Bất động sản Đà Nẵng mùa COVID-19 (KỲ I): Đóng cửa “trốn dịch”

HƯƠNG GIANG 19/03/2020 06:00

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đang khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản lao đao. Tại Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã “ngấm đòn”, nhiều công ty phải đóng cửa để “trốn dịch”.

Đường 2/9, con đường một thời được mệnh danh là “con đường bất động sản” rất dễ nhận thấy không khí ảm đạm bao quanh các doanh nghiệp địa ốc tại đây.

Nhiều dự án trên địa bàn Đà Nẵng đang "bất động" giữa mùa dịch

Trong cuộc trò chuyện mới đây, Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản có trụ sở trên đường 2/9 cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi chủng mới COVID-19, dù không muốn nhưng anh buộc lòng phải đóng cửa công ty từ đầu tháng 3/2020.

Nhân viên "nghỉ dài hạn"

Vị Giám đốc này cho biết, công ty của anh hiện có khoảng 20 nhân viên hành chính, nếu đóng cửa thì tính tất cả các chi phí mỗi ngày thiệt hại khoảng hơn 8 triệu đồng, nhưng không đóng cửa không được bởi phòng bệnh hơn chữa bệnh.

“Hơn nữa nếu có mở cửa thì nhân viên cũng không dám đi làm, nếu đi làm cũng không có tâm trạng nào để làm. Đó là chưa kể nếu mời khách tư vấn dự án khách cũng không đi vì tâm lý e ngại dịch bệnh” - vị này nói.

Dạo một vòng trên đường 2/9 - con đường một thời được mệnh danh là “con đường bất động sản” dễ nhận thấy không khí ảm đạm bao quanh. Tại trụ sở một số công ty, thay vì cảnh tấp nập vào ra, quần là áo lượt, xe tay ga bóng loáng thì hiện nay rất vắng vẻ.

Lãnh đạo nhiều công ty cho biết đang cho nhân viên “nghỉ dài hạn” do ảnh hưởng của COVID-19. Bi đát hơn, trước tình hình COVID-19 và nguồn cung thị trường đang khan hiếm, nhiều công ty đóng cửa im lìm từ Tết Nguyên đán và hiện vẫn chưa có dấu hiệu mở cửa hoạt động trở lại.

Có thể bạn quan tâm

  • Bất động sản Đà Nẵng loại trừ nguy cơ bong bóng

    06:30, 18/02/2020

  • Bất động sản Đà Nẵng tiếp tục khan hiếm nguồn cung

    06:00, 14/02/2020

  • Khung pháp lý cho bất động sản đa năng

    10:29, 21/06/2019

  • Bất động sản Đà Nẵng thiếu hụt nguồn cung cao cấp

    08:00, 20/12/2018

  • Bất động sản Đà Nẵng: Cảnh báo nước ngoài... mua chui

    20:14, 08/10/2015

  • Bất động sản Đà Nẵng tiếp tục hút giới đầu tư

    06:00, 28/08/2018

Giám đốc một công ty trên đường Nguyễn Hữu Thọ cho hay dù mỗi tháng phải trả mặt bằng gần 40 triệu, lương hơn 150 triệu, bảo hiểm khoảng 30 triệu nhưng vẫn phải đóng cửa công ty từ Tết đến nay – đã hơn 1 tháng.

“Dù khó nhưng để đảm bảo an toàn cho nhân viên, tôi buộc phải dừng các hoạt động. Cũng may là dù lương giảm nhưng nhân viên đồng lòng, luôn gắn bó với công ty, sau này khi ổn định thì làm bù vào những lúc khó”, anh này lạc quan.

Bên cạnh việc đóng cửa thì một số công ty cũng hoạt động nhưng mang tính chất cầm chừng, chỉ một số bộ phận quan trọng phải có mặt tại công ty còn nhân viên kinh doanh thì được “ở nhà”.

“Công ty em cho tất cả nhân viên nghỉ từ ngày 9/3, tuần này thì một số bộ phận đi làm lại nhưng nhân viên kinh doanh thì chắc sẽ nghỉ hết tuần này, có khi hết tháng 3 nếu tình hình về dịch bệnh không được cải thiện”, phụ trách truyền thông một DN cho biết.

Theo nhiều doanh nghiệp bất động sản Đà Nẵng, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài có khả năng “làn sóng” các công ty đóng cửa sẽ tiếp tục gia tăng để giảm tải các chi phí và hệ quả là một lượng lớn người lao động liên quan đến ngành nghề này sẽ rơi vào tình cảnh thất nghiệp trong vài tháng tới.

Tác động đến mọi phân khúc

Báo cáo mới đây của CBRE Việt Nam cho thấy, trong những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh  COVID-19 đã tạo ra một mảng tối cho nền kinh tế trên toàn cầu, trong đó có khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Và với những ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19, CBRE đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương từ 4,2% xuống còn 4% trong năm 2020.

Riêng với thị trường bất động sản Việt Nam, báo cáo của CBRE Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm khá lớn trên hầu như mọi phân khúc bao gồm: Bất động sản bán lẻ, bất động sản du lịch - khách sạn, bất động sản công nghiệp và kho vận, nhà ở bán...

Nguyên nhân là do khách thuê đã hoãn lại các quyết định thuê mặt bằng văn phòng, các cửa hàng bán lẻ cũng chịu áp lực do do sụt giảm đáng kể lượng khách mua sắm, chưa biết tình trạng thời gian tới như thế nào. Đây cũng là thách thức lớn cho các dự án trung tâm thương mại mới trong việc tìm kiếm những khách thuê đầu tiên.

Với phân khúc bất động sản du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu hụt lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc – vốn chiếm đến 56% lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam (số liệu năm 2019). Chỉ riêng tại thị trường Nha Trang, số liệu từ Sở Du lịch Khánh Hòa ghi nhận sụt giảm 75% khách du lịch quốc tế và 82% khách du lịch nội địa trong tháng 2/2020 so với cùng kỳ năm trước.

Trong phân khúc nhà ở bán, báo cáo của CBRE cho thấy, hiện nay các chủ đầu tư cũng như công ty môi giới buộc phải tạm hoãn lại các hoạt động mở bán dự án vì tâm lý tránh tụ tập đông người trong lúc dịch bệnh bùng phát.

Mặc dù hiện nay tình hình COVID-19 đang khó tiên đoán, nhưng bà Phạm Ngọc Thiên Thanh - Quản lý cấp cao, bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam cho rằng, với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, COVID-19 chỉ tác động tiêu cực ngắn hạn đến nền kinh tế nói chung, cũng như thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng.

Bất động sản Đà Nẵng mùa COVID-19 (KỲ II): Dè dặt mở bán

HƯƠNG GIANG