Dai dẳng như nhà siêu mỏng, siêu méo
Hàng trăm căn nhà siêu mỏng, siêu méo cứ liên tục mọc lên theo những tuyến đường mới mở tại TP Hà Nội trước sự "bất lực" của cơ quan quản lý đang phá nát bộ mặt đô thị.
Cứ hễ TP Hà Nội quy hoạch một tuyến đường mới, không ít thì nhiều sau đó các căn nhà với hình thù kỳ dị lại mọc lên. Thậm chí như trên đường Trường Chinh đang giải tỏa để thi công, nhà siêu mỏng còn mọc nhanh hơn cả đường.
7 - 8m2 cũng xây nhà
Nhiều năm qua, những cuộc chất vấn, đối thoại, họp bàn về phương hướng xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo đã được tổ chức giữa người dân và các cấp chính quyền của UBND TP Hà Nội với mong muốn cơ quan quản lý sẽ “mạnh tay” lập lại trật tự xây dựng. Thế nhưng, đến nay ngoài 132 căn nhà công trình không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng từ tổn tại từ trước năm 2005, hàng trăm căn nhà siêu mỏng siêu méo trên các tuyến phố mới lại mọc lên như nấm.
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội yêu cầu giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo trong quý III
00:00, 13/07/2013
Nhà siêu mỏng không hợp khối sẽ bị thu hồi
00:00, 24/02/2013
Tất cả nhà siêu mỏng đã vào “sổ đen”
00:00, 25/11/2012
Điều đáng nói là hầu hết các căn nhà này lại chủ yếu tập trung trên những tuyết đường nghìn tỷ được xem là bộ mặt của Thành phố như Võ Chí Công, Nguyễn Văn Huyên, Lê Văn Lương... Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các căn nhà siêu mỏng, siêu méo hiện tại được sử dụng với mục đích kinh doanh, với lợi thế mặt tiền đường lớn giá thuê ở đây không hề rẻ.
Chia sẻ với DĐDN, ông Đào Trọng Quý - một người dân đang sinh sống trên đường Lê Văn Lương cho biết: “Khi nhà nước thu hồi đất để mở đường, đất bị cắt xén đi dẫn đến tình trạng xiên xẹo. Chúng tôi cũng không muốn xây nhà như thế, nhưng sau khi thu hồi, vẫn còn đủ diện tích trên 15m2, mặt tiền hơn 3m nên phải xây nhà cho thuê”.
Suy nghĩ của ông Quý cũng chính là lời giải thích cho những căn nhà méo mó như thế. Thậm chí dù có những căn nhà chẳng đủ diện tích nhưng người dân vẫn cố cất nhà cho thuê. Đơn cử như một căn nhà 3 tầng trên phố Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy), dù mặt bằng ở đây chỉ có diện tích khoảng 7 – 8m2, giá thuê cũng lên đến 8 triệu đồng/tháng.
Có thể thu hồi làm ATM?
KTS Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chỉ rõ, ngay từ năm 2006, Hà Nội đã có quy định về những mảnh đất có diện tích nhỏ hơn 15m2, mặt tiền và chiều sâu nhỏ hơn 3 mét so với chỉ giới xây dựng thì phải giữ nguyên hiện trạng, cấm xây dựng. Kẽ hở nằm ở chỗ Luật không ghi rõ quy định cần cả 2 cạnh chiều sâu dài hơn 3 mét, khiến người dân lấy đó làm cái cớ để xây nhà, dù có cạnh chưa đến 1m, tạo nên các khối nhà gần như hình tam giác.
TP cũng nhiều lần có chủ trương thực hiện phương án khuyến khích các gia đình tự thỏa thuận để ghép thửa, hợp khối các mảnh đất không đủ chỉ giới. Tuy nhiên, việc này không mang lai kết quả bởi lẽ sau khi làm đường, giá đất ở chỗ đố sẽ tăng lên rất cao.
Bên cạnh đó, việc thu hồi các khu đất có diện tích ngoài chỉ giới cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, mặc dù diện tích đất còn lại sau đền bù giải phóng quá nhỏ, không xây dựng được nhà thì cũng khó để thực hiện các dự án công cộng.
“Để quản lý nhà siêu mỏng, siêu méo cần phải chú ý đến vấn đề liên quan đến tổ chức không gian thiết kế, lập phê duyệt và thẩm định thiết kế, có các quy hoạch cho những miếng đất xiêu vẹo đấy ngay từ khi bắt đầu thu hồi giải phóng mặt bằng” – Ông Chính nhận định.
Thạc sĩ Đinh Quốc Thái – Chuyên gia về quản lý đô thị đề xuất, việc thu hồi, sử dụng phải được nghiên cứu xem tại khu vực đó thiếu những gì thì bố trí thêm. Ví dụ có thể cho ngân hàng thuê làm các trạm ATM, đó vừa là hoạt động phục vụ công cộng, vừa đảm bảo kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi những diện tích nhỏ.