“Khơi dậy” đô thị ven sông Cổ Cò
Chính quyền tỉnh Quảng Nam và các nhà quy hoạch đang ấp ủ dự án khai thông con đường thủy đã bị lãng quên hàng trăm năm trước để phát triển thành khu đô thị và du lịch ẩn chứa đầy huyền thoại.
Hơn 500 năm trước, tuyến đường thủy nối thương cảng Hội An ra cửa biển Sông Hàn Đà Nẵng qua sông Cổ Cò tấp nập ghe thuyền qua lại trao đổi hàng hóa. Nhưng biến thiên của đất trời bãi bể nương dâu khiến sông Cổ Cò bị bồi lấp, và tuyến đường thủy huyết mạch này cũng bị rơi vào quên lãng.
“Chảy đi sông ơi…”
Mãi đến bây giờ, trong ký ức của những bậc cao niên miền sông nước ven biển Quảng Nam vẫn nhớ như in lời kể của cha ông về những chuyến ghe bầu tấp nập vận chuyển hàng hóa của giới thương nhân từ cảng thị Hội An ngược về hướng Tây Bắc ra cửa Hàn Đà Nẵng qua sông Cổ Cò khi tuyến đường bộ chưa khai thông.
Đến khi sông Cổ Cò bị bồi lấp do biến thiên của đất trời, những chuyến ghe bầu thưa dần và tuyến đường thủy có tên thơ mộng Lộ Cảnh Giang dần chìm vào quên lãng và thương cảng Hội An vắng những thuyền buôn nước ngoài cập cảng bán buôn do thời cuộc chuyển xoay.
Khi đô thị hóa phát triển sau hơn 2 thập niên chia tách Quảng Nam - Đà Nẵng, những nhà quy hoạch và quản lý chính quyền đô thị nghĩ ngay đến con đường thủy huyền thoại Lại Cảnh Giang (sông Cổ Cò) có chiều dài 28km cần phải được khai thông để phát triển đô thị dọc trên hai dòng sông này để từ đó sẽ hình thành tuyến đường thủy nối Cửa Hàn với Cửa Đại, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội 2 địa phương Đà Nẵng - Quảng Nam.
Dù chủ trương đã được lãnh đạo hai địa phương họp bàn và thống nhất, nhưng biến giấc mơ một chuổi đô thị nằm dọc hai bên bờ sông Lại Cảnh Giang không hề giản đơn.
Cụ thể, trên địa bàn TP. Đà Nẵng, trong số 3 hạng mục cơ bản của Dự án, hiện nay phần nạo vét, khơi thông cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn khoảng 150.000 m3 nữa là tới địa phận ranh giới Quảng Nam.
Hạng mục kế tiếp là đầu tư bờ kè quy chuẩn dọc 2 bên bờ sông đang được triển khai ngay trong năm 2020 với tổng mức đầu tư hơn 486 tỷ đồng thì trên địa bàn Quảng Nam, chiều dài con sông thơ mộng này gần 19 km vẫn chưa được khai thông. Nhiều đoạn sông bị tắt nghẽn.
Hình thành đô thị ven sông
Chủ tịch UBND Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết khi được điều động về tỉnh, chính ông là người tham gia từ đầu dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò qua địa bàn tỉnh Quảng Nam. Sở dĩ dự án này đến nay vẫn chưa triển khai do cần phải nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, hạn chế thấp nhất tác động xấu về xâm nhập mặn.
“Dự án khơi thông sông Cổ Cò này được đầu tư 1.000 tỷ đồng, trong đó 340 tỷ đồng từ chương trình ứng phó biến đổi khí hậu của Trung ương. Theo kế hoạch, ngoài việc nạo vét lòng sông rộng 90 m cho đồng bộ với đoạn tuyến tại Đà Nẵng, thì Quảng Nam cũng đầu tư hoàn thiện hạ tầng 2 bên bờ sông và 4 cây cầu nối hai bờ Đông - Tây của sông Cổ Cò”, ông Lê Trí Thành cho biết và nhấn mạnh, mọi thủ tục đã chuẩn bị xong, nhưng việc đánh giá tác động môi trường cần phải làm kỹ vì khi nạo vét sẽ có nguy cơ mặn xâm nhập.
Nếu dòng sông Cổ Cò được khơi thông và hồi sinh, sẽ tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, và một chuổi đô thị ven con sông thơ mộng Lại Cảnh Giang sẽ được đầu tư trong tương lai không xa.
Tuy nhiên, mọi quan ngại về môi trường đã được khai thông khi vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò, TP. Hội An.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam, cho biết trên địa bàn thị xã Điện Bàn, nơi có khối lượng cần nạo vét sông Cổ Cò nhiều nhất đã hoàn thành công tác kiểm kê, xác nhận nguồn gốc đất 468 của hộ với 1.057 thửa. Hiện đã phê duyệt phương án đền bù, giải phóng mặt bằng cho người dân.
"Tổng vốn năm 2019 đã bố trí cho dự án 192,1 tỷ đồng; trong đó vốn Trung ương 170,6 tỷ đồng, vốn địa phương 21,5 tỷ đồng. Chúng tôi đang thực hiện các bước để phê duyệt thiết kế dự án, dự kiến trong quý I/2020 sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp và khởi công công trình vào quý II/2020.", ông Tâm nói.
Với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, hy vọng sông Cổ Cò sẽ sớm được khơi dòng và hồi sinh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội hai địa phương và một chuổi đô thị ven con sông thơ mộng Lại Cảnh Giang sẽ được đầu tư trong tương lai không xa.