Dự án đô thị ven sông Hồng: 3 yêu cầu cơ bản để khai thác hiệu quả
LTS: Sau khi Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đăng 5 kỳ liên tiếp liên quan đến Dự án đô thị ven sông Hồng, Ban biên tập đã nhận được nhiều phản hồi từ các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết của TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư Trưởng thành phố Hà Nội.
Dự án đô thị ven sông Hồng có hai sự lựa chọn: Một là không quy hoạch để khu vực đô thị dọc sông phát triển tự phát, hai là nếu làm thì cần triển khai sớm.
Trong lịch sử phát triển của Thủ đô và đặc biệt trong 7 lần quy hoạch chung của TP Hà Nội từ năm 1954 đến nay, trong đó đặc biệt nhất là quy hoạch Hà Nội được phê duyệt năm 1998, tiếp đến thời gian vừa qua khi mở rộng địa giới Thủ đô, sau khi quy hoạch được duyệt đã khẳng định được vai trò vị trí của khu vực hai bên sông Hồng, là trục cảnh quan chủ yếu của Hà Nội.
3 mục tiêu chính
Trước khi Hà Nội mở rộng sông Hồng đi qua Hà Nội khoảng 40km, nhưng sau thời điểm mở rộng địa giới toàn bộ ranh giới Hà Nội tiếp xúc với sông Hồng lên tới gần 100km. Khu vực sông Hồng đi qua nội đô Hà Nội là vị trí từng có nhiều nghiên cứu, không những của các chuyên gia trong nước mà còn có cả các chuyên gia nước ngoài.
Để khai thác hiệu quả bờ sông Hồng, yêu cầu thứ nhất sông Hồng phải trở thành trục cảnh quan chính của TP Hà Nội; yêu cầu thứ hai thể hiện vai trò tầm quan trọng của sông Hồng đó là phân bổ khu dân cư ở hai bên sông Hồng – đây là một khu vực có quá trình biến động về dân cư trong khu vực sông Hồng, đặc biệt theo số liệu thống kê năm 2010, đã có gần 20 vạn dân cư sống ở khu vực ven hai bên sông Hồng, đó là chưa kể những người thuộc diện tạm trú…
Với yêu cầu thứ hai, vấn đề đặt ra lúc này đó là cần khai thác vị thế khu đất như thế nào để đảm bảo ổn định cho dòng sông, bởi bản thân dòng sông Hồng kể từ khi phát triển đến nay có 4 thế sông luôn luôn thay đổi, phải lựa chọn thế sông nào ổn định nhất. Đây là một lựa chọn rất khó khăn, vì thời gian gần đây khi biến đổi khí hậu đã tác động thì dòng sông Hồng cũng biến đổi theo. Do đó, phải lựa chọn thế sông ổn định để từ đó đảm bảo ổn định cho dân cư.
Để đảm bảo dòng sông cũng phải tính đến hành lang thoát lũ của sông Hồng bởi dòng sông Hồng bắt nguồn từ Trung Quốc, qua rất nhiều tỉnh thành không thể khống chế được lưu lượng nước chảy trên sông. Như vậy, hành lang thoát lũ là vấn đề quan trọng, vừa đảm bảo cho dòng sông đồng thời phải tạo ra khả năng ứng phó được với biến đổi khí hậu. Và trong những năm gần đây Nhà nước đã có giải pháp điều tiết lại hành lang thoát lũ của sông Hồng, nên có những điểm phải điều chỉnh lại. Khi hành lang thoát lũ được điều chỉnh phù hợp, một số dân cư đang sinh sống tại ven bờ sông có thể tiếp tục sống ổn định.
Yêu cầu thứ ba, đó là quỹ đất ở hai bên dòng sông Hồng. Với dòng sông hình thành con đê như vậy đã tạo nên quỹ đất ở hai bên sông Hồng, quỹ đất này vừa tạo nên không gian xanh, đồng thời hình thành nên rất nhiều điểm dân cư, trong đó có những điểm đã tồn tại từ rất lâu trong đó có cả những khu nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước, ví dụ như khu Chương Dương, khu Phúc Xá, khu làng nghề...
Ngoài ra, yêu cầu tiếp theo là bản thân sông Hồng khi chảy qua Hà Nội, có rất nhiều di tích là minh chứng cho quá trình phát triển của Hà Nội, như khu đền Gềnh (có từ thời Trịnh), khu làng nghề Bát Tràng cùng một số di tích tại khu vực Hồ Tây… Do đó cần cân nhắc quỹ đất này sẽ khai thác để làm hành lang xanh, để tiếp tục phát triển dân cư hay để phát triển các điểm du lịch?
Với vị thế đặc trưng và 3 mục tiêu chính như trên, khai thác sông Hồng đã thu hút nhiều nghiên cứu.
Tạo ra nhiều lợi thế
Kể từ sau năm 1998 đã có nhiều tổ chức của Mỹ, Nhật Bản… nghiên cứu về khu vực ở phía bên kia của sông Hồng, ở bãi giữa sông Hồng để hình thành khu vui chơi dành cho thanh niên (đua xe chất lượng cao, trò chơi tạo cảm giác mạnh); với các dự án trong nước, có dự án cải tạo khu vực Chương Dương – Phúc Xá; khai thác giao thông đường thủy để kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận, dự án phát triển cảnh quan cây cảnh đăc thù (Chèm, Đặng Xá); Hội Thủy Lợi với nghiên cứu chỉnh trang dòng sông kết hợp khai thác quỹ đất để tạo ra công trình cao tầng, tạo điểm nhấn cho đô thị.
Một số cá nhân cũng đã có những đề xuất khai thác tại từng khu vực cụ thể; đặc biệt việc khai thác để phục vụ du lịch đã được chuyên gia của nhiều nước quan tâm như Pháp, Ý, gần đây nhất có một số dự án nước ngoài đề xuất khai thác cầu Long Biên kết hợp với bãi giữa sông Hồng; khai thác du lịch tại khu vực Bát Tràng, khu vực Hưng Yên…
Có thể nói với vị thế đặc thù này có thể khai thác rất nhiều dự án nhưng phần lớn dự án được đề xuất trong thời gian vừa qua chỉ là nhỏ lẻ. Vấn đề để giải quyết định hướng việc tiếp tục triển khai này hoặc điều chỉnh hoặc tiếp tục phát triển thì phải quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Sau thời gian dài nghiên cứu, đến nay TP tiếp tục lấy ý kiến của nhiều sở ngành khác nhau do vẫn còn những băn khoăn.
Như vậy, có thể khẳng định khai thác sông Hồng sẽ tạo ra các lợi thế. Nhìn từ các nước trên thế giới, nếu khai thác hiệu quả sẽ phát triển rất tốt, như sông Seine ở Pari được khai thác đa chức năng có cả nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể dục thể thao, thậm chí có cả bãi tắm nhân tạo; ở sông Hàn Seoul họ cũng khai thác để tạo ra sự phát triển, trong đó dân cư đã tập trung nhiều nhất ở khu vực ven sông Hàn. Hà Nội nếu tận dụng được sẽ mang lại nguồn thu lớn cho thành phố.
Hiện nay, tất cả đang phải chờ đợi quy hoạch phân khu của sông Hồng sau khi được phê duyệt, có định hướng, bởi quy hoạch này không chỉ của TP Hà Nội đề xuất mà còn có sự tham gia của các bộ ngành, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đó mới là định hướng để phát triển dự án.
Và mới đây, ba nhà đầu tư lớn trong nước đã đề xuất Thành phố tự nguyện đóng góp tài chính cho việc nghiên cứu trị thủy, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Tuy nhiên hiện nay đang xuất hiện tình trạng quy hoạch do dự án dẫn dắt vì vậy cơ quan quản lý cần cân nhắc kỹ, tránh ưu ái cho các nhà đầu tư làm chủ.