Quản lý đầu tư xây dựng sân golf: Bản quy hoạch "lỗi thời"
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, việc quản lý hoạt động đầu tư xây dựng sân golf phải căn cứ vào nhu cầu thị trường chứ không thể theo một quy hoạch tĩnh.
Chia sẻ với DĐDN mới đây, đại diện một lãnh đạo sân golf tại Vĩnh Phúc cho biết, dù phát triển ngành nghề gì cũng cần bám sát cung – cầu thị trường. Nếu quy hoạch cứng sẽ bị kẹt.
Quy hoạch cứng sẽ... kẹt
Vị lãnh đạo này cũng cho rằng việc quản lý đầu tư, kinh doanh sân golf bằng quy hoạch là phi thị trường. Khi Luật Quy hoạch được thông qua, một trong những cải cách quan trọng là bãi bỏ quy hoạch ngành, sản phẩm nên việc xây dựng các điều kiện đầu tư, kinh doanh cho sân golf trở thành một đòi hỏi bức thiết.
Ông Lê Quang Mạnh – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, theo quy hoạch hiện nay có 89 sân golf nhưng chưa đến một nửa số đó được triển khai và đi vào hoạt động vì rất nhiều sân golf thực chất trong quy hoạch nhưng không đủ điều kiện kinh doanh, không đủ điều kiện để phát huy lợi nhuận đầu tư do vậy cũng không được nhà đầu tư quan tâm thực hiện.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lấy ý kiến về dự thảo Nghị định điều kiện đầu tư, kinh doanh sân golf. Theo đó, hàng loạt điều kiện kinh doanh đối với sân golf - lĩnh vực đầu tư, kinh doanh đang được quản lý bằng quy hoạch.
Đáng chú ý, dự thảo đã quy định 7 hành vi bị cấm. Một là, xây dựng sân golf khi chưa có quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; Hai là, sử dụng đất sân golf không đúng mục đích; Ba là, kinh doanh sân golf và các dịch vụ liên quan không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, nghị định này và pháp luật có liên quan; Bốn là, lợi dụng kinh doanh sân golf để tổ chức hoạt động đánh bạc trái phép; Năm là, cản trở hoặc không chấp hành công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; Sáu là, không cung cấp thông tin hoặc không báo cáo khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật; Bảy là, các hành vi bị cấm khác theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định rõ, mỗi lỗ golf không được sử dụng quá 5ha đất và diện tích xây dựng sân golf lần đầu không được quá 270 ha tương ứng với 54 lỗ.
Phát huy tối đa hiệu quả
Đáng chú ý, dự thảo cũng quy định không được sử dụng đất xây dựng sân golf và công trình phụ trợ để xây dựng nhà ở thương mại hoặc sử dụng vào mục đích khác. Không được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch xây dựng sân golf đã phê duyệt để xây dựng nhà ở thương mại.
Dự thảo cũng siết chặt các loại đất không được sử dụng để xây dựng sân golf bao gồm: Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh thuộc quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; đất rừng tự nhiên thuộc quy hoạch; đất trồng lúa, trừ đất trồng lúa một số vụ năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao và đáp ứng điều kiện về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa theo quy định của pháp luật…
Ngay cả đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị cũng không được phép xây dựng sân golf. Ngoài ra, sân golf phải được xây dựng ở các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch, vùng đất cát hoang hóa ven biển, đất đồi núi trọc, hoang hóa…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cũng khẳng định, bắt đầu từ năm 2019 sẽ quản lý hoạt động đầu tư xây dựng sân golf theo hình thức điều kiện kinh doanh chứ không theo hình thức quy hoạch. Tức là Nhà nước sẽ ban hành hàng loạt điều kiện, tiêu chí cụ thể để các địa phương, các nhà đầu tư có thể xem xét, tiến hành đầu tư sân golf.
“Việc quản lý sân golf theo điều kiện kinh doanh sẽ đảm bảo vừa tuân thủ các nguyên tắc của cơ chế thị trường, vừa có đầy đủ các công cụ quản lý nhà nước, qua đó có thể phát huy tối đa hiệu quả, tiềm năng của lĩnh vực kinh doanh này, đồng thời tránh được việc lạm dụng, sử dụng không hiệu quả quỹ đất, gây ra các hệ lụy và tác động tiêu cực tới môi trường, kinh tế - xã hội” - Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết.