Để nhà đầu tư bất động sản du lịch an tâm
Còn nhiều khó khăn trong thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng, quản lý sau đầu tư đối với các dự án kinh doanh bất động sản.
Tại hội thảo “Lấy ý kiến – Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức mới đây tại TP.HCM, ông Đỗ Viết Chiến - Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, vấn đề thủ tục hành chính trong chuẩn bị đầu tư, xây dựng, quản lý sau đầu tư của các dự án kinh doanh bất động sản có liên quan đến rất nhiều Luật và các văn bản dưới luật như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy và chữa cháy... với rất nhiều quy định liên quan đến thủ tục hành chính còn nhiều chồng chéo, tốn kém thời gian và kinh phí cho doanh nghiệp.
Điển hình là sự chưa nhất quán trong quy định về lựa chọn chủ đầu tư và thủ tục chấp thuận đầu tư dự án phát triển nhà ở giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở; quy định thời điểm phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường còn chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư với Luật Bảo vệ môi trường.
Việc phân định cấp có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở giữa Dự án và công trình trong dự án chưa hợp lý, theo quy định của pháp luật về xây dựng thì nếu là 1 dự án gồm nhiều công trình độc lập với nhau thì cơ quan có thầm quyền thẩm định TKCS áp dụng cho cấp của công trình có cấp cao nhất.
Điều đó đồng nghĩa nếu 1 dự án có nhiều công trình độc lập với nhiều cấp khác nhau, trong đó chỉ có 1 công trình cấp 1 thì toàn bộ các công trình trong dự án đều do cơ quan có thẩm quyền thẩm định công trình cấp 1 thẩm định.
Tổng Thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam kiến nghị: Cần thống nhất thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới theo pháp luật về nhà ở, khu đô thị mới với thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo pháp luật về đầu tư đối với các nhà đầu tư đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Cần tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chuẩn bị đầu tư, xây dựng, quản lý sau đầu tư đối với các dự án kinh doanh bất động sản để sửa đổi, bổ sung cho thống nhất, cắt giảm tối đa, áp dụng chế độ một cửa, một cơ quan chịu trách nhiệm chính đối với các thủ tục của từng loại dự án nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Đối với sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng như: Căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa) đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, góp phần quan trọng trong thực hiện Chiến lược Du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách trong và ngoài nước, tăng thu ngân sách và thay đổi bộ mặt đô thị của các địa phương có dự án.
Do là lĩnh vực mới vì vậy nhiều vấn đề chưa có quy định pháp luật để điều chỉnh, hướng dẫn, quản lý, gây lúng túng trong quá trình thực hiện cũng như quản lý nhà nước như: Quy chuẩn quy hoạch, tiêu chuẩn kỹ thuật, xác định dân số trong khu du lịch, nghỉ dưỡng; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu căn hộ khách sạn cho khách hàng mua condotel, đặc biệt là thời hạn sở hữu đối với bất động sản nghỉ dưỡng…
Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần khẩn trương nghiên cứu, sớm ban hành các văn bản pháp luật có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, an tâm cho nhà đầu tư (người dân mua và sở hữu bất động sản du lịch) và làm cơ sở để quản lý nhà nước, đồng thời giúp cho thị trường bất động sản du lịch phát triển.