Ai đã phá nát quy hoạch đô thị? Kỳ II: Xử lý nghiêm cơ quan quản lý

Diệu Hoa 01/06/2019 10:40

Câu chuyện phá vỡ quy hoạch đô thị đã được bàn đi bàn lại trong nhiều năm qua. Tại diễn đàn Quốc hội lần này, nhiều ĐBQH bày tỏ cần có biện pháp xử lý nghiêm sai phạm của cơ quan quản lý.

Đây không phải lần đầu bất cập quy hoạch được đưa ra trong các kỳ họp Quốc hội, các hội thảo bất động sản. Nhưng việc thực hiện đúng quy hoạch cũng chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”. Quy hoạch đô thị vẫn liên tục “vỡ”.

p/Khu đô thị Linh Đàm quá tải hạ tầng với khoảng 30.000 dân.

Khu đô thị Linh Đàm quá tải hạ tầng với khoảng 30.000 dân.

Giám sát chặt chẽ cơ quan quản lý

Theo KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, bất cập hiện nay không phải do công tác quy hoạch mà là do khâu quản lý quy hoạch. Nhiều quy hoạch chỉ dựa vào lợi ích của nhà đầu tư, mà nhanh chóng được điều chỉnh, bất chấp khoảng cách nhà, mật độ xây dựng, các công trình công cộng...

Đơn cử như tại dự án KĐT Linh Đàm, sau khi được công nhận là KĐT kiểu mẫu vào năm 2009, từ “thiên đường đáng sống nhất Thủ đô”, nơi đây đã trở nên thảm họa. Nguyên nhân chính là việc chuyển đổi quy hoạch ở các khu dự kiến xây dựng văn phòng đã biến thành các chung cư cao tầng, giá rẻ. Thay vì là khu vực làm việc nhằm giãn dân số, giảm gánh nặng nội đô thì tổ hợp này đã bổ sung thêm khoảng 30.000 dân cư, tạo áp lực nặng nề lên hạ tầng giao thông.

 Theo báo cáo trước Quốc hội, cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần. Quy hoạch được điều chỉnh luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư.

Phát biểu về vấn đề này tại Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hà - Đoàn Ninh Thuận cho rằng cần xử lý trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; Cần có các quy định chặt chẽ, nghiêm minh để quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm trong thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch quản lý sử dụng đất nói chung, bởi hiện các quy định liên quan chưa rõ ràng, cụ thể.

ĐBQH Nguyễn Trường Giang - Đoàn Đắk Nông cho rằng, nếu giám sát thấy có những dự án, công trình ở những địa phương nào vi phạm thì đoàn giám sát phải chỉ ra cụ thể. Trong Nghị quyết Quốc hội cần nêu rõ các địa chỉ cụ thể để tiến hành thanh tra. Trên thực tế, theo báo cáo của Thanh tra trong giai đoạn giám sát đã tiến hành 21 cuộc giám sát, nhưng trong cả một khoảng thời gian dài chỉ 16 cuộc mới có kết luận.

Minh bạch thông tin

Bên cạnh công tác xử lý sai phạm các cấp trong quy hoạch, việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai ứng dụng công nghệ thông tin cũng là một trong những vẫn đề cấp thiết hiện nay. Việc này không chỉ giúp quản lý quy hoạch tốt hơn mà còn là động lực thúc đẩy, thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài vào thị trường bất động sản nước ta.

Thực tế, tại các quốc gia có thị trường bất động sản phát triển đều quan tâm, sát sao đến việc minh bạch và công khai thông tin. Đơn cử như Dubai của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất là quốc gia đứng đầu trong bảng minh bạch thị trường quốc tế. Điều giúp bất động sản Dubai phát triển chính là việc ứng dụng trực tuyến mới và nâng cao để quản lý hợp đồng, thông tin môi giới và các hình thức cho thuê thống nhất.

Hệ thống dữ liệu quản lý đất đai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện công khai quy hoạch, thực hiện cơ chế giám sát của người dân về quản lý đất đai, sẽ góp phần đẩy mạnh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đổi mới phương pháp tính giá đất theo hướng thống nhất, đồng bộ, ổn định, công bằng, đảm bảo lợi ích người dân, nhà đầu tư và nhà nước.

Bên cạnh đó, theo Đại biểu Nguyễn Trường Giang, công khai thông tin về việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất công khai, minh bạch luôn là yêu cầu, công cụ quan trọng trong quản lý đất đai nói chung và là công cụ, phương tiện quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng.

Mới đây, Bộ Xây dựng công bố sẽ hoàn thành việc lập Cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch đô thị với kỳ vọng sẽ làm minh bạch thị trường bất động sản. Tuy nhiên, việc triển trai cổng thông tin này cũng không phải là điều dễ dàng. Để xây dựng được trung tâm nói trên, cần phải thực hiện một cách khoa học, thu thập thông tin theo thời gian thực từ các nguồn chính như sở, ban, ngành của Nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng để hình thành nguồn dữ liệu lớn. Nhưng thực tế, nhiều năm qua việc công khai minh bạch thông tin đã được đề xuất, kiến nghị nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Công bố này đã nhận được nhiều kỳ vọng về minh bạch thị trường bất động sản từ các ĐBQH cũng như giới chuyên gia.

Diệu Hoa