Bất động sản Đà Nẵng mùa COVID-19 (KỲ III): Những buổi mở bán ồn ào chỉ còn trong quá khứ

THU GIANG 23/03/2020 06:00

Các chuyên gia cho rằng, những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra cũng là cơ hội để thị trường bất động sản thanh lọc và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Khung cảnh nhộn nhịp của những buổi lễ mở bán dự án như thế này tại Đà Nẵng chỉ còn là quá khứ

Khung cảnh nhộn nhịp của những buổi lễ mở bán dự án như thế này tại Đà Nẵng chỉ còn trong quá khứ

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp mới đây, CEO một doanh nghiệp bất động sản tiếc nuối về khoảng thời gian 2018 khi thị trường bất động sản tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận còn nóng sốt. “Lúc đó làm không hết việc, nhiều khi cả tuần không về nhà còn bây giờ chỉ ngồi chơi xơi nước, công ty tạm thời đóng cửa một phần vì dịch COVID -19, một phần vì thị trường quá khó”.

Dạo một vòng quanh thị trường bất động sản Đà Nẵng có thể thấy, từ đầu năm đến nay tình hình thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm, sức mua giảm mạnh. Thị trường đang vắng bóng nhà đầu tư, các dự án mới rất hiếm, chỉ những người có nhu cầu thực về nhà ở và có tiền tươi mới dám mua. 

“Nhiều nhà đầu tư đã chốt giá, đặt cọc, nhiều khách hàng tưởng chắc chắn đã xuống tiền nhưng sau đó lại hủy kèo”, CEO một doanh nghiệp chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Bất động sản Đà Nẵng mùa COVID-19 (KỲ II): Dè dặt mở bán

    Bất động sản Đà Nẵng mùa COVID-19 (KỲ II): Dè dặt mở bán

    07:30, 20/03/2020

  • Bất động sản Đà Nẵng mùa COVID-19 (KỲ I): Đóng cửa “trốn dịch”

    Bất động sản Đà Nẵng mùa COVID-19 (KỲ I): Đóng cửa “trốn dịch”

    06:00, 19/03/2020

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, bên cạnh nguyên nhân trực tiếp là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì việc nhiều dự án trên địa bàn TP Đà Nẵng và các tỉnh lân cận liên tục “dính chàm”, nhiều doanh nghiệp làm ăn chộp giật, nhiều dự án ma hoành hành, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng cũng góp phần không nhỏ làm cho thị trường thêm phần trầm lắng.

Chia sẻ với PV, ông Vũ Hồng Tâm – CEO Công ty Cổ phần Đầu tư Quản lý Bất Động Sản VIP bày tỏ quan điểm: Ngay từ thời điểm bùng phát dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã chủ động phòng vệ bằng cách cho nhân viên nghỉ việc tạm thời, mọi kế hoạch triển khai kinh doanh trước đó của doanh nghiệp gần như phải dừng lại và thay đổi, những thiệt hại mà doanh nghiệp bất động sản phải gánh là không nhỏ.

“Nhẩm tính sơ về các khoản tiền cố định doanh nghiệp phải trả như: Chi phí mặt bằng, điện nước, chi phí hoạt động kinh doanh, lãi ngân hàng, lương, bảo hiểm… làm gánh nặng chi phí doanh nghiệp ngày càng lớn trong khi mọi nguồn thu đều âm. Nếu tình hình dịch bệnh này kéo dài thời gian nữa, nhiều doanh nghiệp nhỏ chắc chắn sẽ không thể cầm cự hoặc khả năng cao nhất là đóng cửa”.

Cũng theo ông Vũ Hồng Tâm, mặc dù doanh nghiệp đã có những kịch bản đối phó với dịch COVID-19 ngay từ khi thông tin về dịch xuất hiện, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại diễn biến đã khác xa so với những gì ban lãnh đạo công ty dự báo nên nhiều khi công ty trong hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Dưới góc nhìn của mình, ông Đỗ Minh Dương - Một chuyên gia bất động sản nhận định, chính tâm lý e ngại đám đông và hạn chế tiếp xúc người lạ của khách hàng do dịch COVID-19 là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng ảm đạm này.

“Tuy nhiên, theo tôi một trong những nguyên nhân sâu xa là do thị trường khu vực này là nhỏ, sự lên xuống của thị trường vẫn phụ thuộc chủ yếu vào giới đầu cơ, “cá mập” đến từ khắp nơi trong cả nước nên việc “đứng bánh” cũng là lẽ tất yếu do thị trường cả nước cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, thậm chí những khó khăn ngày càng xuất hiện nhiều hơn” - ông Dương cho biết.

Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp là dịch COVID – 19 thì theo nhiều chuyên gia, việc nhiều doanh nghiệp làm ăn chộp giật, nhiều dự án ma hoành hành cũng góp phần không nhỏ làm cho thị trường vốn đã trầm lắng. Trong ảnh: Người mua bao vây chủ đầu tư, đơn vị phân phối để đòi quyền lợi tại một dự án

Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp là dịch COVID-19 thì theo nhiều chuyên gia, việc nhiều doanh nghiệp làm ăn chộp giật, nhiều dự án ma hoành hành cũng góp phần không nhỏ làm cho thị trường thêm phần trầm lắng. (Ảnh: Người mua bao vây chủ đầu tư, đơn vị phân phối để đòi quyền lợi tại một dự án)

Và tình cảnh này đã gây ra không ít hệ lụy khi nhiều doanh nghiệp bất động sản nhỏ và vừa, không ít sàn môi giới đứng trên bờ vực phá sản.

Khảo sát của Diễn đàn Bất động sản cho thấy, dù đã gần hết quý I/2020 nhưng số doanh nghiệp bất động sản có công ăn việc làm vẫn rất hạn chế do số dự án ra mắt tại Đà Nẵng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhiều doanh nghiệp đi tìm kiếm cơ hội tại các tỉnh thành khách như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế, thậm chí xa hơn là Quảng Bình nhưng tình hình cũng không khá hơn.

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp thì với những khó khăn trên, làn sóng doanh nghiệp có liên quan đến bất động sản đóng cửa sẽ tiếp tục cao.

“Nếu tính đến hết năm 2019, theo số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bất động sản là ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể cao nhất với 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% theo năm và 686 doanh nghiệp giải thể, tăng 39,4% thì trong năm 2020 con số này sẽ tăng gấp nhiều lần. Và Đà Nẵng cũng không nằm ngoài xu hướng đó” - vị CEO nói trên chua chát.

Cùng chung quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng: Với bối cảnh như hiện nay, sự thanh lọc sẽ diễn ra rất mạnh và thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ chỉ còn tồn tại những doanh nghiệp bất động sản lớn mạnh, có tiềm năng thực sự.

“Khó khăn này là cơ hội để doanh nghiệp chứng tỏ thực lực của mình, là tiền đề để minh chứng rằng, chỉ những doanh nghiệp có đủ sức mạnh, làm ăn chân chính mới có thể cạnh tranh và tiếp tục tồn tại trên thị trường” - ông Dương khẳng định.

KỲ CUỐI: Những tia hy vọng

THU GIANG