Dự án đường sắt Hạ Long - Hà Nội dở dang (KỲ II): Phải chờ đến bao giờ?
Để giải cứu Dự án đường sắt Hạ Long - Hà Nội, đại diện chủ đầu tư đề nghị Bộ GTVT đưa công trình dang dở này nào danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư.
Theo tính toán của Ban Quản lý dự án Đường sắt, để có thể đưa vào khai thác năm 2022, Dự án cần thêm khoảng 5.268 tỷ đồng, trong đó giai đoạn I (2017 - 2020) khoảng 4.041 tỷ đồng; giai đoạn II (2021 - 2022) khoảng 1.204 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 không bố trí bất cứ khoản kinh phí nào để hoàn thiện Dự án nên nguồn hy vọng duy nhất mà Ban Quản lý dự án Đường sắt trông vào để làm sống lại tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân vẫn là từ xã hội hóa đầu tư.
Hiện trong số 4 tiểu dự án thành phần, mới chỉ có Hạ Long - cảng Cái Lân dài 5,67 km, tổng mức đầu tư 1.510 tỷ đồng được hoàn thành, hơn 125 km đường sắt còn lại của Dự án đều rơi vào cảnh dở dang trong khi dòng vốn cấp chưa thể hẹn ngày chảy lại.
Để giải cứu Dự án, đại diện chủ đầu tư đề nghị Bộ GTVT đưa công trình dang dở này nào danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP. Đơn vị này cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức xúc tiến đầu tư tới các nhà đầu tư trong nước.
“Thành phố cũng như tỉnh vô cùng mong muốn dự án được triển khai trở lại, bởi ngoài việc tháo gỡ khó khăn cho người dân, đảm bảo quy hoạch xây dựng cho địa phương, đường sắt còn giúp tỉnh có thêm một tuyến giao thông “lợi hại” trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Tỉnh đã nhiều lần có văn bản và làm việc với Bộ GTVT, nhưng câu trả lời vẫn là đợi chờ” - Giám đốc Trung tâm quỹ đất thành phố Uông Bí ông Đào Văn Phức cho biết.
Ông Phức cho biết thêm, trong những lần Tỉnh ủy, UBND tỉnh làm việc với Bộ trưởng Bộ GTVT (vào các năm 2014, 2016, 2017) đều có đề nghị khởi động lại dự án này. Sở GTVT đã có Văn bản số 5523/SGTVT-KHTC ngày 28/12/2015 gửi BQL Dự án đường sắt đề nghị báo cáo Bộ GTVT cho sớm khởi động lại dự án.
Bộ GTVT đã trả lời sẽ tiếp tục triển khai dự án nhưng do ngân sách không thể chi. Bộ đang kêu gọi xã hội hóa để triển khai tiếp. Tuy nhiên câu hỏi mà người dân và chính quyền quan tâm là sẽ huy động đến khi nào và chính xác đến thời điểm nào khởi động lại dự án lại vẫn chưa nhận được câu trả lời rõ ràng từ phía Bộ.
Đã có quá nhiều bài học về sự thất bại do các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước là chủ đầu tư. Hàng chục năm trước, Vinashin khiến dư luận choáng váng với con số khủng: thua lỗ, thất thoát hơn 86 nghìn tỷ đồng. Hay 12 dự án thua lỗ của ngành công thương, dự án nào cũng mất cả ngàn tỷ đồng.
Dự án đường sắt Yên Viên – Phả lại – Hạ Long – Cái Lân được đầu tư 7.000 tỷ đồng đã “bế quan” hàng chục năm nay khiến dư luận không thể không hoài nghi về một sự thất bại nữa khi đường bộ, đường không ngày càng rộng mở với sự linh hoạt của nhiều loại hình phương tiện giao thông đưa đón khách và chuyên chở hàng hóa đang cạnh tranh quyết liệt với hệ thống đường sắt.
Hơn lúc nào hết cần có một câu trả lời dứt khoát về "số phận" dự án để cuộc sống của hơn 1.000 hộ gia đình đang mắc kẹt được "giải thoát".