Số liệu tồn kho địa ốc có bị “làm đẹp”?
Thống kê tồn kho địa ốc giảm lẽ ra là tín hiệu mừng cho một thị trường đang tích cực, ổn định. Nhưng trên thực tế tín hiệu đáng mừng này lại trở thành nỗi lo.
Theo văn bản mới đây của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) việc phản ánh số liệu thống kê về hàng tồn kho địa ốc của Bộ Xây dựng đưa ra trước đó là "chưa thỏa đáng".
Từ những con số thống kê
Theo đó Bộ Xây dựng thống kê: "Tính đến ngày 20/12/2018, tổng giá trị hàng tồn kho bất động sản còn khoảng 22.825 tỉ đồng, so với lúc đỉnh điểm ở quý1/2013 đã giảm 105.723 tỉ đồng (giảm 82,24%)".
HoREA cho rằng phản ánh có thể “dẫn đến ngộ nhận là lượng hàng tồn kho bất động sản hiện nay còn rất ít, không đáng quan ngại, trong khi tình hình thực tế lượng hàng tồn kho còn rất lớn cần đặc biệt quan tâm giải quyết, để đảm bảo thanh khoản và sự phát triển ổn định, lành mạnh của doanh nghiệp và thị trường bất động sản”.
Trả lời DĐDN, đại diện HoREA cho biết, trước đó ngày 2/1/2019, HoREA đã có văn bản với những cảnh báo về khả năng khó khăn về thị trường địa ốc 2019 và đưa ra các khuyến nghị cho doanh nghiệp.
Đáng chú ý thống kê của Bộ Xây dựng theo HoREA là chưa cập nhật số liệu hàng hóa tồn kho phát sinh sau này. Bởi nếu đúng như HoREA cảnh báo thì thị trường bất động sản trong giai đoạn dài nhiều năm, đã có rất những chuyển dịch, khác biệt về số lượng dự án, hàng hóa chào bán mới cũng như hàng hóa tồn kho phát sinh ở mọi phân khúc đất nền, biệt thự nhà phố, căn hộ. Các sản phẩm mới đang có những quy định chưa rõ nhưng lại được đẩy mạnh trên thị trường như condotel, officel, hometel...
Đến những hệ lụy
Việc xem lại các số liệu tồn kho của doanh nghiệp theo đánh giá chung của giới đầu tư, không “làm đẹp, tô hồng”, có ý nghĩa cần thiết bởi đây là 1 trong những số liệu quan trọng phản ánh thực trạng thị trường. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng sẽ đưa ra những chính sách có tác động tức thời hoặc có tác động dài hạn để giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, minh bạch, bền vững.
Một chủ đầu tư không muốn nêu tên quan ngại về số liệu tồn kho nếu thiếu chính xác, các chủ đầu tư địa ốc vẫn phát triển dự án như bình thường, hàng hóa tiêu thụ tích cực thậm chí sức cầu mạnh thì rất có thể các đề xuất như giãn lộ trình siết tỷ lệ tín dụng cho vay trung và dài hạn đối với địa ốc sẽ bị không được các cơ quan chức năng liên quan xem xét, doanh nghiệp địa ốc “trở tay không kịp”.
Vị này cũng dẫn chứng những khó khăn của thị trường bất động sản 5 tháng đầu năm đối với các doanh nghiệp địa ốc. Ví dụ CBRE Việt Nam trong báo cáo quý I/2019 khẳng định qua các số liệu là thị trường căn hộ bán giảm mạnh, nguồn cung mới trầm lắng và việc thiếu hụt nguồn cung chào bán mới chủ yếu là dựa trên việc cấp phép chậm trễ (của TP HCM).
Ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn - Chuyên gia Đầu tư cho hay, ông khá lo lắng cho một số phân khúc đất nền, sản phẩm cao cấp và dòng condotel.
“Thị trường đất nền ở khu vực phía Nam đang có tín hiệu “dồn cục” ở một số vùng ven, dù không còn nóng ảo như giai đoạn đầu năm 2018 nhưng không tránh khỏi khả năng có những khu vực nhà đầu tư “kẹt vốn” không rút ra được do hệ lụy bong bóng cục bộ, cũng như có thể không tránh khỏi khả năng “dồn toa” nhiều nhà đầu tư cố “bám” các chủ đầu tư lớn và “ôm trọn” sản phẩm khi chủ đầu tư lớn rời đi. Điều này đặc biệt có thể diễn ra ở một vài khu vực ven TP HCM khi nhiều chủ đầu tư lớn nhỏ cùng dịch chuyển về đây, trong khi nơi này hạ tầng và tiềm năng chưa thực sự tương ứng” - ông Hoàn cho biết.