Hàng triệu m2 đất dành cho nhà ở xã hội “biến mất”
Mặc dù Nhà nước có quy định rõ về việc dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội nhưng hàng loạt lô đất dành cho loại hình nhà ở này vẫn bị “biến mất”.
Nghị định 90/2006/NĐ-CP quy định chi tiết dự án từ 10 ha trở lên phải dành 20% diện tích đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội.
Đến Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP thì vấn đề trên được quy định cụ thể: “Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất (bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) và hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội…”.
Có thể bạn quan tâm
Vốn nào cho nhà ở xã hội?
07:00, 02/08/2019
Thanh Hóa: Dự án nhà ở xã hội hơn 500 tỷ “ngủ ngon” trên giấy
07:00, 03/07/2019
Nhà ở xã hội: Nhu cầu cấp bách… thực hiện ách tắc
13:06, 10/05/2019
Cảnh báo hành vi trục lợi nhà ở xã hội
11:27, 20/03/2019
Không nước nào bán nhà ở xã hội thu tiền ngay như Việt Nam
07:00, 25/02/2019
Cần một chính sách riêng cho nhà ở xã hội
16:41, 21/02/2019
Nói về thực trạng này, Thanh tra Chính phủ từng cho biết, việc sử dụng 20% quỹ đất từ các dự án bàn giao lại đang có nhiều sai phạm, nhiều diện tích đất đã được giao lại cho chủ đầu tư xây nhà ở kinh doanh không đúng pháp luật.
Cụ thể, quỹ đất 20% tại Khu đô thị Cổ Nhuế, Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) được giao sai mục đích. Thậm chí, tại Dự án Park City (quận Hà Đông) quy mô hơn 77 ha cũng “quên” quỹ đất xây nhà ở xã hội.
Ngoài ra, một dự án lớn trên đường Nguyễn Xiển đã thực hiện bố trí 20% diện tích tại ô đất số 18 theo quyết định phê duyệt quy hoạch số 5873 ngày 17/12/2013 cho nhà ở xã hội. Nhưng đến quyết định 3021/QĐ-UBND ngày 30/6/2015 của UBND thành phố Hà Nội về việc chấp thuận đầu tư dự án, thì khu đất này lại được xếp xây dựng vào giai đoạn 2, và xây dựng gần như sau cùng.
Mới đây, Đoàn giám sát của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội về “Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2020 và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về Chương trình Nhà ở xã hội tại các quận Hà Đông, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm giai đoạn 2015-2017” đã được thành lập.
Với nhiệm vụ chính là xem xét báo cáo của các sở và giám sát trực tiếp tại Sở Xây dựng, kết hợp khảo sát thực tế tại một số dự án trên địa bàn Thành phố từ ngày 23 đến 30/8. Đoàn giám sát được thành lập ngay sau khi Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố báo cáo việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Lãnh đạo HĐND TP Hà Nội cho biết, nếu căn cứ vào diện tích chiếm dụng của các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố được cấp phép từ năm 2016 tới nay, diện tích đất dành cho nhà ở xã hội là trên 2,8 triệu m2 đất, trong khi thực tế cho thấy, diện tích xây dựng nhà ở xã hội chỉ là 526.000 m2 - chưa đạt mức 1/5 diện tích theo quy định.
Vậy gần 2,3 triệu m2 đất “bị biến mất” đó chưa được triển khai hay đã bị chuyển đổi mục đích xây dựng?
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM thừa nhận, cùng một khu đất nhưng nếu xây nhà thương mại thì doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận cao hơn nhà ở xã hội. “Điều này bắt nguồn từ quy định chủ đầu tư nhà ở xã hội chỉ được hưởng lợi nhuận 10%. Trong khi, nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội lại ngày càng khó khăn. Chính vì thế, hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng không mặn mà với những dự án nhà ở xã hội” – ông Châu nói.
Để đảm bảo quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, ông Châu cho rằng, việc dành quỹ đất là cần thiết, nhưng nên xem xét đối với từng dự án, có thể quy đổi thành một khu đất khác, hoặc quy đổi ra tiền và chủ đầu tư phải nộp số tiền đó. Số tiền đó được dùng để thực hiện nhà ở xã hội ở địa điểm khác.