Phạt tiền chưa đủ sức răn đe chủ đầu tư om quỹ bảo trì
UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định xử phạt chủ đầu tư chung cư Hòa Bình Green City (số 505 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) do chậm bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị.
Theo đó, Công ty TNHH Hòa Bình - chủ đầu tư dự án chung cư Hòa Bình Green City bị phạt vi phạm hành chính với số tiền 125 triệu đồng.
“Nếu quá 10 ngày chủ đầu tư không tự nguyện chấp hành sẽ bị thực hiện cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật. Đồng thời, UBND TP cũng áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chủ đầu tư bàn giao ngay kinh phí bảo trì cho Ban quản trị theo quy định”, quyết định của UBND TP nêu rõ.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chỉ riêng tại Hà Nội và TP.HCM hiện vẫn còn hơn 400 tranh chấp, chiếm khoảng 10% trong tổng số nhà chung cư cả cũ và mới của hai địa phương này. Đặc biệt vẫn còn 54 chung cư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho Ban Quản trị.
Ngay từ đầu năm 2020, Bộ Xây dựng đã ban hành kế hoạch thanh tra về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư.
Tại Hà Nội có 16 dự án thuộc diện thanh tra gồm: Khu nhà ở Trung Văn của Công ty cổ phần Xây dựng số 3 (Vinaconex 3); chung cư tại Khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông) của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Hoàng Thành; Dự án 90 Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân), dự án CT2AB, CT2C Xuân Phương thuộc Khu đô thị mới Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) đều của Công ty cổ phần Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7…
Có thể bạn quan tâm
Thanh tra phí bảo trì hàng loạt chung cư tại Hà Nội, TP.HCM
06:00, 20/11/2019
4 lý do nên dừng thu phí bảo trì
10:44, 10/04/2019
Không nên thu phí bảo trì chung cư từ đầu
12:59, 16/03/2019
Phí bảo trì chung cư: Bỏ, hay giữ cách nào?
18:05, 12/03/2019
Vì sao Hà Nội phản đối cưỡng chế quỹ bảo trì chung cư?
06:00, 11/03/2020
Tại TP.HCM, một loạt dự án cũng nằm trong danh sách này như chung cư Khang Gia Tân Hương (Tân Phú); Hoàng Anh River View (Công ty Hoàng Anh Gia Lai); Chung cư Khánh Hội 2 (Công ty Đầu tư Dịch vụ Khánh Hội); chung cư Morning Start (Công ty Dịch vụ Xây dựng Địa ốc Xanh), chung cư Investco - Babylon (Công ty Xây dựng và phát triển Hồng Hà)...
Luật Nhà ở năm 2014 quy định, người mua căn hộ chung cư phải nộp phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng (trước thuế VAT) tại thời điểm nhận bàn giao nhà. Chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao phí bảo trì nhà chung cư cho Ban quản trị để quản lý, sử dụng.
Đối với các chủ đầu tư “chây ỳ” bàn giao phí bảo trì chung cư, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ chủ đầu tư sẽ bị phạt tiền từ 100 – 150 triệu đồng nếu có hành vi “Không bàn giao, bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ hoặc bàn giao không đúng đối tượng nhận kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định”.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Giám đốc Công ty Luật DC Counsel cho rằng, mức phạt tiền như nói trên chưa đủ sức răn đe và chưa xét đến tổng số tiền phí bảo trì chung cư nhiều hay ít. Bởi thực tế, chung cư nhỏ thì tiền phí bảo trì chỉ vài tỷ đồng, nhưng với chung cư quy mô vài ngàn căn hộ thì số tiền này rất lớn. Nếu có chủ đầu tư chiếm dụng phí bảo trì cả trăm tỷ đồng trong thời gian dài nhưng mức phạt cao nhất chỉ 150 triệu đồng thì chỉ như “muối bỏ bể”.
Theo luật sư Chánh, nên có quy định pháp luật về cưỡng chế chủ đầu tư giao phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị theo hướng các bên có thể khởi kiện ra toà theo Luật Dân sự. Có như vậy, quyền lợi của cư dân mới được đảm bảo, tất cả trên tinh thần thượng tôn pháp luật
Về phía Hiệp Hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) đề xuất về lâu dài cần ban hành Luật Chung cư. Bởi với nhu cầu của phát triển nhà ở, việc có những quy định cụ thể cho sự vận hành, quản lý đối với phân khúc ảnh hưởng tới số đông dân cư cần được dựa vào những căn cứ pháp lý vững chắc.