Không thể chi trả lợi nhuận, dự án Condotel đầu tiên tại Đà Nẵng “vỡ trận”

HƯƠNG THU 25/11/2019 13:30

Thông báo mới nhất vừa phát đi, chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng sẽ không thực hiện được việc chi trả lợi nhuận cam kết lên tới 12%/năm như đã ký kết ban đầu.

Theo đó, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) – chủ đầu tư dự án Cocobay cho hay, từ 1/1/2020, do những khó khăn về dòng tiền, Công ty Thành Đô chấm dứt việc chi trả lợi nhuận như đã cam kết trong hợp đồng khi mua condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng.

mất khả năng chi trả lợi nhuận cho khách hàng như cam kết, dự án Cocobay Đà Nẵng

Dự án Cocobay Đà Nẵng mất khả năng chi trả lợi nhuận cho khách hàng như cam kết

Đồng thời, Công ty Thành Đô chỉ chịu trách nhiệm với các khoản lợi nhuận như đã cam kết đến hết ngày 31/12/2019 cho các chủ sở hữu condotel.

Lý có được đưa ra ngay từ lời “mào đầu” của thông báo viện dẫn lý do cho rằng “việc kinh doanh loại hình condotel thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn do tính pháp lý chưa được hoàn thiện, gặp nhiều vướng mắc. Do đó, dù đã nỗ lực rất lớn nhằm thực hiện cam kết về lợi nhuận với khách hàng đã mua sản phẩm condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng, song tập đoàn này vẫn đành phải xin lỗi vì đã không thể thực hiện được chi trả lợi nhuận cam kết như đã hứa trong hợp đồng”.

Có thể bạn quan tâm

  • Quản chặt condotel bằng khung pháp lý

    06:00, 29/10/2019

  • Sẽ sớm có quy chuẩn cho condotel, officetel

    06:00, 21/06/2019

  • Căn hộ condotel phải mang thân phận gì?

    14:07, 11/06/2019

  • Tạm rút đề xuất sửa đổi Luật Đất đai: “Số phận” condotel bị bỏ ngỏ

    12:09, 28/03/2019

  • Thị trường condotel: Ưu đãi nhiều nhưng vẫn ế

    11:03, 01/12/2018

  • Giao dịch condotel giảm mạnh

    11:28, 30/10/2018

Theo thông báo, công ty Thành Đô đưa ra một số hướng giải quyết đối với các khách hàng đã mua sản phẩm condotel tại Cocobay Đà Nẵng như sau:

Giải pháp thứ nhất là khách hàng tiếp tục hợp tác với chủ đầu tư và tiến hành chuyển đổi các condotel thành căn hộ chung cư với chi phí chuyển đổi dự kiến 15% giá trị căn hộ và được toàn quyền sử dụng như một căn hộ chung cư bình thường. Chủ sở hữu cũng có thể giao lại cho chủ đầu tư căn hộ đó để tiếp tục kinh doanh với những cam kết về thu nhập cố định hàng năm.

Hoặc vẫn giữ lại các condotel và tiếp tục để chủ đầu tư kinh doanh với bản hợp đồng mới 10 năm, trong đó lợi nhuận trong 3 năm đầu theo thị trường. Sau 3 năm thì lợi nhuận cố định hoặc 80% lãi từ kinh doanh sản phẩm này.

Giải pháp thứ hai mà Công Thành Đô gợi ý là khách hàng thanh lý hợp đồng mua bán và giao lại các sản phẩm condotel cho khách hàng để tự kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng mà không có bất kỳ một khoản lợi nhuận cam kết nào như đã ký trước đây. Đồng thời khách hàng nếu tự kinh doanh thì phải đóng một khoản phí vận hành, sử dụng nhất định.

Giải pháp tiếp theo là hai bên tiến hành thanh lý các condotel đã ký hợp đồng, chủ đầu tư hoàn lai tiền cho khách hàng theo nguyên giá trong hợp đồng đã ký, nhưng Công ty Thành Đô sẽ khấu một số khoản như: chi phí hỗ trợ lãi vay ngân hàng, chi phí hoa hồng, phí phát hành bảo lãnh… và khách hàng bàn giao lại sản phẩm cho Công Thành Đô. Thời hạn chi trả chậm nhất đến 30/9/2020. Trong thời gian chưa chi trả, chủ đầu tư sẽ thanh toán lãi suất 10%/năm đối với số tiền đó.

Như vậy, sau hơn 3 năm mở bán hàng loạt các căn hộ, khách sạn tại Cocobay Đà Nẵng, đây được cho là dự án condotel đầu tiên mà chủ đầu tư “thất hứa” với khách hàng về cái gọi là “lợi nhuận cam kết” khi hai bên ký hợp đồng mua bán.

Chia sẻ với DĐDN, anh H.V (khách hàng mua dự án Cocobay Đà Nẵng) cho biết: “Giờ chủ đầu tư dự án phát đi thông báo chẳng khác nào dồn khách hàng vào “chân tường” vì mua không được, ở cũng không xong. Lý do đưa ra tất cả để “che lấp” cho thấy năng lực tài chính của chủ đầu tư và tính thanh khoản của dự án đang gặp vấn đề nghiêm trọng…”

Không chỉ riêng dự án Cocobay Đà Nẵng, sau quãng thời gian phát triển rầm rộ, các dự án condotel trên cả nước đang dần bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc. Cụ thể, đến nay loại hình bất động sản này vẫn chưa được cơ quan quản lý cấp chứng nhận rõ ràng về tính pháp lý.

Quy định trong Luật Nhà ở tại hợp đồng mua bán căn hộ chung cư có căn cứ rất rõ ràng về các điều khoản được quy định, tuy nhiên Luật Kinh doanh Bất động sản thì trong hợp đồng mua bán condotel lại chỉ có thể dựa vào Luật Dân sự trên cơ sở những thoả thuận của hai bên chủ đầu tư và khách hàng. Do đó, khi xảy ra tranh chấp khó tránh khỏi việc “lách luật” của chủ đầu tư để huy động vốn và tranh chấp với khách hàng.

Đây cũng chính là lý do khiến không ít chuyên gia bất động sản đưa ra khuyến cáo về tính rủi ro khi đầu tư vào loại hình condotel nhưng dường như nhà đầu tư vẫn "bỏ ngoài tai".

HƯƠNG THU