Công nghệ trong kinh doanh bất động sản: Không bắt nhịp sẽ lạc hậu
Những trang Zilow từ Mỹ, hay Rightmove từ Anh ra đời đã tạo nên một nền tảng online cho ngành bất động sản thế giới. Điều đặc biệt nhất từ công nghệ là lợi ích được người mua đặt lên hàng đầu.
Điều này đặt ra những thách thức cho bất động sản Việt Nam.
Kỷ nguyên của online
Prop-tech (property Technology - công nghệ) là thuật ngữ được sử dụng bắt đầu từ nước Anh nhằm chỉ các công nghệ trong ngành BĐS trên 3 mảng chính: Thông tin BĐS, giao dịch BĐS và quản lý BĐS.
Tại nước Anh, xu hướng công nghệ trong ngành bất động sản được bắt đầu bằng sự ra đời của một loạt các kênh thông tin điện tử về bất động sản như Rightmove.co.uk (thành lập năm 2000) – hiện đang là kênh thông tin số 1 về BĐS tại Anh hay Zoopla.co.uk.
“Những doanh nghiệp BĐS truyền thống đang dần hết thời khi đa phần các BĐS ngày nay đều được tìm kiếm online”, đó là phát biểu đầy ấn tượng của ông Alex Gosling, CEO của HouseSimple.com - một website BĐS thành công tại Anh, nơi từng lập kỷ lục bán thành công 1 BĐS sau khi đăng tin chỉ 50 phút.
Còn tại thị trường BĐS số 1 thế giới là Mỹ, Zillow.com ra mắt vào năm 2006, cho đến nay đang sở hữu nguồn dữ liệu khổng lồ về BĐS với hơn 110 triệu gia đình trên khắp nước Mỹ. Zilow lưu toàn bộ thông tin về vòng đời của 1 sản phẩm BĐS, từ mua nhà, bán nhà, thuê nhà, tu sửa nhà đến nhiều thông tin chi tiết khác về từng BĐS. Người Mỹ đã quen với việc đăng tải và tìm kiếm tất cả những thông tin BĐS họ có hoặc họ cần lên Zillow.com.
Nhờ công nghệ, người mua nhà hoàn toàn chủ động và dễ dàng thao tác. Bạn có thể tìm theo khu vực, giá, số phòng hay diện tích. Có luôn các sản phẩm tương tự để so sánh. Giá niêm yết và thông tin người môi giới rõ ràng. Khi quan tâm thì có thể liên hệ trực tiếp hoặc để lại thông tin.
Tại thị trườngBĐS Đông Nam Á, Property Guru – Tập đoàn BĐS trực tuyến hàng đầu Châu Á cũng đã xây dựng những nền tảng ứng dụng Prop-tech thành công và có đến hơn 15 tỷ USD giao dịch BĐS mỗi năm.
Không bắt nhịp sẽ lạc hậu
Với sự ra đời của Zilow hay các Prop-tech khác đã và đang thay đổi cơ bản cách thức vận hành của thị trường bất động sản, tạo ra sự thay đổi nhanh chóng trong mô hình kinh doanh BĐS gần đây tại Việt Nam. Prop-tech buộc các nhà phát triển dự án, doanh nghiệp kinh doanh BĐS Việt Nam phải thay đổi và thích nghi với thế hệ khách hàng mới trên internet.
Nói về điều này, ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc của CenHomes.vn cho biết, hiện tại chưa có một khảo sát hay thống kê nào về việc các doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam đã áp dụng công nghệ đến đâu. Tuy nhiên, thực tế đã có một số doanh nghiệp tích cực áp dụng công nghệ, nỗ lực bắt nhịp với thế giới về công nghệ. “Nếu không bắt kịp sẽ lạc hậu” - ông Nga đánh giá.
Nhất là khi, việc mua bán lại và cho thuê bất động sản hiện nay đã trở thành xu hướng, thì sự phát triển của công nghệ trong bất động sản lại càng cần thiết bởi sự giản tiện, nhanh gọn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả bên mua và bán.
Theo một thống kê gần đây của một trang bất động sản, khi so sánh tỷ suất lợi nhuận từ việc cho thuê căn hộ ở Việt Nam so với các thị trường lân cận, thì Việt Nam là nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á về lợi suất cho thuê căn hộ. Con số này gấp 2 lần Singapore và 1.7 lần Bangkok, Manila. Điều này cho thấy lượng bất động sản cho thuê đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ.
Bởi đâu phải ai cũng có đủ điều kiện để sở hữu một căn hộ. Trong khi, mỗi năm, có thêm hàng ngàn người từ các tỉnh lẻ trụ lại ở thành phố để lập nghiệp. Họ buộc phải thuê, hoặc mua lại những căn hộ. Đó là chưa kể đến mỗi năm, lượng khách du lịch tăng mạnh gồm cả khách nội địa và nước ngoài.
Theo ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch tập đoàn CenGroup, việc Việt Nam chậm hơn so với thế giới về công nghệ chính là thời cơ, đồng thời cũng là một thách thức đối với các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam. Doanh nghiệp nào có được trong tay công nghệ, làm chủ được công nghệ, tạo sự tin tưởng cho khách hàng, thì doanh nghiệp đó sẽ chiếm được vị thế thành công.