Cải tạo chung cư cũ (Kỳ I): Doanh nghiệp có lời - người dân có lợi

THIÊN BÌNH 17/12/2018 00:49

Mặc dù đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được ban hành nhưng chưa khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

hung cư cũ ở Hà Nội hiện nay đang gây không ít nguy hiểm cho cư dân , đi ngược lại xu hướng phát triển đô thị theo hướng hiện đại.

Chung cư cũ ở Hà Nội đang gây không ít nguy hiểm cho người dân

Ông Nguyễn Thế Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Reenco Sông Hồng chỉ rõ, mặc dù Hà Nội đã có cơ chế đặc thù giao các tập đoàn lớn, tổng công ty tham gia cải tạo chung cư cũ nhưng vẫn chưa triển khai được vì không được tăng chiều cao, không được tăng dân số, trong khi đó người dân không chấp nhận đền bù theo cơ chế 1-1. 

Giao quyền cho địa phương

Ông Điệp kiến nghị, về quy hoạch, trong quận có khu chung cư cũ các cấp chính quyền cần có biện pháp cân đối, chỗ tăng lên thì dồn dân đến hoặc với những chỗ không được tăng chiều cao, mật độ dân số có thể giao cho doanh nghiệp xây khu mới đưa người dân ra. Làm thế nào để đạt được chân lý doanh nghiệp có lời, người dân có lợi. 

Ông Điệp dẫn chứng kinh nghiệm của các nước xung quanh như Trung Quốc. Khi bắt đầu cải tạo các khu chung cư cũ, người ở tầng 1 được di chuyển đến nơi đền bù được một căn nhà kinh doanh và nhà ở, với người sinh sống trên các tầng cao có nhà ở và cho thuê. “Đây là một kinh nghiệm thú vị mà tôi cho rằng Việt Nam có thể tham khảo và học tập” - ông Điệp chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Cấp bách giải quyết “Quả bom nổ chậm” nhà chung cư cũ

    Cấp bách giải quyết “Quả bom nổ chậm” nhà chung cư cũ

    14:07, 16/12/2018

  • Có nên cải tạo chung cư cũ?

    Có nên cải tạo chung cư cũ?

    08:37, 15/12/2018

  • Gỡ nút thắt trong cải tạo chung cư cũ

    Gỡ nút thắt trong cải tạo chung cư cũ

    05:00, 15/12/2018

  • Chung cư cũ và nỗi

    Chung cư cũ và nỗi "ám ảnh" của người dân

    14:00, 07/12/2018

  • Để Hà Nội tự quyết cải tạo chung cư cũ

    Để Hà Nội tự quyết cải tạo chung cư cũ

    06:00, 04/11/2018

Đồng tình với ông Điệp, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Công ty Bất động sản Hanhud cho biết: Bài toán khó hiện nay là làm thế nào để giải quyết được bài toán lợi ích giữa doanh nghiệp thực hiện và người dân. Đây cũng là những khó khăn tồn tại trong thời gian vừa qua khiến cho hoạt động cải tạo chung cư cũ vẫn dậm chân tại chỗ.  

Theo đó, ông đề xuất, cần cơ chế chính sách của Nhà nước để hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân. Để làm được điều này, ông Đính cho rằng cần giao quyền cho UBND Thành phố Hà Nội để có sự chủ động trong việc thực hiện cải tạo chung cư cũ, dưới sự giám sát, kiểm tra, vào cuộc của các cấp cao hơn như Chính phủ.

Đồng thời, phải làm lại các bản quy hoạch, đặc biệt là các quy hoạch chi tiết về cải tạo chung cư cũ, đảm bảo quy hoạch này phải phù hợp với quy hoạch chung tại khu vực đó. Dựa trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể tiến hành cải tạo chung cư cũ luôn thay vì phải tiếp tục phải xin quy hoạch.

Ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP VITC cho biết người dân tại các chung cư cũ chính là những đối tượng chính sách, những người có đóng góp quan trọng đối với đất nước... họ là những đối tượng được lựa chọn rất kỹ để được phân nhà ở. “Nếu việc chuyển đổi họ ra khu vực sống khác, nếu khu vực sống đó không đảm bảo chất lượng tốt, không có một hệ sinh thái nhà ở, trường học, chợ.... có chất lượng, thì đương nhiên, họ sẽ không thể chuyển sang khu vực sống khác”, ông Cường phân tích.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Cường đề xuất cho đấu giá công khai phương án nhà ở, quy hoạch chung, chi tiết... và ở vùng có giá trị phải đền bù mặt bằng nhất thì xây dựng khu tái định cư. "Tuy nhiên, khu vực này phải đảm bảo chất lượng, và là khu đáng sống có thể là chung cư thương mại cao cấp, có như vậy mới thu hút được người dân chuyển ra khỏi khu chung cư cũ. Và giải pháp để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào hoạt động này chính là đổi đất lấy tiền” - ông Cường chia sẻ.

Ngân sách không thể đảm đương 

Ông Bùi Tiến Thành - Phó phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận nếu như xây dựng các khu chung cư cũ bằng nguồn vốn ngân sách của nhà nước thì số lượng nhà chung cư quá lớn và chi phí nhiều, ngân sách thành phố không đảm đương được, kể cả có sự hỗ trợ của trung ương. Vậy nên giải pháp bắt buộc phải là xã hội hóa, các nhà đầu tư tham gia cùng địa phương để cải tạo.

Cũng theo ông Thành, quy định hiện hành việc cải tạo chung cư cũ khi người dân không lựa chọn được nhà đầu tư thì nhà nước lựa chọn hình thức hoặc dùng ngân sách, dùng hình thức BT (xây dựng-chuyển giao) nhưng cả hai hình thức này đối với thành phố đang rất khó khăn. Do đó, tùy từng địa phương có cơ chế cụ thể. 

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng thừa nhận, hiện nay Hà Nội đang vướng trong khâu bố trí tạm cư trước khi tiến hành đầu tư. Vấn đề này cũng liên quan đến câu chuyện uy tín các nhà đầu tư khi có nhiều trường hợp người dân không tin tưởng vào năng lực tài chính, năng lực làm việc của nhà đầu tư. Do đó, cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp và cần có sự vào cuộc, chung tay quyết liệt hơn nữa không chỉ của Bộ, ngành mà còn có đóng góp ý kiến từ các nhà khoa học, nhà đầu tư và của chính các cư dân đang sinh sống tại các chung cư cũ trên địa bàn.

“Dưới góc độ chính sách pháp luật, Bộ vẫn đang lắng nghe tiếp thu ý kiến để tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa những vấn đề chưa hoàn thiện, còn thiếu sót để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho nhà đầu tư khi tham gia vào các dự án cải tạo chung cư cũ và người dân được đảm bảo an sinh” – ông Khởi khẳng định.

Về phía doanh nghiệp, ông Hoàng Minh Sơn - Đại diện Tập đoàn Phương Bắc đề xuất, với một số khu chung cư cũ chưa thể xây dựng mới có thể có phương án sửa chữa lại giúp đảm bảo an toàn, đẹp hơn cho thành phố, người dân được đảm bảo cuộc sống. Ông Sơn tiết lộ, có một số nhà đầu tư Nhật khi đến Việt Nam đã nêu ý tưởng này, có thể trùng tu lại các khu chung cư cũ khi điều kiện xây mới chưa cho phép.

KỲ II: Giải pháp đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ

THIÊN BÌNH