Từ Mã Pì Lèng Panorama ngẫm đến cơ chế bảo tồn di sản
Những ngày gần đây, hình ảnh ngôi nhà 7 tầng nằm chễm chệ trên địa điểm đẹp nhất của đèo Mã Pì Lèng sau khi được báo chí phản ánh đã dậy sóng dư luận.
Nhiều tranh cãi nổ ra với việc nên kiên quyết dỡ bỏ hay để lại công trình sai phạm này.
Đèo Mã Pì Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia, nằm trong Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận năm 2016. Danh thắng này luôn để lại ấn tượng đặc biệt cho du khách đến cao nguyên đá Đồng Văn bởi cảnh quan hùng vĩ của những ngọn núi cao, của vực Tu Sản sâu nhất Đông Nam Á và mặt nước xanh mướt hiền hòa quanh năm của sông Nho Quế.
Có thể bạn quan tâm
Lỗ hổng quản lý quy hoạch
Việc xây dựng bất kỳ công trình nào trên đèo phải tuân thủ quy định của UNESCO và Luật Di sản văn hóa của Việt Nam. Những công trình xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng phải theo quy hoạch về du lịch và xây dựng cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng phê duyệt.
Bỗng đâu vụ việc một tòa nhà 7 tầng là nhà nghỉ, nhà hàng Panorama của tư nhân xây dựng không phép, như cái gai xấu xí đâm vào đỉnh đèo Mã Pì Lèng bị phanh phui gây bức xúc trong dư luận.
Báo cáo của tỉnh Hà Giang nêu rõ, vị trí xây dựng công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ I và II của Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng, tuy nhiên theo điều 37 Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ dung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 thì công trình này có khả năng ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của danh thắng Mã Pì Lèng. Do đó, cần có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về hồ sơ công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama chưa có cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư và cấp phép xây dựng. UBND tỉnh Hà Giang xác định trách nhiệm ban đầu thuộc về UBND huyện Mèo Vạc trong công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng.
Về quan điểm và phương hướng giải quyết, lãnh đạo tỉnh Hà Giang khẳng định không bao che sai phạm và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời khắc phục những sai phạm trong xây dựng công trình Nhà nghỉ, nhà hàng Panorama tại khu vực Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, đúng theo quy định của pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, theo quy định của luật xây dựng thì có những công trình bắt buộc phải xin phép, có những công trình không bắt buộc phải xin phép. Tuy nhiên, dù công trình không phải xin phép thì việc xây dựng vẫn phải phù hợp với quy định pháp luật trong đó có phù hợp với mục đích sử dụng đất.
Trường hợp xây dựng không có giấy phép trên đất nông nghiệp, rõ ràng là hành vi vi phạm trật tự xây dựng, hành vi xây dựng trái phép. Hành vi này hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính và buộc tháo dỡ công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.
Bảo tồn hay phát triển?
Hãy khoan bàn đến chuyện dỡ bỏ hay phạt cho tồn tại. Trong văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang ký báo cáo Thủ tướng mới đây nêu rõ chi tiết: Báo cáo khảo sát của GS. Guy Martini, Tổng thư ký Ban điều phối mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO, chuyên gia GGN (tháng 2/2018), khuyến nghị tỉnh Hà Giang xây dựng điểm dừng chân phục vụ du khách tại khu vực Mã Pì Lèng (khu vực xây dựng nhà nghỉ nêu trên).
Căn cứ báo cáo khuyến nghị của chuyên gia GGN, UBND tỉnh đã tổ chức 2 đoàn đi kiểm tra và có văn bản chỉ đạo, giao cho huyện Mèo Vạc triển khai thực hiện. Yêu cầu hoàn thành trước tháng 7/2018 để phục vụ cho kỳ tái đánh giá Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 2 năm 2018 (tháng 9/2018). Và chủ đầu tư đã được chính quyền địa phương hỗ trợ thực hiện dự án.
Một chuyên gia muốn giấu tên cho biết, câu chuyện của Mã Pì Lèng chỉ là một trong hàng nghìn trường hợp gây xôn xao dư luận, cốt lõi là giải bài toán giữa bảo tồn và phát triển. Nếu nghiêng về bảo tồn một cách thuần túy thì khó mà phát huy được giá trị của di sản; và một khi không phát huy được thì cũng khó lấy gì để bảo tồn.
Nhìn rộng hơn, vấn đề bảo tồn di sản cũng là một trong những nút thắt cần tháo gỡ. Bảo tồn di sản không có nghĩa là cấm hay hạn chế khai thác mà cần có cơ chế kiểm soát hoạt động tốt hơn. Hạn chế khai thác thương mại hóa quá mức làm tổn hại đến di sản. Việc bảo tồn, phục dựng, làm mới di sản cũng phải theo đúng quy cách để vẫn giữ nguyên được giá trị di sản.
Hệ lụy của việc thiếu kiểm soát khai thác di sản và chiến lược bảo tồn di sản sẽ đe dọa tới giá trị vốn có của di sản, và gây ra mức độ hiểm họa khôn lường trong việc gìn giữ giá trị di sản trong tương lai.
Trở lại với công trình Mã Pì Lèng Panorama, lúc này phải có sự thẩm định cụ thể để đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình này với cảnh quan xung quanh rồi mới có thể kết luận và đưa ra hướng xử lý. Tất nhiên, với những sai phạm thì cần xử lý nghiêm, sai đến đâu xử đến đó.
Bên cạnh đó cũng cần truy trách nhiệm của cá nhân cán bộ quản lý và tập thể lãnh đạo để tồn tại công trình sai phép có thể tạo tiền lệ xấu cho những vụ việc tương tự trong tương lai.