Vạch “chiêu” thổi giá đất nền Đà Nẵng

THU GIANG 07/03/2019 07:00

Nhiều chuyên gia bất động sản khẳng định, những đợt “sốt” giá đất tại TP Đà Nẵng trong thời gian gần đây là do giới đầu nậu và cò đất thổi giá với nhiều thủ đoạn.

Tại nhiều lễ mở bán cũng như giới thiệu dự án, lực lượng nhân viên môi giới, “cò” đất đôi khi áp đảo lượng nhà đầu tư tham dự.

Tại nhiều lễ mở bán lực lượng môi giới, “cò” đất đôi khi áp đảo nhà đầu tư 

Nói về đợt sốt đất tại Hòa Liên vào cuối năm 2018, chị N. – một nhân viên môi giới tại khu vực này cho biết sở dĩ đất sốt như vậy là do các cò bắt tay làm giá.

Chiêu cũ vẫn hiệu quả

Kể về một trường hợp “dính bẫy” chị dẫn chứng, có người dân thấy mọi người kháo nhau là đất Hòa Liên đang sốt nên cũng đi 40km lên tìm hiểu. Được môi giới giới thiệu về một “cặp” với mức giá 2,9 tỷ đồng cùng nhiều lời “tô hồng” về tương lai của khu vực nên người này cũng thích.

Trong khi đang lưỡng lự xuống tiền đặt cọc thì một người xuất hiện và đề nghị chị bán lại cho mình với giá chênh lệch 100 triệu/lô cùng điều kiện phải sang tên chính chủ. Thấy “ngon” nên chị đặt cọc 2 lô đất nói trên đồng thời về “vay nóng, vay nguội” thêm tiền để làm thủ tục sang tên “cặp” đất. Tuy nhiên, sau khi sang tên xong, gọi lại người đã đề nghị mua thì người này không bắt máy và phải ôm đất với giá trên trời.

“Sau tôi được biết các cò bắt tay nhau để thổi giá đất và kiếm lời. Cụ thể, lô đất này trước đó được chủ đất hô giá thu về 1,1 tỷ đồng và gửi cho “cò”, cò bán được chênh lệch bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu nên họ tạo khan hiếm ảo, cho 2-3 người – thực chất là “cò” nhảy vào đẩy giá cao lên. Sau đó, những “cò” này đồng loạt rút lui, còn người mua thật “dính bẫy” mua đất giá cao”.

Sàn

“Sàn giao dịch” mọc lên như nấm xung quanh các dự án

Cùng với chiêu thức trên, những “bài cũ” cũng được giới đầu nậu và cò đất áp dụng và dù cũ nhưng không ít người mua “dính bẫy”.

Thứ nhất, là chiêu thu gom rồi tạo ra cơn sốt giả với hình thức một nhóm khoảng 10 người góp vốn và chủ động bày “cuộc chơi” để dụ khách. Họ mua đất dự án rồi phân nhau đẩy giá theo kiểu người thứ nhất mua 1 đồng, người thứ 2 trong nhóm mua lại với giá 2 đồng đến người thứ 3 đẩy giá lên 4 đồng… và cuộc chơi cứ thế đẩy giá đất lên cao tạo cơn sốt nóng trên thị trường. “Chiêu này xuất hiện trên thị trường đã lâu nhưng vẫn rất hiệu quả, đặc biệt tại những khu vực có tiềm năng hoặc mới phát triển” – Môi giới này cho biết.

Thứ hai, là phân phối độc quyền. Dễ nhận thấy là khi bắt đầu công bố dự án mới, các sàn giao dịch sẽ tổ chức sự kiện, mời hàng trăm khách hàng đến giới thiệu dự án rồi công bố thông tin là mình sẽ phân phối độc quyền dự án này đồng thời tung ra lượng sản phẩm rất hạn chế, công bố lượng giao dịch thành công lên đến hơn 90% – thậm chí là 100% để tạo sự khan hiếm trên thị trường, kích thích người mua xuống tiền cho những lần bán tiếp theo.

Chiêu thổi giá theo kiểu bán hàng “đa cấp” cũng được áp dụng – đặc biệt là đối với khu vực Nam Hòa Xuân. Cụ thể, sau khi chủ đầu tư ra hàng, họ không bán trực tiếp mà giao cho một đại lý gọi lài là A1 – cũng thường được các sàn giao dịch công bố là phân phối độc quyền. Từ đại lý A1 sẽ bán cho hàng loạt các đại lý A2 với hình thức bán theo khu, từ đại lý A2 sẽ bán cho đại lý A3 với hình thức bán theo phân khu… Cứ thế, đất được bán qua nhiều trung gian mới đến tay khách hàng. Vì đất được bán qua nhiều trung gian nên giá bị đẩy lên cao, nhiều lô giá đội lên 3 – 4 lần so với mức giá chủ đầu tư đưa ra ban đầu.

Không từ thủ đoạn

Ngoài những chiêu thức nói trên, nhằm tạo ra 'sốt đất ảo', cò đất Đà Nẵng còn giả mạo cả văn bản của UBND TP. Đà Nẵng để trục lợi.

Cụ thể, đầu tháng 11/2018, trên các trang mạng xã hội đăng tải một văn bản có ghi số 738/2018/UBND-XDCB, ngày 31-10-2018 giả chữ ký của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ với nội dung “v/v phê duyệt hình thức đầu tư xây dựng đối với công trình cầu nối từ đường Bùi Tá Hán qua Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân”. Nơi nhận văn bản này là các cơ quan, bao gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, UBND quận Cẩm Lệ và UBND quận Ngũ Hành Sơn.

UBND TP Đà Nẵng khẳng định văn bản trên là văn bản giả mạo, không phải văn bản thật. Mục đích của việc tung tin và đăng tải văn bản này với ý đồ tạo “cơn sốt đất” trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ.

Từ những vụ việc cụ thể nêu trên, nhiều chuyên gia có cùng chung nhận định khi cho rằng các chiêu trò và những cơn “sốt giá ảo” đất nền rất nguy hiểm, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây nên tình trạng “bong bóng” trên thị trường bất động sản và nếu bóng nổ sẽ gây thiệt hại rất lớn.

Ông Đỗ Minh Dương – một chuyên gia bất động sản nhận định, với những đợt sốt ảo thì những ai tham gia sớm, rút khỏi thị trường sớm thì thu được nhiều tiền, giàu lên rất nhanh, còn ai tham gia muộn và chưa kịp rút ra khỏi thị trường thì đổ vỡ, lâm nợ, thậm chí là phá sản.

“Nên mỗi nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường bất động sản cần trang bị cho mình những kiến thức nhất định, không nên đầu tư theo kiểu phong trào sẽ dễ nhận rủi ro. Cùng với đó, nhà đầu tư nên tham khảo thông tin quy hoạch cũng như phải tìm hiểu kỹ giá đất ở khu vực xung quanh để so sánh giá" - ông Dương cho biết.

THU GIANG