Vì đâu kỷ lục “tuyến đường đắt nhất hành tinh” liên tục bị phá vỡ?
Mới đây, "tuyến đường đắt nhất hành tinh" Hoàng Cầu – Voi Phục có chiều dài 2,27km với tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng chính thức lùi ngày khởi công do vướng khâu GPMB.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, dự án đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục có tổng chiều dài là 2,27 km với tổng mức đầu tư 7.800 tỷ, số hộ thuộc diện giải phóng mặt bằng là 2.328 hộ.
Theo ông Hùng, sau khi Thủ tướng phê duyệt chủ đầu tư dự án dự kiến khởi công vào quý IV/2018. Nhưng hiện nay dự án này đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc nên chưa thể khởi công theo dự kiến.
Cụ thể, TP Hà Nội đang phải trực tiếp giải quyết đơn thư của 138 hộ dân liên quan đến vụ cây xanh và bãi đỗ xe với diện tích hơn 6.000m2. Người dân cho rằng thành phố thực hiện dự án không có trong quy hoạch.
Hiện thành phố đang tiếp tục giải thích, tuyên truyền và rà soát lại để tiến hành thủ tục đối với 138 hộ dân này. Thành phố cũng đã chủ động báo cáo Thủ tướng, dự kiến sẽ hoàn thành thủ tục để khởi công vào quý II/2019.
Theo tính toán, trung bình mỗi một mét dài tuyến đường Hoàng Cầu - Voi Phục có tổng chi phí đầu tư lên tới 3,421 tỷ đồng. Như vậy, tuyến đường mới này khi hoàn thành sẽ có chi phí đầu tư cao gấp 3 lần chi phí đầu tư đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, và cao gấp 2,4 lần chi phí đầu tư đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu.
Một chuyên gia chỉ rõ, nguyên nhân của tình trạng làm đường giá cao vời vợi như vậy được cho là kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở nội đô quá lớn, thường chiếm tới hơn 80% giá trị con đường. Cứ như vậy, có lẽ kỷ lục giá đường đắt nhất hành tinh ở Hà Nội sẽ liên tiếp bị phá mà không có cách nào làm giảm được và trong tương lai cũng không có cách nào thu hồi kinh phí đã đầu tư khi đưa vào sử dụng.
Cách thức phát triển hạ tầng như vậy tạo nên nhiều hệ lụy rất xấu bao gồm:
Thứ nhất: Phát triển hạ tầng luôn tạo giá trị đất đai gần kề tăng lên rất nhiều. Luật Đất đai luôn đưa ra quy định rằng Nhà nước phải thu lại phần đáng kể giá trị tăng thêm trên đất mà không do chủ sử dụng đất tự đầu tư mang lại. Quy định như vậy nhưng Hà Nội chưa làm gì để thực hiện được quy định này.
Thứ hai: Xuất hiện sự bất công bằng trong thụ hưởng lợi ích do con đường lớn mới phát triển mang lại, tạo nên những bức xúc xã hội khó giải quyết. Một số người bị mất hoàn toàn đất để làm đường mà giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không thỏa đáng. Một số người bị thu hồi một phần, phần còn lại được tiếp giáp mặt đường lớn cũng có thể vui hay buồn tùy theo phần diện tích còn lại rộng hay hẹp.
Hơn nữa, những căn nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn mọc lên 2 bên đường lớn hiện đại. Còn có một số người không mất tấc đất nào, đất cũ xa đường mà này lại được giáp mặt đường lớn. Người sử dụng hạ tầng lại không phải đóng góp gì để bù lại kinh phí mà Nhà nước đã bỏ ra để đầu tư phát triển hạ tầng.
Thứ ba: Một dự án mà bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quá lớn, liên quan tới nhiều người, trong nhiều hoàn cảnh đất đai khác nhau, thường gắn với nguy cơ tham nhũng rất cao. Cách tham nhũng thường gặp vẫn là giấy tờ chính thức thì mức bồi thường cao, nhưng thực hiện với dân lại thấp, nhóm dân không hiểu rõ pháp luật phải xin Ban bồi thường tăng thêm từng đồng cho mình. Cách nữa là tạo ra hồ sơ khống mà không còn người ở đấy nữa.
Phát triển hạ tầng bằng những cách quá đắt đỏ và thiếu công bằng, Nhà nước bỏ kinh phí lớn ra để đầu tư nhưng không có cách nào thu hồi lại được trong quá trình sử dụng. Cứ như vậy thì cần bao nhiêu tiền nữa cũng không đủ để nâng cấp các đô thị cũ và phát triển các đô thị mới.
Từ kinh nghiệm thế giới cũng như từ thực tế cơ quan quản lý Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý bằng cách nhà nước phải nắm quyền dẫn dắt phát triển đô thị theo đúng quy hoạch có chất lượng và xử lý nghiêm minh những dự án thực hiện trái quy hoạch, việc điều chỉnh quy hoạch phải thực hiện theo đúng quy định.
Nhà nước phải có công cụ quản lý việc phân bổ dân cư, dự tính và kiểm soát được luồng di dân vào các đô thị lớn. Nâng cao thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đến mức hợp lý có tác động tạo nguồn thu phù hợp như các cư dân đô thị đóng góp nguồn lực để chỉnh trang và phát triển đô thị họ đang sống. Đây chính là nguồn ngân sách chủ yếu để địa phương sử dụng phát triển hạ tầng và các dịch vụ công cộng cho đô thị.