Không nên thu phí bảo trì chung cư từ đầu
Từ đề xuất bỏ việc thu phí bảo trì chung cư 2% của Sở Xây dựng TP HCM tại một hội thảo gần đây, những vấn đề minh bạch vận hành chung cư hậu bàn giao lại được đặt ra.
Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành đều quy định chủ đầu tư có trách nhiệm nộp 2% kinh phí bảo trì (số tiền này thu từ người mua căn hộ và phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại, không bán), số tiền này phải được gửi vào ngân hàng thương mại và chuyển giao lại cho Ban Quản trị nhà chung cư khi Ban Quản trị được thành lập. Đối với các chủ đầu tư, việc thu quỹ này chỉ là thu hộ.
Căn nguyên của tranh chấp
Tuy nhiên, những tranh chấp quanh việc quỹ này là do nhiều chủ đầu tư chiếm dụng cho mục đích riêng, không minh bạch, không bàn giao cho Ban quản trị. Cũng có trường hợp khi chuyển giao số kinh phí này thì Ban Quản trị cũng tùy tiện sử dụng không đúng mục đích.
Có thể bạn quan tâm
Phí bảo trì chung cư: Bỏ, hay giữ cách nào?
18:05, 12/03/2019
Bất an quỹ bảo trì chung cư
06:00, 19/10/2018
Dai dẳng “cuộc chiến” quỹ bảo trì chung cư
06:00, 14/10/2018
Quỹ bảo trì chung cư: “Đồng tiền đi liền khúc ruột”
09:09, 30/10/2015
Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở (Sở Xây dựng TPHCM), tranh chấp, khiếu kiện tại các chung cư trong thời gian vừa qua phần nhiều liên quan đến vấn đề quỹ bảo trì. Nếu vẫn còn quy định khi mua nhà chung cư, người mua nhà phải nộp kinh phí bảo trì 2% sẽ còn phát sinh tranh chấp.
Đồng quan điểm này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cho rằng, trong các loại tranh chấp tại nhà chung cư thì tranh chấp việc quản lý 2% phí bảo trì đang đứng hàng đầu và rất dai dẳng.
Đòi hỏi minh bạch vận hành chung cư
Việc thu phí bảo trì có thể thu ngay khi thành lập Ban Quản trị chung cư, tức là thời điểm mà số lượng người dân đã đông đủ. Trách nhiệm này sẽ thuộc về Ban Quản trị chung cư và được công khai minh bạch trong sử dụng.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, nhà chung cư có tuổi thọ có thể lên tới 100 năm. Sau vài năm đầu đưa vào sử dụng, chi phí bảo dưỡng, bảo trì thiết bị chưa nhiều. Tuy nhiên, càng về sau, chi phí bảo trì thiết bị càng gia tăng và sau khoảng 10 năm, nguồn quỹ bảo trì sẽ cạn kiệt. Do đó, không nhất thiết phải nộp 2% phí bảo trì ngay từ đầu, mà có thể thực hiện đóng hằng năm, hoặc nếu phát sinh vấn đề cần phải có chi phí, cư dân sẽ đóng góp. Điều quan trọng là đảm bảo quỹ được bàn giao cho người dân và được quản lý một cách hợp lý, minh bạch. Chẳng hạn, hiện đã có các quy định về phòng cháy chữa cháy, nhưng thực thi, giám sát và chế tài được áp dụng tới đâu, sau thảm hoa chung cư Carina, đã được xới lên và siết lại, nhưng theo thời gian có bị nới lỏng và bỏ bê về nguyên trạng như trước đây?
Hiệp Hội Bất động sản TP HCM (HOREA) mới đây có đề xuất cần có Luật Chung cư để đáp ứng yêu cầu phát triển chung cư những năm tới. Rõ ràng với nhu cầu của phát triển nhà ở, việc có những quy định cụ thể cho sự vận hành, quản lý đối với phân khúc ảnh hướng tới số đông dân cư cần được dựa vào những căn cứ pháp lý vững chắc.
Bên cạnh minh bạch trong yếu tố thu quỹ và năng lực quản lý tài chính, HOREA cho rằng, Bộ Xây dựng cần có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng quy định về phí bảo trì chung cư.
Hiện đã xuất hiện không ít vụ tranh chấp từ người mua - cư dân với chủ đầu tư khi quá trình được bàn giao nhà ở, về sinh sống, mới phát hiện công trình chưa được nghiệm thu hoàn thành, chưa đảm bảo. Đây cũng là sự cảnh báo về tính minh bạch của chủ đầu tư, hay năng lực giám sát, kiểm tra để bảo vệ quyền lợi của người dân từ chính quyền địa phương.
Được biết, Bộ Xây dựng đang tiếp tục thống kê về số liệu các dự án tranh chấp khiếu nại ở các địa phương để kịp thời có những chỉ đạo, điều hành xử lý. Một số các tranh chấp xảy ra quanh việc chủ đầu tư thiếu minh bạch trong thu phí bảo trì 2%, không bàn giao cho Ban quản trị chung cư… dẫn đến đề xuất bỏ phí bảo trì này.