Ách tắc thủ tục gây khó cho doanh nghiệp bất động sản TP.HCM
Nhiều doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM đang gặp khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản do vướng mắc quy định 100% đất ở mới được chỉ định chủ đầu tư dự án thương mại.
Trong báo cáo mới đây gửi UBND TP.HCM cùng các Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết hiện có đến 74% dự án chưa được cấp sổ đỏ do vướng mắc về luật.
Cụ thể, hiện nay hình thức chỉ định chủ đầu tư chỉ áp dụng đối với dự án có 100% đất ở. Đối với các dự án có quỹ đất hỗn hợp thì không được chỉ định chủ đầu tư và cũng chưa có đầy đủ cơ chế giải quyết các thủ tục hành chính công dẫn đến ách tắc dự án.
Có thể bạn quan tâm
NHNN cảnh báo rủi ro đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản
00:03, 24/08/2019
17 kiến nghị của doanh nghiệp bất động sản sẽ được lãnh đạo TP HCM "mổ xẻ" vào tháng 4/2019
05:02, 29/03/2019
Doanh nghiệp bất động sản lên kế hoạch “tự giải cứu mình”
08:00, 10/02/2019
Thách thức bủa vây các doanh nghiệp bất động sản tiến quân về tỉnh lẻ
08:00, 08/02/2019
Doanh nghiệp bất động sản đối mặt với “thuế chồng thuế”
15:14, 15/12/2018
Điều này làm cho thị trường bất động sản bị sụt giảm nguồn cung, nhiều doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, khiến giá nhà có xu hướng tăng và người tiêu dùng khó tiếp cận sản phẩm nhà ở, nguồn thu ngân sách nhà nước từ thị trường bất động sản cũng sụt giảm theo.
Cũng theo số liệu thống kê từ Sở Xây dựng TP.HCM, trong 5 năm gần đây, dù thành phố có 170 dự án được chấp thuận đầu tư nhưng chỉ có 44 dự án đã có sổ đỏ đất ở, chiếm chưa đến 26%.
Trong đó, hầu hết đều là các dự án có quỹ đất hỗn hợp, trước đây đã được UBND TP cho chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở cũ. Đối với 126 dự án còn lại, chiếm tỷ lệ 74,1% có nguồn gốc do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng chưa được cấp sổ.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, quy định phải có 100% đất ở thì mới được chỉ định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại là một trong những vướng mắc rất lớn và cũng là nguyên nhân chủ yếu gây ách tắc thị trường bất động sản hiện nay.
Ông cho rằng, Chính phủ cần giải quyết vướng mắc về quy định doanh nghiệp phải có đất ở thì mới được chỉ định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.
Đối với các dự án có quỹ đất hỗn hợp, bao gồm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp… đã được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án xây dựng nhà ở cũng cần giải quyết vấn đề cấp sổ để đưa vào sử dụng và đảm bảo quyền lợi cho người mua.
Bên cạnh đó, HoREA cũng chỉ ra vướng mắc trong thời gian hoàn thiện thủ tục, giấy tờ đối với dự án nhà ở đã có quyết định công nhận chủ đầu tư, đã có quỹ đất sạch. Việc các dự án nhà ở thương mại thường phải mất thời gian trên dưới 5 năm mới có sản phẩm đưa ra thị trường là quá dài, tạo tác động chi phí quá lớn lên doanh nghiệp và gây tác động đến thực trạng khan hiếm nguồn cung hiện nay của TP.HCM.
Hiện nay, các dự án nhà ở thương mại đã có quyết định công nhận chủ đầu tư, đã có quỹ đất sạch, đã được cấp giấy phép xây dựng nhưng không được khởi công xây dựng để chờ thủ tục hoàn thiện gây khó khăn rất lớn cho các chủ đầu tư dự án.
Do đó, Hiệp hội đề nghị UBND TP cho phép chủ đầu tư dự án được khởi công xây dựng các công trình sau khi đã được cấp giấy phép xây dựng (hoặc miễn giấy phép xây dựng) và hội đủ điều kiện khởi công.
Ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản nhìn nhận: Hiện nay, thủ tục phức tạp đang làm cho tiến trình chậm lại, khiến cho cung và cầu bị lệch lạc. Với chủ đầu tư, vướng mắc từ thủ tục hành chính sẽ làm tăng thời gian và chi phí, khiến họ mệt mỏi và nản lòng. Đáng lo ngại hơn, thủ tục hành chính còn khiến các doanh nghiệp quay lưng với địa phương, làm mất cơ hội phát triển của địa phương.
Ông Đính kiến nghị, các quy định của pháp luật phải đảm bảo tính thông thoáng, tính tự chủ, đặc biệt tạo ra môi trường đầu tư, hành chính tốt nhất cho các doanh nghiệp. Thủ tục hành chính phải rõ ràng, tránh tình trạng nhũng nhiễu hạch sách.
"Ngoài việc chấn chỉnh bộ máy thực thi, phải nâng cao ý thức văn hóa hướng tới việc phục vụ cho cái chung cũng như phải chỉnh sửa cho phù hợp với sự phát triển với nhu cầu hiện nay" - ông Đính cho biết.