TP.HCM hạn chế nhà ở riêng lẻ ở các khu đô thị mới
Nhà ở riêng lẻ chiếm một tỷ trọng quá lớn ở đô thị sẽ dẫn đến áp lực về hạ tầng do tính chất dàn trải, TP.HCM cần cân đối nhà ở riêng lẻ với nhà ở chung cư ở các khu đô thị trong tương lai.
Nhận định trên được đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đưa ra trong việc định hướng phát triển quy hoạch của TP.HCM, đặc biệt là quy hoạch ở các khu đô thị trong tương lai.
Gánh nặng về hạ tầng
Hiện nay cấu trúc dân số của TP.HCM chủ yếu lan tỏa mở rộng từ trung tâm với mô hình nhà ở đơn lẻ chưa hiệu quả, gây áp lực về giao thông, tăng nhu cầu đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Nhà ở riêng lẻ mở rộng về các hướng theo đà phát triển dân cư của TP mà không có một quy hoạch tổng thể sẽ tạo nên áp lực về hạ tầng kéo dàn trải chạy theo mô hình nhà ở riêng lẻ này.
Theo ông Lý Khánh Tâm Thảo - Quyền Trưởng Phòng hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, cho biết hiện nay gần như mô hình nhà ở riêng lẻ trên địa bàn TP có mặt ở khắp nơi theo các hướng phát triển của TP, đặc biệt ở các vùng chưa có quy hoạch đồng bộ. Nếu như nhà ở riêng lẻ chiếm một tỷ trọng quá lớn trong một đô thị nó sẽ chiếm một quỹ đất lớn do tính chất dàn trải của mô hình nhà ở này.
Thực tiễn phát triển đô thị trong những năm vừa qua của TP.HCM đã cho thấy, TP.HCM đang phải đối mặt với rất nhiều thách chức cả cũ và mới của quá trình phát triển đô thị chưa cân đối. Mật độ dân cư và nhà ở riêng lẻ tập trung quá dày đặc ở một số khu vực trung tâm. Điều này đưa đến những vấn đề mang tính chất thời sự như tăng dân số cơ học nhanh, ngập nước đô thị, kẹt xe, ô nhiễm môi trường…
Bên cạnh đó TP.HCM hiện nay còn phải đối mặt với những vấn đề mới như sụt lún đô thị, nhu cầu năng lượng cho các lĩnh vực sản xuất mới, cơ sở hạ tầng cho các khu dân cư quá lớn. Mật độ xây dựng nhà ở riêng lẻ quá dày đặc phần nào tạo nên gánh nặng về áp lực hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, nước.
Mật độ xây dựng nhà ở riêng lẻ quá dày đặc phần nào tạo nên gánh nặng về áp lực hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, nước của TP.HCM.
Thừa nhận về vấn đề trên ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong quá trình phát triển với tốc độ đô thị hoá nhanh, thành phố đang đứng trước nhiều thách thức về giao thông, vệ sinh môi trường, ngập nước do yếu kém về quy hoạch ở cả khâu xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch.
Cân đối nhà ở riêng lẻ và chung cư
Để giảm tải gánh nặng cho các khu vực trung tâm TP, TP.HCM đang có chủ trương chuẩn bị điều chỉnh quy hoạch chung. Trong đó, TP sẽ phát triển quy hoạch về nhiều hướng, quy hoạch các khu đô thị mới. Một nhiệm vụ quan trọng hiện nay trong việc quy hoạch các khu đô thị mới là cần cân đối quy hoạch nhà ở riêng lẻ và nhà ở chung cư để hài hòa trong tổng thể quy hoạch chung.
Theo ông Lý Khánh Tâm Thảo, một điều dễ thấy hiện nay là cùng một quỹ đất nếu như gom lại hình thành những chung cư cao tầng thì vừa giải quyết được số lượng nhà ở cho người dân, đồng thời dành được quỹ đất khác cho mục đích phát triển công cộng, cho công viên, cây xanh…
“Đô thị càng dàn trải thì rõ ràng đường giao thông sẽ càng kéo dài ra, hệ thống hạ tầng như cấp điện, cấp nước kéo dài ra và sử dụng không hiệu quả. Cho nên, TP.HCM cần phải cân đối tỷ trọng nhà ở riêng lẻ và nhà ở chung cư để phù hợp hơn và hiệu quả hơn trong quy hoạch và phát triển khi đô thị mới.” - ông Lý Khánh Tâm Thảo đưa ra quan điểm.
Về vấn đề này Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, cũng cho rằng, TP cần nghiên cứu quy hoạch chung trong cơ cấu sử dụng đất và cấu trúc đô thị hiệu quả hơn. Thành phố nên tiếp tục chỉnh trang khu trung tâm hiện hữu, ưu tiên phát triển theo định hướng giao thông công cộng, điều tiết dân số, phân bố dân cư và nhà ở cho phù hợp với tình hình phát triển của TP hiện nay. Những quan điểm mang tính đột phá này của Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM nếu thành công sẽ là điều chỉnh mang tính tiên phong cho các đô thị tương lai.
Cần mở rộng hướng phát triển TP HCM Hiện nay mục tiêu phát triển của TP.HCM vẫn là tiếp tục hoàn thiện phát triển đô thị mới Thủ Thiêm là trung tâm tài chính thương mại dịch vụ, tiếp tục giải quyết các vấn đề tồn đọng, thiếu sót với người dân; khu đô thị sáng tạo ở quận 2, quận 9, Thủ Đức; Khu đô thị du lịch Sinh thái ở Cần Giờ, Khu đô thị Cảng ở quận 9, Nhà Bè; Khu đô thị ven sông quận 8; Khu đô thị giáo dục ở phía Tây Bắc thành phố… Trước đây TP đề ra 4 hướng, trong đó có 2 hướng phát triển chính là phía Đông và Nam, hướng phụ là Tây Bắc và Tây Nam. Tuy nhiên từ thục tiễn phát triển của TP hiện nay ông Lý Khánh Tâm Thảo, Quyền Trưởng Phòng hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đề xuất cần điều chỉnh nhằm kết nối với các vùng, tỉnh thành. Phát triển thành phố cần đặt trong mối liên kết chia sẻ trong vùng thành phố. Cụ thể khu Tây Bắc là nơi có điều kiện thuận lợi về địa chất để phát triển thêm các khu đô thị mới. |