Bùng nổ căn hộ siêu sang (KỲ III): Bài học từ những dự án "hoành tráng trên giấy"

THU GIANG 03/11/2018 06:00

Đổ hàng tỷ, thậm chí chục tỷ để sở hữu căn hộ cao cấp, siêu sang nhưng nếu không tìm hiểu kỹ nhà đầu tư rất dễ vướng phải trái đắng.

ải lựa chọn những chủ đầu tư và nhà phân phối có uy tín trên thị trường, bởi trên thực tế tại Đà Nẵng không ít những dự án được gắn mác “cao cấp” nhưng chủ đầu tư thất hứa, thu tiền của khách hàng rồi bỏ hoang, đối diện với kiện tụng.

Nhiều dự án gắn mác “cao cấp” nhưng chủ đầu tư thất hứa, thu tiền của khách hàng rồi bỏ hoang

Cuối tháng 10/2018, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đã phát đi văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng cùng lãnh đạo TP.HCM kiến nghị chấn chỉnh tình trạng "loạn" danh xưng chung cư cao cấp, hạng sang, siêu sang.

Theo HoREA, trong nhiều năm qua, trên thị trường bất động sản đã xuất hiện tình trạng loạn danh xưng "chung cư cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ siêu sang", kể cả bằng tên nước ngoài gắn với các cụm từ như "Luxury", "Hi-end", "Premier", "Royal"... được một số chủ đầu tư sử dụng tràn lan, coi đây là một thủ thuật "câu khách", quảng bá sản phẩm.

Văn bản này nhấn mạnh: Trên thị trường, thực tế chỉ có một số không nhiều dự án bất động sản đạt chuẩn cao cấp, hoặc đạt chuẩn "khu đô thị kiểu mẫu", đảm bảo chất lượng và đẳng cấp về quy hoạch dự án, thiết kế căn hộ, các tiện ích và dịch vụ. Nhiều dự án bất động sản, chung cư cao tầng, căn hộ được chủ đầu tư "tự phong" dự án cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ siêu sang, nhưng chưa hề được Sở Xây dựng hoặc đơn vị đánh giá độc lập công nhận.

“Các chủ đầu tư này đã cung cấp thông tin sai lệch, vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm tại Khoản 13 Điều 6 Luật Nhà ở 2014 vì đã "cung cấp thông tin về nhà ở không chính xác, không trung thực, không đúng quy định hoặc không đúng yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền"; và cũng đã vi phạm các hành vi bị cấm tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 8 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 vì đã "Không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản" và đã có dấu hiệu "Gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản", làm cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn, bị lừa dối, dẫn đến bị thiệt hại về quyền lợi khi mua nhà" - công văn HoREA nêu rõ.

Quan sát trên thị trường Đà Nẵng, không khó để có thể thấy rất nhiều dự án mang tính dự phong như lời cảnh báo của HoREA với hàng loạt mỹ từ gắng liền với tên các dự án như “cao cấp”, “luxury”, “Căn hộ ven biển cao cấp 5 sao‎”, “Thiên đường nghỉ dưỡng”, “tiêu chuẩn 5 sao”,..

Vậy trong “ma trận tự phong” đó, người mua bất động sản cần lưu ý những gì để tránh rủi ro?

Lời khuyên chung của các chuyên gia là phải lựa chọn những chủ đầu tư và nhà phân phối có uy tín trên thị trường, bởi trên thực tế tại Đà Nẵng không ít những dự án được gắn mác “cao cấp” nhưng chủ đầu tư thất hứa, thu tiền của khách hàng rồi bỏ hoang, đối diện với kiện tụng.

Dự án The Summit là một ví dụ. Được khởi công từ năm 2010, với mức đầu tư lên đến gần 17 triệu USD, theo công bố của chủ đầu tư, The Summit là khu căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp độc đáo mang tiện ích đẳng cấp của khu Resort với 356 căn hộ được đầu tư và thiết kế bởi các chuyên gia tư vấn đến từ Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam với các tiện ích độc đáo như: Bể bơi thiết kế trên tầng thượng; khu sân vườn trên tầng thượng; café The Rooftop số 1 tại Hà Nội sẽ có phiên bản thứ 2 trên tầng thượng của The Summit...

Tuy nhiên, trái ngược với mức độ “hoành tráng trên giấy” mà chủ đầu tư “vẽ” ra, dự án rơi vào tình cảnh đắp chiếu, xây dựng phần thô rồi nằm bất động phơi giữa mưa nắng.

Mới đây, dự án này đã được đổi tên thành Sơn Trà Ocean View và tiếp tục được gắn với hàng loạt mỹ từ như “Căn hộ ven biển cao cấp 5 sao”, “dự án căn hộ tại Đà Nẵng đạt tiêu chuẩn 5 sao”, “cao cấp” để tung ra thị trường.

(Còn tiếp)

THU GIANG