Cần một chính sách riêng cho nhà ở xã hội
Tính đến năm 2020, 40% dân số tại Việt Nam sẽ sinh sống tại thành phố. Nhu cầu nhà ở tăng, nhiều người có thu nhập thấp sẽ đối mặt với nhu cầu tìm kiếm nhà ở giá rẻ bình dân, vừa túi tiền.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra tại Hội thảo đầu kỳ Dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam, giai đoạn 2021 – 2030” do Bộ Xây dựng phối hợp cùng Viện đất đai và nhà ở Hàn Quốc – LHI comsortium tổ chức.
Việc phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đạt 33% so với mục tiêu đề ra
Nhu cầu nhà ở xã hội tăng cao
Ông Sinh cho biết, trong các năm vừa qua, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội để hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng có khó khăn, thu nhập thấp tại cả khu vực đô thị và nông thôn, trong đó có Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP quy định cụ thể về hỗ trợ, ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong nước, nước ngoài tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Đặc biệt, ngày 25/01/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trong đó nêu rõ: “Các Bộ, ngành và Tỉnh ủy, thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có quyết tâm và xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân là một nhiệm vụ chính trị, trong đó chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội”; đồng thời, trong Chỉ thị này Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế bổ sung điều chỉnh cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân phù hợp với tình hình mới.
Có thể bạn quan tâm
HQC Nha Trang thu tiền bán nhà ở xã hội vượt quá quy định
05:16, 18/02/2019
Phát triển nhà ở xã hội: Tập trung vào 6 hướng chính
07:30, 29/01/2019
Chiến lược nhà ở xã hội khó về đích
06:00, 13/01/2019
Nhà ở xã hội trước nguy cơ bị thu hồi
17:28, 14/11/2018
Đề xuất chuyển nhà tái định cư sang nhà ở xã hội
14:20, 08/11/2018
Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay việc phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đạt khoảng 33% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 cần có 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, nhưng kết quả phát triển nhà ở xã hội vẫn còn nhiều hạn chế.
Nguyên nhân chính là do: Nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn thiếu; chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là việc bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa mặn mà trong việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội; mức thu nhập của người dân vẫn còn thấp và tâm lý của người dân vẫn chỉ muốn mua để có sở hữu, không muốn thuê nhà ở; một số cơ chế chính sách chưa phù hợp thực tế.
Bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc
Đánh giá về tiêu chuẩn nhà ở xã hội tại Việt Nam, ông Mon Hyogon - Tiến sĩ Nhà ở Xã hội Hàn Quốc chỉ rõ, trong luật Việt Nam đã có quy định về tiêu chí và diện tích nhà ở tối thiểu, tuy nhiên với đối tượng công nhân, những người thu nhập thấp vẫn chưa được phù hợp.
Tham khảo kinh nghiệm Hàn Quốc từ những năm 1970, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống nhà ở xã hội bằng cách đầu tư vốn vào Công ty Nhà ở Hàn Quốc; đồng thời thiết lập cách thức tổ chức hiệu quả về phát triển nhà ở diện tích nhỏ để điều tiết cho các gia đình có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ bình ổn thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp bằng cách tăng cường nguồn cung nhà, siết chặt hoạt động đầu cơ bất động sản... Nhờ các biện pháp này, hiện nay đa số người dân Hàn Quốc đã có cơ hội được sở hữu nhà ở với mức giá phải chăng.
Theo ông Mon Hyogon, tiêu chí lựa chọn đối tượng mua nhà rất quan trọng do nhu cầu luôn cao hơn cung nên cần đề ra tiêu chí dựa trên tình hình khảo sát thực tế. Bên cạnh đó, nghiên cứu các ví dụ thế giới có chính sách phát triển đất đai nhà ở tương tự Việt Nam để có thể đưa ra những quyết định chính xác nhất.
“Hiện nay chính phủ Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội thông qua chính sách như miễn giảm thuế đất… Bằng những khảo sát thực tế và nghiên cứu chúng tôi cũng đưa ra ý kiến tư vấn phù hợp với Việt Nam. Trong đó, đối với phương thức xác định khu đất làm sao đa dạng hoá chủ thể cung cấp nhà ở xã hội, không tập trung hay phụ thuộc vào tư nhân. Bên cạnh đó là đa dạng hoá các loại hình nhà ở xã hội như cho thuê. Đặc biệt, làm rõ mối quan hệ cần thiết trong phát triển nhà và quỹ đất, để có quỹ đất phát triển nhà ở xã hội. Cuối cùng là mảng tín dụng, phát triển bền vững nhà ở xã hội quan trọng nhất là có nguồn tài chính ổn định”, ông Mon Hyogon nói.
Cũng tại Hội thảo, ông Kim Nam Jung - Viện nghiên cứu đất đai hạ tầng Hàn Quốc cho rằng, nhà ở xã hội cho thuê tại Hàn Quốc đã xuất hiện cách đây 50 năm, thời gian gần đây vai trò của chính quyền địa phương tăng cao thông qua hợp tác tư nhân để phát triển mô hình này; đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội cũng ngày càng khắt khe, chỉ những đối tượng thu nhập cực thấp hoặc là đối tượng theo quy định, chính sách của mỗi nước.
“Chúng ta có thể lấy đó làm bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, cấp thiết nhất phải có những quy định cụ thể, đặc biệt là các thành phố lớn cần hình thành tổ chức chuyên gia hỗ trợ cho địa phương. Nội dung phát triển nhà ở xã hội còn khá rộng nên cần một quy định chính sách dành riêng cho nhà ở xã hội. Cụ thể, Việt Nam cần có bộ nhận diện chi tiết để khi nhắc đến nhà ở xã hội là nhắc đến nhà ở có hồn Việt, phù hợp với đại đa số túi tiền của người dân”.