[TP.HCM GỠ KHÓ CHO CÁC DỰ ÁN HÀNG TUẦN]: 3 dự án nhà ở được "đi tiếp"
UBND TP.HCM vừa chỉ đạo giải quyết khó khăn cho dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên; dự án khu dân cư phía Đông rạch Bà Cua; và Quy hoạch phân khu số 14 khu nhà ở Nguyễn Hữu Thọ, Nhà Bè.
Cụ thể, với khu dân cư phía Đông rạch Bà Cua (phường Phú Hữu, quận 9), sau nhiều năm ách tắc, UBND thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát tổng thể đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000.
Ngoài ra cần đánh giá nhu cầu sử dụng đất, định hướng phát triển đô thị trong tương lai cũng như hiện trạng, tình hình sử dụng đất, khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật hiện nay.
Với dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên (huyện Bình Chánh), Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần thống nhất với công ty Lê Thành về tầng cao xây dựng công trình, phương án sử dụng mương thoát nước nội đồng cắt qua dự án. Sau khi xác định các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc khác của dự án, thành phố sẽ lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000.
Dự án thứ ba là khu nhà ở đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè (phân khu số 14). Thành phố chấp thuận điều chỉnh chức năng quy hoạch sang khu nhà ở thấp tầng với quy mô dân số khoảng 356 người. Dự án được quy hoạch là khu thương mại - dịch vụ và văn phòng cao 21 tầng. Việc điều chỉnh sẽ giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc trên tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ.
Trước đó, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Lê Thành nêu lên nhiều khó khăn khi triển khai dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Theo ông Nghĩa, khi triển khai dự án 2.160 căn hộ nhà ở xã hội này, Lê Thành đang gặp nhiều khó khăn vì bị kẹt hồ sơ.
Theo phê duyệt, dự án là cao 15 tầng, mật độ xây dựng 30% nhưng hệ số sử dụng đất chỉ được cho là 2.0. Trong khi đó, chủ đầu tư cho rằng hệ số sử dụng đất này dành cho khu nhà thấp tầng, không phù hợp với khu đất được qui hoạch là nhà cao tầng.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp bất động sản TP.HCM đối mặt nỗi lo mới
06:00, 11/02/2020
Ách tắc thủ tục gây khó cho doanh nghiệp bất động sản TP.HCM
04:00, 05/09/2019
Nguồn cung bất động sản TP.HCM sẽ khan hiếm
07:00, 20/01/2019
Bất động sản TP.HCM đối diện với 6 mối lo
20:00, 06/01/2019
Doanh nghiệp địa ốc vượt khó ra hàng
06:00, 17/03/2020
Điểm tắc thứ hai nằm ở ranh đất thực hiện dự án. Cụ thể, Lê Thành đề nghị UBND TP.HCM ban hành Quyết định chủ trương đầu tư có tổng diện tích đất trên 34.011 m2.
Trong đó, 32.680 m2 thuộc phần đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Lê Thành đã nhận chuyển nhượng. Phân diện tích 1.331 m2 còn lại là đường đi nội đồng và mương thoát nước nội đồng, chỉ chiếm tỷ lệ 3,9% tổng diện tích đất dự án.
Trong thời gian chờ ý kiến của các Sở và để nhanh chóng được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, Lê Thành đã điều chỉnh cắt bỏ phần diện tích đường đi nội đồng và mương thoát nước ra khỏi ranh đất dự án.
Tuy nhiên, UBND huyện Bình Chánh đã có công văn số 75/UBND (9/1/2020) đề nghị Lê Thành cần phải đưa phần diện tích đất nêu trên vào ranh giới thực hiện dự án và phải đấu giá.
Đối với phần đất này, Lê Thành đề nghị UBND TP.HCM cho doanh nghiệp thuê 50 năm vì dự án nhà ở xã hội này là để cho thuê.
Liên quan đến dự án khu dân cư phía Đông rạch Bà Cua, cuối năm 2016, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 6633/QĐ-UBND duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án qui hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 KDC phía Đông rạch Bà Cua.
Theo đồ án được phê duyệt, khu vực điều chỉnh cục bộ qui hoạch có diện tích 40.928 m2, bao gồm các lô đất có kí hiệu I-17, I-18, I-25 và đường giao thông cấp phân khu vực trên bản vẽ tổng mặt bằng qui hoạch sử dụng đất của đồ án.
Về ranh giới, phía Đông giáp ô phố I-11 và đường giao thông cấp phân khu vực; phía Tây giáp ô phố I-22; phía Nam giáp ô phố I-4 và phía Bắc giáp đường giao thông cấp phân khu vực.
Sở Xây dựng TP.HCM vừa hoàn chỉnh dự thảo để Thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan về các nội dung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn. Theo Sở Xây dựng, từ tháng 12/2015 đến nay, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư 63 dự án nhà ở thương mại có nguồn gốc đất do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng. Tất cả các dự án này đều được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được duyệt. Để “gỡ khó” cho doanh nghiệp bất động sản, Sở Xây dựng có văn bản trình, để UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án: “Diện tích đất có nguồn gốc do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng, nếu đã được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được duyệt hoặc đã có văn bản của cơ quan thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án xây dựng nhà ở hoặc đã được ghi trong quyết định thu hồi đất khi giải phóng mặt bằng là để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì diện tích đất đó được coi là đất ở”. |