Condotel - “tội đồ” của thị trường?
Thông báo dừng chi trả lợi nhuận như cam kết cho khách hàng của Cty Thành Đô với dự án Cocobay nổi danh tại Đà Nẵng khiến condotel bỗng chốc bị biến thành “tội đồ” của thị trường địa ốc.
Nếu có thể thống kê, condotel không chỉ hàng ngàn căn hộ bất động sản đã, đang và sẽ thành hình theo giấy phép được cấp phục vụ du lịch nghỉ dưỡng trải dài dọc các bờ biển Việt Nam từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, Phú Quốc, Bình Thuận, Ninh Thuận (tính từ Đà Nẵng, nơi dự án Cocobay tọa lạc, đổ vào)… mà còn được nhiều chủ đầu tư lớn rắp ranh, khởi động triển khai tại các khu vực đại đô thị trung tâm như TP HCM.
Khủng hoảng thừa cung
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam dẫn ra những dự án điển hình như dự án Feliz en Vista tại khu Thạch Mỹ Lợi (quận 2). Dự án này do CapitaLand làm chủ đầu tư với 4 block gồm 873 căn hộ, trong đó block thứ 4 là căn hộ dịch vụ cho thuê. Tòa căn hộ dịch vụ cho thuê này sẽ được công ty con của Tập đoàn CapitaLand là Ascott quản lý, dưới thương hiệu Somerset.
Hay như Dự án căn hộ The Signial tại quận 7, do Công ty Bất động sản An Gia và Quỹ Creed Group (Nhật Bản) làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 66.000 m2, gồm 2 block, mỗi block cao 33 tầng, cung ứng hơn 1.100 căn hộ (diện tích 31 m2 và 39 m2)…
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp ngoại tiết lộ lý do CONDOTEL “vỡ trận”: Quá phụ thuộc vào đơn vị vận hành
11:12, 29/11/2019
Thị trường thứ cấp nhìn từ Condotel
06:04, 29/11/2019
Condotel vỡ trận: thực chất chỉ là giao dịch tài chính thuần tuý
09:17, 28/11/2019
Lãnh đạo Bộ Xây dựng: Sẽ có những điều chỉnh pháp lý CONDOTEL
15:34, 27/11/2019
Hiện tượng Cocobay Đà Nẵng không đại diện cho thị trường CONDOTEL
11:00, 27/11/2019
Trả condotel về đúng bản chất
06:00, 27/11/2019
Cả 2 dự án này đều mang đặc thù căn hộ condotel là có căn hộ được bán và khách hàng giao lại cho chủ đầu tư khai thác cho thuê vận hành, chủ đầu tư sẽ cam kết lợi nhuận hàng năm cho khách hàng. Những dự án này đều có sở hữu dưới 50 năm…
Như vậy, nếu không có vụ việc Cocobay xảy ra khiến thị trường condotel lo ngại khủng hoảng, thì condotel trong sự nở rộ của bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng và sản phẩm được cam kết lợi nhuận đại nhảy vọt phù hợp mong muốn sở hữu ngôi nhà thứ 2 - đầu tư sinh lời lớn, cũng có cơ nguy khiến thị trường đối mặt với một cuộc khủng hoảng: Khủng hoảng thừa cung.
Xử lý ra sao?
Theo ông Trroy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, vấn đề của condotel không phải nằm ở condotel, mà nằm ở chính sách phổ biến về cam kết lợi nhuận cao. Nhà đầu tư chạy theo lợi nhuận hấp dẫn trong khi các chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm thường tính mức lợi nhuận cam kết vào giá bán condotel ban đầu nhưng không đầu tư lại mức chênh lệch này vào dự án.
Nhà đầu tư condotel vì vậy không nhận lại được giá trị từ phần chênh lệch mà họ phải trả so với giá thị trường (gọi là phần bù - premium), thì những mức lợi nhuận cam kết cao trong dài hạn càng trở nên hấp dẫn đến mức phi lý.
Phó TGĐ Savills VN cũng đánh giá rằng, tình trạng này đã từng xảy ra tại các thị trường khác và đây là “cơ hội để thị trường Việt Nam học hỏi”. Chắc chắn sẽ có thêm các trường hợp dự án condotel không thể đáp ứng được mức lợi nhuận cam kết bởi chúng ta có thể nhìn thấy đâu đó trên thị trường vẫn tồn tại các dự án chưa được chủ đầu tư tính đúng mức từ phần bù thu được khi bán hàng.
Tuy vậy, kinh nghiệm từ các thị trường khác cho thấy, diễn biến này sẽ ít có khả năng dẫn đến khủng hoảng. Giải pháp mà vị này đưa ra là “Trong tình huống cam kết lợi nhuận bị chấm dứt, hướng giải quyết thông thường nhất là ban hành một cáo bạch về đầu tư với báo cáo tài chính được kiểm toán, từ đó kết nối với lượng vốn phong tỏa để đáp ứng cho hoạt động vận hành dự án. Ở nhiều quốc gia như Singapore, Hong Kong và Australia, đây là giải pháp bắt buộc để đảm bảo chủ đầu tư tuân thủ nghĩa vụ và người mua được bảo vệ”.
Đối với các vụ việc cụ thể, có thể thấy rõ ràng đây là một giải pháp khá tốt để chặn sự đổ vỡ của dự án đã được bán ra và chủ đầu tư có dấu hiệu khó đảm bảo vận hành dự án.
Tuy nhiên, về phía cơ quan quản lý Nhà nước, trách nhiệm để sự bùng phát cam kết lợi nhuận hấp dẫn của các chủ đầu tư với người mua mà không có quy định, chế tài cụ thể nào quản lý, cho thấy phần nào sự thiếu nhanh nhạy trước diễn biến thị trường của các bên chức năng.
Rõ ràng, condotel không phải mới được cảnh báo là tiềm ẩn nhiều rủi ro và rất cần những quy định pháp lý cụ thể. Nhưng sau hơn 3 năm thị trường này sôi động, các nhà quản lý vẫn còn loay hoay và cho rằng đây là loại hình... mới mẻ.
Từ condotel và vụ việc bất khả kháng, ngoài mong muốn của Thành Đô, đã đến lúc nhìn lại các vấn đề tương tự: Đó là các quy định về quản lý những loại hình như officetel, hay là sự bùng phát huy động trái phiếu dự án lãi suất ngất ngưởng của các doanh nghiệp địa ốc…