[GIẢI CỨU BĐS TP.HCM]: "Giảm luật lệ, gom thủ tục, giải quyết gấp"
Nhiều doanh nghiệp bất động sản TP.HCM vẫn đang chờ được tháo gỡ các dự án "treo” kéo dài vì những quy định chồng chéo trong các văn bản Luật.
Trong đó, có những dự án bị đóng băng từ 10 - 12 năm do những vướng mắc liên quan đến quá trình phê duyệt thủ tục hành chính của các cơ quan có thẩm quyền TP.
Đơn cử như trường hợp của Tập đoàn Novaland kiến nghị được tháo gỡ cho dự án 30,2ha tại phường Bình Khánh, Quận 2. Trước đó, Tập đoàn này cũng đã gửi đơn thư cầu cứu đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng vì đã đầu tư 6.000 tỷ đồng vào dự án này nhưng không thể triển khai do vướng rà soát liên quan đến thủ tục đấu giá đất công. Sự đình trệ kéo dài của dự án tiền tỷ ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Tương tự, trường hợp của Công ty Cổ phần Địa ốc Thảo Điền kiến nghị tháo gỡ vướng mắc tại dự án Nhà ở xã hội Nam Lý tại số 91A Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Bình, quận 9.
Đây là dự án đã được chấp thuận đầu tư, công nhận chủ đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở theo quy định của pháp luật, chỉ còn thiếu thủ tục được giao đất do vướng sai phạm của Công ty Cổ phần Địa ốc 10 (là chủ đầu tư có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trục chính). Tuy nhiên, tới nay Công ty Cổ phần Địa ốc Thảo Điền đã phải chờ đợi gần 10 năm nhưng vẫn chưa triển khai được.
Liên quan tới nguyên nhân chậm triển khai dự án, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành chia sẻ: Từ tháng 3/2019, Công ty nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, thế nhưng đến nay đã gần 1 năm vẫn chưa có “Quyết định chủ trương đầu tư”.
Theo ông Thành, nguyên nhân là theo Quyết định số 4956/QĐ-UBND ngày 11/9/2013 của UBND TP về việc duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm và dân cư khu vực phía Tây thành phố, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh thì chỉ tiêu quy hoạch của khu đất có tầng cao 15 tầng, mật độ xây dựng 30% nhưng hệ số sử dụng chỉ 2.
Tuy nhiên, hệ số sử dụng đất này dành cho khu nhà thấp tầng do đó không phù hợp với khu đất được quy hoạch là nhà cao tầng. Vì nếu lấy tầng cao là 15 tầng nhân với mật độ xây dựng là 30% thì hệ số sử dụng đất là 4,5. Và từ những bất hợp lý giữa các thông số kỹ thuật trong đồ án quy hoạch dẫn đến gần một năm nay doanh nghiệp không xin được quyết định chủ trương đầu tư để triển khai dự án.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Đực - Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Địa ốc Xanh cho rằng: Công tác giải quyết công việc của các cơ quan ban ngành ở TP.HCM còn nhiều bất cập dẫn đến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án.
Đơn cử, Công ty Địa ốc Xanh có một dự án nhỏ chỉ khoảng 3.700m2. Hiện doanh nghiệp đã đóng tiền sử dụng đất là 2.050m2, nhưng phần đã đóng chưa bao gồm hết cho cả dự án. Sau này Sở Tài Nguyên Môi trường đề nghị doanh nghiệp phải đóng luôn cả những phần này. Tuy nhiên, trên thực tế thì việc đóng này lại không hề dễ dàng.
Có thể bạn quan tâm
[GIẢI CỨU BĐS TP.HCM]: Sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quý I/2020
17:20, 22/02/2020
[GIẢI CỨU BĐS TP.HCM]: Doanh nghiệp chật vật triển khai dự án có đất hỗn hợp
12:30, 22/02/2020
Hải Phát Land tăng tốc tại thị trường BĐS Hà Nam với dự án River Silk City – Sông Xanh
13:30, 19/12/2019
BĐS cả nước khan hiếm nguồn cung, chuyên gia "chỉ điểm" dự án đáng đầu tư nhất Cần Thơ
13:30, 08/11/2019
SCIC sẽ thoái vốn tại đơn vị sở hữu loạt BĐS tại Bình Dương
00:00, 17/10/2019
Cũng theo ông Đực, đáng lý ra về việc này nên để doanh nghiệp đóng tiền một lần nhưng Sở Tài Nguyên Môi trường nhất quyết không gom mà bắt chia làm 2 lần đóng. Cứ như vậy và cuối cùng là hồ sơ lại được chuyển tiếp qua Sở Kế hoạch Đầu tư và giờ nằm đó để chờ được chấp nhận chủ trương đầu tư. Sau khi được Chấp nhận chủ trương đầu tư rồi lại phải chờ chuyển lại Sở Tài nguyên Môi trường, rồi Sở này mới trình cho qua UBND TP.
Theo ông Đực, đây không phải là vấn đề quá khó để hồ sơ bị “ngâm” quá lâu như vậy. Thực tế có hàng trăm dự án giảm lộ giới đều đã gặp phải hoàn cảnh tương tự. Riêng công ty của ông có dự án mà "chuyển đi chuyển lại" 2 năm, gửi đơn kêu cứu 4 lần nhưng đến nay vẫn đâu vào đấy, không tiến triển.
Để giải quyết cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản TP, ông Đực đề nghị: “TP.HCM nên phát triển phong trào "3G" gồm giảm luật lệ, gom thủ tục và gấp. Trong đó, thành phố và ban ngành có thể gom các thủ tục làm một để rút ngắn quy trình; thủ tục, hồ sơ phê duyệt dự án cần đẩy nhanh tiến độ hơn”.
Các dự án của doanh nghiệp đang chờ UBND TP.HCM tháo gỡ gồm: - Tập đoàn Novaland kiến nghị được tháo gỡ cho dự án 30,2ha tại phường Bình Khánh, Quận 2. Trước đó, Tập đoàn này cũng đã gửi đơn thu cầu cứu đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng vì đã đầu tư 6.000 tỷ đồng vào dự án này nhưng không thể triển khai do vướng rà soát liên quan đến thủ tục đấu giá đất công. Sự đình trệ kéo dài của dự án tiền tỷ ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. - Cty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Him Lam kiến nghị tháo gỡ cho dự án Khu nhà ở Him Lam, phường Phước Bình, quận 9, có diện tích 2,16ha với 34 nền nhà biệt thự, đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2003 và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực dự án từ năm 2010. - Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long kiến nghị tháo gỡ vướng mắc cho dự án Dragon City. Công ty Phú Long đã trúng đấu giá đất từ năm 2004 bao gồm 14 khu đất có diện tích 44,49 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè để thực hiện Dự án Dragon City. Công ty Phú Long đã thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá, hoàn tất nghĩa vụ tài chính đối với 14 khu đất theo đúng quy định và đã được Ủy ban nhân dân Thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để triển khai dự án. Tuy nhiên đến nay, tại Phân khu số 15 của Dự án Dragon City, vẫn còn tồn tại 01 căn nhà trên khu đất và một số hộ dân không chịu di dời dẫn đến hơn 16 năm nay Công ty Phú Long không thể triển khai dự án. - Công ty CP Bất động sản Sơn Kim kiến nghị tháo gỡ dự án Khu liên hợp cao ốc Trung tâm thương mại - văn phòng và căn hộ tại phường Thảo Điền, quận 2. Dự án đầu tư đã được Sở Xây dựng phê duyệt vào năm 2009 và điều chỉnh vào năm 2015 đã được Sở Tài nguyên Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 1 phần của Dự án. Phần còn lại chưa được cấp do những vướng mắc liên quan đến diện tích đất giao có thu tiền sử dụng đất. - Công ty Đại Phúc là chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Vạn Phúc có diện tích 198ha tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức. Hiện nay, tất cả hồ sơ xin đầu tư trong trường hợp này đều bị dừng lại, chưa được giải quyết. - Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố và các Sở, ngành liên quan hướng dẫn trình tự thủ tục để Công ty và Ủy ban nhân dân Quận 5 hoàn thành công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và thực hiện dự án Khu liên hợp Nhà ở - Văn phòng - Thương mại Tản Đà - Hàm Tử, phường 10, quận 5. - Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Saigonres) kiến nghị tháo gỡ dự án Dự án chung cư An Bình phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú. Nhưng cho đến nay, dự án vẫn chưa được tính tiền sử dụng đất để Công ty thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và làm thủ tục cấp "sổ đỏ" cho người mua nhà. |