Quy định hồi tố Nghị định 20/2017: Sửa sai không khó!
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) vừa tiếp tục có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20.
Theo hướng cho phép hồi tố đối với các khoản thuế doanh nghiệp đã thực hiện kể từ năm 2017 đến nay.
Trước đó, ngày 12/3/2020, Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, ngày 24/2/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (Nghị định 20) theo hướng tăng khống chế chi phí lãi vay lên 30% thay vì mức 20% như quy định. Tuy nhiên, thay vì hồi tố cho phép doanh nghiệp được áp dụng điều khoản sửa đổi từ kỳ tính thuế năm 2017 (thời điểm Nghị định 20 có hiệu lực) đến nay, thì Dự thảo chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2019 trở đi.
Trả lại quyền lợi cho doanh nghiệp
Phía Bộ Tài chính cho rằng: "Dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 Điều 8 chỉ điều chỉnh một nhóm đối tượng có chi phí lãi vay vượt quá mức khống chế, không phải là lợi ích chung của xã hội" nên cần cân nhắc việc áp dụng hồi tố hiệu lực văn bản.
Điều này khiến các doanh nghiệp bất bình, bởi trước đó, việc tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ cho thấy, có 19/22 ý kiến của các thành viên Chính phủ ủng hộ việc hồi tố từ năm 2017 - thời điểm Nghị định 20 có hiệu lực.
Số đông thành viên Chính phủ đều thừa nhận quy định về trần lãi suất nêu tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP là không phù hợp, gây thiệt hại nghiêm trọng đến một bộ phận doanh nghiệp, do đó việc sửa đổi là tất yếu để bảo vệ lợi ích của những doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Nói cách khác, việc sửa đổi nhìn dưới một góc độ khác là việc khắc phục thiếu sót việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên cần thiết phải thực hiện một cách triệt để để không gây thiệt hại cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Có thể bạn quan tâm
Sửa đổi Nghị định 20/2017 để tạo công bằng cho doanh nghiệp
12:00, 07/04/2020
Sửa đổi Nghị định 20: VNREA tiếp tục kiến nghị Thủ tướng cho hồi tố với doanh nghiệp đã nộp thuế
17:16, 06/04/2020
[GÓC NHÌN TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU] Hồi tố khi sửa Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Khó đến thế hay sao?
05:05, 06/04/2020
Sửa Nghị định 20/2017: Không cho hồi tố thuế là không công bằng?
18:30, 05/04/2020
Theo quy định tại khoản 1 Điều 152 Luật Ban hành văn bản năm 2015 về hiệu lực trở về trước của văn bản pháp luật: "Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước".
Tuy nhiên, khái niệm lợi ích chung của xã hội là một khái niệm khá trừu tượng, một phần các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đương nhiên sẽ tác động đến xã hội, mỗi doanh nghiệp bị tác động không chỉ ảnh hưởng đến riêng doanh nghiệp mà nó kéo theo các hệ lụy khác như ảnh hưởng đến đối tác có liên quan, người lao động trong doanh nghiệp và gia đình họ …
Không thiếu giải pháp
Về phương án bồi hoàn cho người nộp thuế nếu áp dụng hồi tố từ năm 2017, theo lý giải của Bộ Tài chính, số thu của ngân sách nhà nước thấp hơn số phải bồi hoàn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng hay chưa có phê duyệt ngân sách nhà nước của năm 2020 cho việc này là không phù hợp.
Từ năm 2017, doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với nguy cơ thuế chồng thuế bởi Nghị định 20/2017/NĐ-CP, bên cho vay phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ lãi tiền vay, trong khi bên đi vay cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí tiền vay vượt mức khống chế. Như vậy, việc bồi hoàn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã và đang gây thêm tầng nấc khó khăn cho doanh nghiệp. Việc lấy lý do chưa bố trí ngân sách để bồi hoàn là không thỏa đáng.
Thời điểm hiện tại, chúng ta chưa thể bố trí ngân sách để hoàn lại, chưa có kế hoạch ngân sách chi trả cho việc này thì cần xây dựng lộ trình chi tiết để khắc phục: Có thể thực hiện theo phương án đối trừ với số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp hàng năm, từ đó không tạo áp lực cho ngân sách quốc gia và vẫn có thể giải quyết triệt để việc “sửa sai” do quy định pháp luật đã ban hành không phù hợp.
Về mặt pháp lý, không loại trừ việc có thể vận dụng linh hoạt Điều 47 Luật Quản Lý Thuế năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012. Có thể coi việc ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP khiến cho số thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp bị tính sai, thuế chồng thuế, bị tính thừa để làm cơ sở hoàn trả tiền thuế cho doanh nghiệp. Quá trình thực hiện với công cụ công nghệ thông tin và có giám sát thực hiện nghiêm túc thì sẽ không xảy ra cơ chế xin - cho.
Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, những doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng kép từ dịch bệnh và chính sách, nếu có thể áp dụng hồi tố từ năm 2017 sẽ như một cái phao cứu sinh để doanh nghiệp có thể sống sót.