Mất hồn Phố cổ Hội An

Tuấn Vỹ 03/11/2019 06:00

Việc thay đổi chủ sở hữu các ngôi nhà trong khu phố cổ Hội An đã làm mất dần văn hóa bản địa nơi này.

“Mỗi căn nhà có giá hàng chục tỉ đồng, nếu cho thuê một tháng cũng ngót nghét vài chục triệu cho nên người dân chọn cách là cho thuê hoặc bán nhà, điều đó đã khiến phố cổ mất dần đi hơi thở của mình” - ông Võ Phùng, Nguyên Giám đốc Trung tâm VH - TT & DL tiếc nuối.

p/Phố cổ Hội An đang dần mất đi hơi thở đặc trưng khi vắng dần những người bản địap/sinh sống.

Phố cổ Hội An đang dần mất đi hơi thở đặc trưng khi vắng dần những người bản địa sinh sống

Trong những năm gần đây, du lịch Hội An phát triển mạnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh trong khu vực phố cổ. Khách tới Hội An tham quan gia tăng 5-10% mỗi năm, từ đầu năm tới nay có gần 4 triệu lượt, nhưng đằng sau đó tạo nên một nguy cơ lơn khi mà giá trị văn hóa dần mai một đi.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, từ 10 năm trở lại đây số lượng các ngôi nhà thay đổi chủ sở hữu tăng gấp đôi so với những năm 2000 - 2009.

Từ năm 2000 đến nay, trong 470 nhà cổ của người dân thì có tới 115 ngôi nhà thay đổi chủ sở hữu. Thậm chí một số ngôi nhà cổ chuyển nhượng qua lại hơn vài người.

Ông Võ Phùng phân tích rằng, có 2 lý do để người dân trong khu phố cổ bán nhà - đó là giá trị ngôi nhà tăng quá nhanh, gia đình tứ đại đồng đường trong một ngôi nhà cổ là quá chật chội. Bán một ngôi nhà trong phố có thể mua được 4 - 5 ngôi nhà ở ngoài nên nhiều người chọn cách bán.

"Thời gian tới việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhà cổ sẽ còn tăng, tác động không hề nhỏ tới phố cổ Hội An” - ông Phùng nhận định.

Anh S, một người có nhà trong khu phố chia sẻ rằng, trước đây đa phần người dân không ai có ý định bán nhà. Mọi gia đình nhiều thế hệ đều sinh sống trong nhà cổ, nhưng nhiều năm nay họ chấp nhận bán nhà hoặc cho thuê để chuyển ra ngoài bởi diện tích nhà cũ không còn đủ cho gia đình đông đúc.

Anh S. cho biết thêm, ngôi nhà của anh nằm tại đường Nguyễn Thái Học cũng đã có người hỏi mua với giá 46 tỉ đồng, gia đình anh tính bán đi để gia đình sang định cư ở nước ngoài.

Phó Chủ tịch UBND TP Hội An - Nguyễn Văn Sơn cho biết, hiện nay con số nhà dân được chuyển nhượng, cho thuê trong thực tế là trên 300 căn. Việc này tạo ra sự mất mát rất lớn trong lòng phố cổ bởi Hội An là di tích, di sản sống. Hoạt động của con người tại chỗ nhiều đời sinh hoạt hằng ngày là một nét đẹp, tạo nên hồn cốt phổ cổ, nay đang mất dần.

Thực tế, để phục vụ kinh doanh, các ngôi nhà cổ đã được tận dụng tối đa diện tích, thu hẹp không gian sinh hoạt để lấy chỗ bày biện hàng hóa. Nhiều hộ kinh doanh vì muốn tiết kiệm diện tích đã bỏ đi nơi thời cúng cũng như không gian sinh hoạt của ngôi nhà. Điều này đã làm cho các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với di tích như tín ngưỡng, nếp sống, sinh hoạt văn hóa bị thay đổi.

“Chúng ta không thể cấm người dân mua bán, chuyển nhượng được, nhưng việc này cũng cần đến lúc phải báo động, can thiệp sớm để bảo vệ linh hồn phố cổ, vốn đã được xây dựng hàng trăm năm” - ông Phùng kiến nghị.

Tuấn Vỹ