Cải tạo chung cư cũ (KỲ I): Người dân “cố thủ” trong các chung cư chờ sập
Hầu hết các chung cư cũ ở Hà Nội được xây từ những năm 70-80 của thế kỷ trước và đang xuống cấp nghiêm trọng.
Đến Khu tập thể Thành Công vào một buổi chiều nhộn nhịp, tiếng còi xe, tiếng người rao bán sầm uất, ngỡ như đây thực sự là một nơi đáng sống. Thế nhưng khung cảnh nơi đây lại khác, những tòa nhà tập thể cao 5 tầng với màu vàng hoen ố, những mảng tường tróc sơn nham nhở, và hơn hết là những ô “chuồng cọp” cheo leo như chực đổ xuống.
Người dân “cố thủ”
Nơi đây vốn được xây dựng từ những năm 1970 với ý tưởng xây dựng các khu ở theo kiểu khu tập thể với phương pháp xây dựng lắp ghép từ các panel bê tông cốt thép đúc sẵn.
Lối kiến trúc quy hoạch xuất phát từ việc nghiên cứu áp dụng theo giải pháp quy hoạch và thiết kế kiến trúc của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là nền kiến trúc rất lớn mạnh của Nhà nước liên bang Xô viết lúc bấy giờ. Phục vụ không gian sống cho mỗi cụm dân cư từ 7.500 – 10.000 người.
Có thể bạn quan tâm
HoREA kiến nghị giải pháp cải tạo chung cư cũ
10:46, 19/04/2019
“Lối thoát” nào cho chung cư cũ?
11:01, 08/03/2019
Gỡ “nút thắt” cải tạo chung cư cũ: Cần tuân thủ nguyên tắc đồng thuận cộng đồng
08:05, 20/12/2018
Cải tạo chung cư cũ (Kỳ II): Cần cơ chế rõ ràng
06:00, 18/12/2018
Cải tạo chung cư cũ (Kỳ I): Doanh nghiệp có lời - người dân có lợi
00:49, 17/12/2018
Trải qua gần nửa thế kỷ, khi quá trình đô thị hóa phát triển càng nhanh, nơi đây lại trở nên xập xệ, sụp lún, những tòa nhà nghiêng ngả khiến người đi qua cảm thấy rùng mình.
Tại khu nhà G6, hiện tượng sụp lún, hai đơn nguyên ngày càng tách ra, mỗi năm khoảng cách giữa 2 đơn nguyên ấy càng rộng. Hay tại các khu A4, A2 gần chợ Thành Công, tiểu thương không kinh doanh trong chợ mà dọn ra hai bên vệ đường, rác thải từ cá, rau, thịt đổ ra bốc mùi hôi thối.
Từ năm 2007, nhà nước đã có chủ trương lập lại quy hoạch chi tiết (tỉ lệ 1/500) cải tạo, chỉnh trang toàn bộ khu tập thể Thành Công. Từ đấy đến nay, nhiều lần chính quyền cảnh báo các cấp độ nguy hiểm, chủ trương yêu cầu người dân di dời, nhưng lạ thay mọi người vẫn cố bám trụ.
Chia sẻ với DĐDN, bà Liên, một cư dân khu E6 cho biết, bà về ở đây từ năm 1984, khi đó nơi đây là nơi hằng mong ước của bao nhiêu công nhân viên chức. Hơn ba chục năm sinh sống đến nay nhiều dãy nhà đã sụp lún nghiêng ngả.
"Nhiều người hỏi ở thế không sợ à? nhưng sợ thì cũng đâu có tiền để chuyển đi chỗ khác. Hà Nội tấc đất tấc vàng, chúng tôi có muốn chuyển đi cũng khó. Chi bằng ở lại đây, cái gì cũng có, gần chợ, trường học từ mầm non cho đến cấp 3, gần bệnh viện, cần gì cũng chẳng phải chạy xa xôi, chẳng có ở đâu tiện bằng” – bà Liên cho biết.
Câu chuyện của bà Liên cũng là tâm sự của tất cả những người dân ở đây, bởi lẽ muốn chuyển đi cũng cần phải có đủ tiền mua nơi ở mới, mà ở lại, ở lâu dần thấy nứt nẻ mãi cũng quen.
Mất niềm tin
Cô Thu (nhà 107 E6 - Khu tập thể Thành Công) lo ngại, đã có những khu được cải tạo thành công, chỉ sau 3 – 4 năm dân được chuyển về có nhà rộng, nhà đẹp ở nhưng số đó rất ít còn các chung cư cải tạo khác vướng mắc nên thời gian kéo dài.
Cô Thu dẫn chứng, nhà C1 ở gần chợ, vì sụp hết móng nên được ưu tiên cải tạo trước, 11 năm nay người dân ở đấy vẫn mỏi mòn chờ ngày trở về nhà. Chẳng phải sợ di dân, mà sợ không biết di dân tới đâu, nơi ở mới có xa không vì còn có công việc, con cái học hành, lại sợ hơn đi lâu quá chẳng về được nhà nữa. “Nhà nước có chủ trương cũng là tốt cho dân, nhưng mà kế hoạch xây dựng cải tạo lại nằm trong tay doanh nghiệp” – cô Thu cho biết.
Theo tìm hiểu, chung cư C1 được xây dựng từ năm 1979, có 110 hộ dân sinh sống, năm 2007, tòa chung cư này đã sụp lún trầm trọng, nền nhà sụp xuống thấp hẳn so với mặt đường nên đã được UBND Thành phố Hà Nội giao chủ trương cải tạo theo hướng xây dựng nhà ở kết hợp văn phòng cho thuê cao 17 tầng và bố trí tái định cư cho người dân.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, công trình này được chuyển nhượng cho nhiều chủ đầu tư, 11 năm trôi qua dự án vẫn chỉ là tòa nhà thô, đường xung quanh cũng hư hỏng trầm trọng, người dân vẫn chỉ còn cách chờ.
Thành phố vẫn ngày ngày đô thị hóa, những tòa cao tầng mọc lên, những khu tập thể cũ với những chuồng cọp cheo leo vẫn tồn tại đó. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế, những căn nhà tập thể dù xuống cấp trầm trọng nhưng hiện tại giá bán vẫn được rao xấp xỉ 40 triệu đồng/m2, không hề thua giá trị các khu chung cư cao cấp hiện nay.
KỲ II: Hà Nội không đủ ngân sách?