán, trại. Sau khi xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chủ sở hữu sẽ phải làm việc với chính quyền địa phương để lo lót việc xây biệt thự, nhà vườn, nhà hàng...
Đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết, huyện đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đo đạc, nghiệm thu bản đồ địa chính đất lâm nghiệp, dự kiến trong tháng 10 hoàn thành đo xong 11 xã, thị trấn. Đồng thời, đề xuất UBND TP Hà Nội tiếp tục cho điều chỉnh quy hoạch rừng năm 2008 để bóc tách diện tích đất ở, đất nông nghiệp cho nhân dân thôn Minh Tân. Trên cơ sở quy hoạch rừng được điều chỉnh và hồ sơ quản lý đất đai được thiết lập, UBND huyện sẽ xem xét quyền, lợi ích chính đáng của người sử dụng đất.
“Cấp ủy đảng, chính quyền một số xã còn thiếu trách nhiệm, chưa quyết liệt trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, tiến độ xử lý vi phạm trật tự xây dựng còn rất chậm. Cùng với việc xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các xã để xảy ra vi phạm về đất đai, các công trình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, lấn chiếm đất rừng phòng hộ trên địa bàn sẽ bị cưỡng chế” - Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn khẳng định.