Nhu cầu đầu tư bất động sản hạ nhiệt vì dịch bệnh
Việc bùng phát dịch Corona đang khiến hoạt động kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, nhất là với các môi giới khi không thể tiếp cận khách hàng và chốt các giao dịch trực tiếp như thường lệ.
Gọi hơn chục cuộc điện thoại trong buổi sáng để giới thiệu dự án đến khách hàng nhưng gần như không chốt được một buổi gặp trực tiếp chính thức nào, anh Đặng Văn Mạnh, một môi giới căn hộ tại quận 2 cho biết đã lường trước được vấn đề này.
Kế hoạch bán hàng bị ảnh hưởng
“Từ thời điểm dịch bệnh bùng phát, bản thân tôi cũng tránh tiếp xúc hay ra ngoài nếu không cần thiết. Vậy nên tâm lý khách hàng ngại gặp mặt hay đi thăm quan dự án thời điểm này là điều dễ hiểu", anh Mạnh nói.
Theo quan sát của PV, thời điểm tháng 2, thị trường vừa qua Tết vẫn chưa sôi động nên nhiều công ty chưa đẩy mạnh việc kinh doanh, nhưng nếu bước vào tháng 3, tháng 4 mà dịch bệnh còn chưa được đẩy lùi, các sự kiện mở bán, giới thiệu dự án sẽ khó diễn ra, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động bán hàng và đảm bảo chỉ tiêu kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm
Khoảng lặng thị trường bất động sản trong đại dịch
11:30, 08/02/2020
Thị trường bất động sản du lịch Khánh Hòa: Doanh nghiệp hiến kế “hồi sinh” sau đại dịch
16:19, 05/02/2020
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng-Hội An: Nỗi buồn mang tên Corona
06:00, 05/02/2020
Thị trường bất động sản du lịch lao đao vì dịch cúm Corona
11:00, 04/02/2020
Hoàn thiện chính sách để thúc đẩy thị trường bất động sản
07:50, 30/01/2020
3 kịch bản cho thị trường bất động sản 2020
06:00, 17/01/2020
Nếu tình hình này kéo đến quý 2, việc đạt được kỳ vọng kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc thù của bất động sản là phải gặp trực tiếp để tư vấn, phải đi thực tế dự án để biết vị trí, tiềm năng. Nhất là trong thời buổi lừa đảo mua đất ngày càng tinh vi, khách hàng ngày càng cảnh giác với các giao dịch online.
"Khó khăn hiện nay là tâm lý e ngại đến chỗ nơi đông người của khách hàng. Phải đến khi dịch bắt đầu được kiểm soát, người dân bớt tâm lý lo ngại, thị trường mới giao dịch bình thường trở lại được. Còn giờ nếu chỉ thông qua vài cuộc điện thoại hay emaill thì rất khó chốt được giao dịch”, anh Mạnh chia sẻ.
Cũng lo lắng kế hoạch bán hàng lâu dài sẽ bị ảnh hưởng vì dịch bệnh, lãnh đạo một sàn môi giới tại Bình Dương cho biết, theo dự kiến là đầu quý 2 sẽ có dự án mới chào bán nên ngay từ bây giờ sàn cần phải ra quân để kiếm khách hàng. Với những khách hàng từ trước đó đã tìm hiểu về dự án thì có thể tư vấn thêm qua điện thoại, nhưng với những khách hàng mới, việc tiếp cận trực tiếp là cách tốt nhất để chốt giao .
Vấn đề là hiện nay để chốt một cuộc hẹn gặp với khách hàng không dễ. Việc bán hàng trước sự kiện bị ảnh hưởng sẽ kéo theo kế hoạch mở bán và triển khai dự án còn lại trong năm gặp xáo trộn.
Không chỉ khách hàng, ngay cả nhân viên kinh doanh nhiều người cũng xin làm việc tại nhà, số còn lại thì không thể làm việc hết công suất như bình thường.
Nhu cầu đầu tư hạ nhiệt
Ngoài các sàn môi giới nhỏ lẻ, dịch bệnh Corona cũng đang phá vỡ nhiều dự định của các chủ đầu tư bất động sản lớn. Theo CEO một doanh nghiệp đang triển khai dự án nghỉ dưỡng lớn tại Phú Quốc, công ty đã phải lùi kế hoạch bán hàng từ quý 1 sang quý 2 do lượng khách hàng phản hồi tham gia thấp.
Kế hoạch bán hàng được lên từ cuối năm 2019 đều phải thay đổi, vấn đề là hiện tại vẫn chưa dự kiến được tình hình dịch bệnh sẽ kéo dài trong bao lâu. Vì vậy việc lên kế hoạch bán hàng mới gặp không ít khó khăn.
"Giai đoạn cuối quý 1, đầu quý 2 thường là thời điểm các doanh nghiệp địa ốc đẩy mạnh việc ra hàng dự án mới, tổ chức các buổi bán hàng tập trung. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh, khách hàng tránh tụ tập đông người, hiệu quả của các buổi mở bán sẽ bị ảnh hưởng mạnh” vị này cho biết.
Tâm lý nhà đầu tư trên thị trường cũng có những xáo trộn. Nhiều nhà đầu tư bất động sản lâu năm tại Hà Nội vốn chuộng đánh bắt xa bờ cho biết phải xem tình hình mới có kế hoạch mới. Việc đi thăm dự án ở các tỉnh miền Trung hay Nam để đón cơ hội đầu tư đều bị hoãn lại.
Ông Ngô Đức Sơn - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần DRH Holdings đánh giá, dịch Corona đang gây ảnh hưởng lớn tới nhiều ngành nghề, trong đó có cả bất động sản. Đối với bất động sản nhà ở, khách hàng Trung Quốc vốn chiếm tỷ lệ lớn trong nhóm người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, nhưng do đại dịch, lượng khách này chắc chắn sẽ giảm mạnh.
Thậm chí lĩnh vực bất động sản công nghiệp vốn đang ăn lên làm ra nhờ thương chiến Mỹ - Trung cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ. Nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam sẽ phải thay đổi kế hoạch hoặc dời lại thời điểm đầu tư. Bên cạnh đó, theo ông Sơn, nhu cầu đầu tư bất động sản có thể hạ nhiệt trong ngắn hạn.
Ông Phạm Đức Toản - TGĐ Công ty Bất động sản EZLand cho biết, năm 2019 thị trường đối diện với khó khăn vì nguồn cung khan hiếm, ảnh hưởng từ lộ trình siết vốn tín dụng vào bất động sản, pháp lý còn chưa khơi thông, tâm lý nhà đầu tư nghi ngại đã khiến bức tranh bất động sản 2019 ít điểm sáng.
Sang năm 2020, các doanh nghiệp kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc hơn nhưng với những tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế, bất động sản sẽ tiếp tục khó khăn. Đứng trước khó khăn mang tính chất bất khả kháng này, ông Toản cho rằng các doanh nghiệp nên chủ động thay đổi kế hoạch kinh doanh cho phù hợp, cắt giảm chi phí không cần thiết, điều chỉnh lại tiến độ các dự án.