Di rời cơ sở công nghiệp khỏi nội đô vẫn “bắt cóc bỏ đĩa”
Mặc dù Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô, tuy nhiên thực tế cho thấy công tác di dời vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Từ năm 1992, sau khi quy hoạch chung được duyệt Hà Nội đã đặt ra kế hoạch di dời các cơ sở công nghiệp và các trường đại học không phù hợp ra khỏi nội đô, trong đó di dời các cơ sở công nghiệp là một trong các vấn đề trọng tâm thời điểm này.
Đã có vị trí mới vẫn không di dời
Thành phố đã đặt ra nhiều chính sách ưu đãi tạo điều kiện để thúc đẩy việc di dời các cơ sở công nghiệp. Trong đó, điển hình phải kể đến một số nhà máy đã di dời thành công ở các vị trí thích hợp, như Nhà máy Dệt mùng 8 tháng 3, Nhà máy Cơ khí Mai Động, cùng một loạt các nhà máy khác ở khu vực phố Lạc Trung...
Theo tinh thần của Chính phủ đề nghị các bộ, ngành phối hợp để tạo nguồn lực, đặc biệt là các nguồn vốn để nhà máy di dời,TP Hà Nội đã đồng ý để chủ đầu tư các nhà máy có quyền liên kết với các đơn vị có chức năng để xây dựng tại cơ sở cũ theo chức năng quy hoạch mới.
Chính động thái đó đã tạo nên những biến đổi lớn. Thí dụ: Nhà máy Trần Hưng Đạo (phố Bà Triệu), sau khi di dời đã tạo thành các trung tâm thương mại dịch vụ; ngoài ra là hàng loạt khu vực bến xe, nhà máy cơ khí, nhà máy Công Cụ Số 1… cũng đã triển khai di dời hiệu quả.
Đặc biệt, với 7 khu công nghiệp lớn như Phân Lân Văn Điển (huyện Thanh Trì), khu Cao su – xà phòng – thuốc lá (quận Thanh Xuân) thành phố đã có quy hoạch phát triển mới, tạo điều kiện để các nhà máy di dời và đặt ra vấn đề chỉ giữ lại cơ sở văn phòng chứ không có chức năng sản xuất.
Theo lộ trình của UBND Thành phố Hà Nội, đến năm 2020 di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành.
Tuy nhiên, trong quá trình khai thác sử dụng nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất, kể cả nhiều đơn vị đã nhận địa điểm mới như: Công ty Thuốc lá Thăng Long đã có trụ sở mới tại huyện Thạch Thất (Hà Nội)...
Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cũng nằm trong chủ trương di dời.
Thực tế, Công ty này cũng đã được tạo điều kiện xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Quế Võ - Bắc Ninh từ năm 2006. Đến năm 2015, Rạng Đông đầu tư thêm 2 ha, nâng tổng diện tích lên 8,2 ha. Tuy nhiên, việc di dời nhà máy nhiều năm qua vẫn chưa được thực hiện.
Trong khi đó, với việc sản xuất công nghiệp như vậy vẫn có một nguyên tắc đó là nếu nhà máy duy trì sản xuất, cần đảm bảo hành lang môi trường an toàn. Thực tế, hàng rào môi trường đó không được tuân thủ, mà đã có sự phát triển xen cài các nhà dân bên cạnh các nhà máy.
Vừa tạo điều kiện vừa kiên quyết di dời
Qua nhiều năm triển khai, đến nay cho thấy công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp vẫn chưa thực sự hiệu quả. Vậy, nguyên nhân do đâu?
Nhiều doanh nghiệp đưa ra lý do thiếu nguồn vốn để di dời đến vị trí mới. Một số khác thì cho rằng, doanh nghiệp khó khăn trong việc giải quyết công ăn việc làm nếu di dời nhà máy khỏi nội đô. Tuy nhiên, khó khăn quan trọng nhất là nhận thức của các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ quan chủ quản hoặc chính quyền địa phương chưa thể hiện sự quyết liệt.
Để xảy ra hỏa hoạn tại nhà máy của Công ty Phích nước Rạng Đông vừa qua, còn thể hiện tồn tại trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng chuyên môn mà cụ thể là thanh tra của Bộ Tài nguyên & Môi trường, phòng cháy chữa cháy,...
Do đó, để thực hiện tốt chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, nhà máy ra khỏi nội đô, yêu cầu đặt ra với thành phố lúc này là cần có sự đồng bộ trong chỉ đạo giữa các cơ quan chức năng, tại các nhà máy, cơ sở sản xuất.
Sâu xa hơn nữa, để giải quyết triệt để việc này, ngoài việc chủ động của doanh nghiệp thì cần có sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước, đó là những ưu đãi, hỗ trợ về nguồn vốn, để doanh nghiệp có khả năng xây dựng cơ sở mới, hoặc các chính sách phù hợp để doanh nghiệp liên kết với các đơn vị có chức năng xây dựng đô thị, thu hút nhà đầu tư nước ngoài triển khai.
Ngoài ra, việc sửa Luật Đất đai trong thời gian tới cũng cần bổ sung các quy định về việc sử dụng quỹ đất công nghiệp trong nội đô rõ ràng hơn. Bởi thực tế quỹ đất của các bộ, ngành trong danh sách cần di dời vẫn ít hơn nhiều so với các quỹ đất thuộc cơ sở công nghiệp chưa di dời.
Đây là “giọt nước tràn ly” đối với việc di dời các nhà máy ra khỏi nội đô. Mặc dù, quyết định di dời 7 khu công công nghiệp trên toàn thành phố đã có từ lâu nhưng các cơ sở chưa chịu di dời.
Qua đó cho thấy, không chỉ có chủ trương mà còn cần công tác giám sát quá trình khai thác sử dụng. Nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn nữa vừa tạo điều kiện vừa kiên quyết để các doanh nghiệp sớm di dời.