Hà Nội thận trọng “nâng cấp” 4 huyện lên quận
Đề xuất của Hà Nội sớm đưa 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm lên quận vào năm 2020 đã được nhiều chuyên gia cảnh báo cần cân nhắc kỹ.
Để sớm phát triển các huyện đang có tốc độ đô thị hóa nhanh thành quận với quy hoạch hiện đại, bộ máy hoạt động hiệu quả, Hà Nội kiến nghị Trung ương được áp dụng ngay bộ máy như mô hình quận.
Xu thế đô thị hóa là tất yếu
Theo đó, Thành phố có thể áp dụng mô hình quản lý đô thị, trên các lĩnh vực xây dựng, quy hoạch... thay vì để các huyện tự phát thực hiện cho đến khi đủ tiêu chí theo quy định. Đặc biệt, nếu 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm sớm thành quận theo định hướng quản lý mô hình chính quyền đô thị thì sẽ giảm được 164 cán bộ chuyên trách, hơn 2.000 đại biểu HĐND cấp xã, phường.
Trước đề xuất này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, bước chuyển từ huyện lên quận là xu thế tất yếu. Thành phố cần đẩy mạnh việc đầu tư chuyển đổi từ huyện lên quận, bởi chỉ có vậy Hà Nội mới xứng tầm Thủ đô và xứng tầm một đô thị đặc biệt. Muốn đô thị hóa nhanh, việc này là cần thiết.
Cần có ngay các giải pháp để tránh tình trạng tạo “sốt” đất, mua bán, xây dựng tràn lan làm hỏng bộ mặt đô thị. Các huyện cần công khai quy hoạch chi tiết để người dân biết sớm.
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia Đề án phát triển 4 huyện đồng loạt lên thành quận vào năm 2020 sẽ cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng từ nhiều góc độ, gắn với các tiêu chí và cần có lộ trình thích hợp, tránh hiện tượng tràn lan đưa cả huyện lên thành quận rồi “nợ” tiêu chí.
Theo TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp, việc chuyển huyện lên quận phải có tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể, rõ ràng, không đơn giản như đổi cái tên gọi là xong.
“Ở đây không đơn thuần chỉ là câu chuyện nhân sự mà còn liên quan tới rất nhiều vấn đề khác. Nhưng nhiều huyện lại muốn lên quận, bởi khi huyện lên quận được nhiều hơn mất, đây chính là lý do khiến nhiều huyện mong muốn lên quận”, ông Sơn nói.
Thận trọng “sức khỏe” nội lực
Việc đưa một số huyện lên thành quận là xu thế đúng của đô thị hóa. Bởi hiện nay, chúng ta mới đô thị hóa được hơn 20%. Và thời điểm này đặt ra vấn đề là hợp lý. Tuy nhiên theo các chuyên gia, đề án này cần có sự tính toán và cân nhắc rất thận trọng, đặc biệt cần có cái nhìn tổng thể, bài học kinh nghiệm từ những lần trước đây, khi Hà Nội đẩy mạnh đô thị hóa.
Theo Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, cần rà soát lại trong phạm vi ranh giới từng huyện để xác lập tiêu chí cần thiết lên thành quận. Xác lập ranh giới, chuyển một phần khu vực phát triển của huyện lên quận chứ không nhất định phải chuyển cả huyện thành quận.
Bài học từ quận Long Biên, quận Hoàng Mai trước đó, khi chuẩn bị phát triển lên thành quận đã được đẩy mạnh đầu tư đô thị hóa, nhưng nhiều dự án đến nay vẫn chưa hoàn thiện.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng cho rằng, với địa phương được chuyển đổi từ huyện lên quận sẽ được quy hoạch lại, sẽ được đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của địa phương đó theo tiêu chuẩn đô thị hóa. Việc đầu tư này sẽ làm nâng giá trị và chất lượng sống của cư dân tại địa phương, nhằm thu hút các nhà đầu tư, dẫn đến làm tăng giá trị đất đai và nhà ở tại nơi này.
Tuy nhiên theo ông Đính, trên thực tế tại 4 huyện trên, chúng ta chưa thấy có nhiều sự đầu tư vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các khu dân cư chưa có nhiều dự án hạ tầng xã hội như trường, trạm, các trung tâm thương mại, trung tâm văn hóa thể thao, vui chơi giải trí. Thực tế, vẫn còn hàng loạt dự án trong tình trạng đang dừng tiến độ, chưa thi công… mà có lẽ kém nhất phải kể đến là địa bàn huyện Hoài Đức.
Do đó, “dù là huyện hay lên quận đều phải có các tiêu chuẩn, tiêu chí rất rõ ràng, đi cùng với các yêu cầu về đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ thì mới phát triển được. Chủ trương là đúng, nhưng cần xác định phạm vi và đưa ra tiêu chí phấn đấu, tránh ào ạt trở thành phong trào, thậm chí còn có thể gây ra những hệ lụy”, ông Đính lưu ý.