Xu hướng “không thể đảo ngược” của thị trường CONDOTEL

LÊ SÁNG 28/02/2020 11:40

Tọa đàm trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho thị trường condotel” đã hội tụ được tâm tư, nguyện vọng của rất nhiều doanh nghiệp, chuyên gia và nhà quản lý “trong cuộc”.

Nói như ông Vũ Văn Thanh – Vụ trưởng Vụ khách sạn, Tổng Cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Condotel chưa có trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Chính vì vậy, những câu hỏi liên quan như tên gọi, cách sử dụng như thế nào… đều chưa có ranh giới rõ ràng, nên hiện tại du lịch mới có thống kê cho loại hình cơ sở lưu trú, loại hình kinh doanh du lịch chứ chưa có thống kê cho condotel.

Hy vọng thời gian tới, khi chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh sẽ tạo sự minh bạch của thị trường để hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc APEC Group

Theo tôi, khách hàng cần được cấp sở hữu tài sản trên đất và tách sổ quyền sử dụng đất tương ứng với diện tích đã mua. Nếu có thể làm như vậy thì mọi thứ sẽ trở nên rất minh bạch vì dự án được cấp thời hạn bao lâu sẽ cấp sổ lại cho khách hàng với thời gian tương ứng. Việc này sẽ giúp giải bài toán khơi thông dòng vốn cho dự án condotel.

Đối với nhà đầu tư thứ cấp, khi được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất và tách sổ quyền sử dụng đất tương ứng với diện tích họ sở hữu. Khi có pháp lý rõ ràng, khách hàng có thể dùng chính căn hộ condotel như tài sản đảm bảo để có thêm nguồn vốn đầu tư. Đó cũng là dòng vốn để thúc đẩy thị trường condotel phát triển tốt hơn.

Luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hừng Đông:

Tất cả các văn bản đã thừa nhận Condotel là phòng khách sạn được xây dựng dạng căn hộ để kinh doanh du lịch. Do đó, đất đai phải là đất thương mại dịch vụ. Do Luật không quy định khái niệm “đất ở không hình thành đơn vị ở”, nên tôi cho rằng phải đa dạng hình thức kinh doanh của loại hình này.
Chúng ta cần nới rộng chiếc áo pháp luật để chứa được và phát triển du lịch. Mục tiêu của Luật pháp là để ổn định thị trường và phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn chứ không phải để “không quản được thì cấm”.

Xu hướng “không thể đảo ngược” của thị trường

Đây là khẳng định của GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khi nói về condotel. Theo ông Võ, chúng ta đừng quá bận tâm đến tên gọi là condotel hay căn hộ du lịch mà cần xem xét đến bản chất của bất động sản du lịch, cũng như shophouse hay officetel... đó là bất động sản đa công năng, đa mục đích.

Đối với condotel, bản chất là condominium và hotel, tức là nó sẽ có phần dùng làm hotel, có phần làm chung cư. Tại Việt Nam, chúng ta đặt cho nó các khái niệm như là căn hộ du lịch, đất ở không hình thành đơn vị ở và thực tế đã có một số chủ đầu tư dùng để xin dự án các địa phương phê duyệt dự án.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải cứu condotel giữa "mùa bão corona"

    11:02, 28/02/2020

  • Văn bản 703 của Bộ TN&MT: Thúc đẩy niềm tin cho nhà đầu tư CONDOTEL

    18:35, 27/02/2020

  • Tháo gỡ khó khăn cho thị trường CONDOTEL

    11:30, 27/02/2020

  • Pháp lý cho Condotel: Đừng lấy pháp luật hiện hành làm trọng.

    11:49, 21/02/2020

  • Condotel chưa thể "khai sinh"

    08:00, 20/02/2020

Trong Luật Đất đai 2003 đã có quy định rõ một thửa đất có thể sử dụng vào nhiều mục đích với mục đích chính là để ở và tiền sử dụng đất hay chế độ sử dụng đất được tính theo mục đích chính, do đó, nếu theo đó thì condotel không có vấn đề gì tồn tại vì bản chất của nó là một loại hình bất động sản đa công năng hay thửa đất được sử dụng vào nhiều mục đích.

Hơn nữa, như ông Vũ Văn Thanh – Vụ trưởng vụ khách sạn, Tổng Cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch: Tiềm năng phát triển của du lịch Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, nếu chúng ta làm tốt hơn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, đồng bộ và tư duy chính sách thì hàm lượng khách sẽ còn tăng hơn nữa.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chí Thanh – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, Hội cũng tổ chức nhiều đoàn đi khảo sát ở nước ngoài, từ đó chúng tôi đánh giá rằng thực sự thị trường condotel đang còn nhiều dư địa phát triển và là phân khúc hấp dẫn các nhà đầu tư.

"Do đó, với tiềm năng phát triển du lịch sẵn có của Việt Nam, chúng tôi đánh giá tiềm năng phát triển condotel trong 10-20 năm tới là rất tốt, quan trọng là chúng ta rút kinh nghiệm được từ những thành công của mô hình tương tự đi trước của thế giới" - ông Thanh bày tỏ.

Lực đẩy từ “bàn tay hữu hình”

Nói như ông Võ, điểm quan trọng nhất là việc sử dụng đất và công năng của một công trình xây dựng được quy định trong Luật Đất đai vẫn chưa rõ. Văn bản 703/2020/BTNMT-TCQLĐĐ mới đây của Bộ TN&MT đã chỉ ra việc theo Luật Du lịch thì condotel là căn hộ du lịch và nó là để kinh doanh, mà để kinh doanh thì chế độ sử dụng đất là theo đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.

Ở vị trí của cơ quan soạn thảo văn bản “dậy sóng” dư luận này, bà Phạm Thị Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Văn bản 703 cũng đã hệ thống lại các quy định hiện hành liên quan của pháp luật. Tuy nhiên, chúng ta cần có một số điều cần hướng dẫn tiếp nữa, cấp giấy chứng nhận cho công trình xây dựng chứ không cấp chứng nhận cho quyền sử dụng đất.

Ông Hoàng Liên Sơn – Tổng Giám đốc Alpha Real thì cho rằng: Văn bản 703 của Bộ TN&MT đã tạo ra cho thị trường một tâm lý tốt khi giải tỏa được hai vấn đề là chủ đầu tư được cấp dự án đất lâu dài đồng nghĩa sẽ được cấp cho khách hàng một tòa condotel với mức thời hạn sử dụng dài tới 50 năm. Với việc du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn hiện nay, nếu condotel được phát triển bởi các chủ đầu tư có năng lực và có khả năng vận hành chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư thứ cấp.

Ông Bùi Xuân Hiền – Tổng Giám đốc Công ty CP Nhà Phương Nam Việt Nam chia sẻ: Có hai vấn đề cần hiểu rõ và đưa ra khung pháp lý phù hợp. Thứ nhất, giữa việc đăng ký và cấp quyền sở hữu đất Condotel. Từ lâu nay, chúng ta đang có nhiều thông tin chủ đầu tư Condotel chưa xin được giấy phép sở hữu đất Condotel khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Thứ hai, chủ đầu tư không thực hiện được cam kết thì đó là vấn đề thỏa thuận dân sự giữa chủ đầu tư và khách hàng. Đây là điều bình thường trong quan hệ đầu tư, kinh doanh, kể cả là bất động sản thông thường vẫn có tranh chấp này.

“Văn bản 703 của Bộ TN&MT đã thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư quay trở lại và đón nhận hào hứng với các dự án uy tín” - ông Hiền nhấn mạnh.

Xu hướng thị trường không thể đảo ngược vì vậy condotel rất cần được “kiềng ba chân: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài Nguyên Môi trường và Bộ Xây dựng phối hợp xây dựng chính sách để đưa kinh tế du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Do đó, thời gian tới, chúng ta nên đồng bộ về hạ tầng, đồng bộ về tư duy chính sách để Việt Nam có thể phát triển du lịch.

LÊ SÁNG