Dự án Dragon Riverside Tincom Pháp Vân: 11 năm mòn mỏi chờ nhà
Ký hợp đồng ủy thác đầu tư từ năm 2009 với mục đích "giữ chỗ" quyền mua căn hộ tại dự án Tincom Pháp Vân, thế nhưng đến nay khách hàng vẫn đợi nhà trong vô vọng.
Trong đơn kêu cứu gửi Diễn đàn Doanh nghiệp mới đây, anh L.Q.T (Hà Nội), một khách hàng mua nhà tại dự án Tincom Pháp Vân cho biết, vợ anh là chị D.P.L - nhân viên công ty CP Tập đoàn đầu tư và Thương mại Thăng Long (Công ty Thăng Long) được suất đăng ký góp vốn mua nhà dự án theo "chính sách" của công ty.
Chủ đầu tư họ "hứa"
Tháng 10/2009, ngay sau khi Công ty Thăng Long được UBND TP. Hà Nội trao quyết định làm chủ đầu tư triển khai Dự án đầu tư xây dựng Tòa nhà Tincom Pháp Vân, thông qua Công ty CP Đầu tư và Quản lý tài sản Thế Hệ mới ký hợp đồng "ủy thác đầu tư" với khách hàng. Theo hợp đồng, khi hoàn thiện xong phần móng, bên mua phải đóng tiếp theo lịch đóng tiền (ngoài 20% số tiền đóng ban đầu).
Thực tế, đến đầu năm 2011, chủ đầu tư dù chưa hoàn thiện hạ tầng, móng cốt nhưng vẫn thông báo khách hàng đóng tiền tiếp. Số tiền đầu tư của anh T đã lên tới gần 700 triệu đồng. Theo cam kết của chủ đầu tư, đến quý IV/2011, dự án sẽ tiến hành bàn giao căn hộ.
Thế nhưng, mòn mỏi chờ nhà suốt 2 năm, chủ đầu tư cho đắp chiếu dự án và cũng không hề thông báo đến người mua về tiến độ. Đến tháng 11/2011, dự án vẫn chưa xong phần móng, chỉ là một đống ngổn ngang, hoen rỉ cùng thời gian, hợp đồng mua bán vẫn chỉ là "lời hứa".
Mặc dù đã xây quá phần móng nhưng CĐT Dragon Riverside Pháp Vân vẫn không đả động gì đến việc lập hợp đồng mua bán căn hộ cho khách hàng đã ký hợp đồng ủy thác đầu tư từ cách đây 11 năm.
Mất niềm tin vào Công ty Thăng Long, anh T làm đơn đề nghị rút vốn khỏi dự án. Tuy nhiên, phản hồi lại đơn đề nghị rút vốn của anh T, chủ đầu tư này lại cho rằng, bởi lẽ hợp đồng góp vốn trên dựa trên chính sách tạo điều kiện về nhà ở cho cán bộ nhân viên, và quy chế tại công ty này cũng quy định CBNV không có quyền hủy ngang số tiền góp vốn và hợp đồng ủy thác đầu tư. Do đó, mặc dù đã nhiều lần gửi yêu cầu thoái vốn nhưng đến nay anh T vẫn chỉ nhận được lý do trên kèm theo "không có nguồn tài chính để chi trả".
Không chỉ vợ chồng anh T, nhiều CBNV của Công ty Thăng Long rơi vào hoàn cảnh tương tự. Đơn cử như trường hợp của ông Phạm Văn Bàng (Nam Định), ký hợp đồng đầu tư với số tiền hơn 700 triệu đồng, chứng kiến dự án nhiều lần bị "tuýt còi", năm 2012 ông Bàng đã làm đơn đề nghị chấm dứt hợp đồng. Chật vật "săn" chủ đầu tư mãi ông mới được công ty Thăng Long chấp nhận đơn thoái vốn và hẹn thoái vốn chậm nhất vào tháng 10/2014. Bẽ bàng thay, chờ đợi suốt mấy năm, đến nay tiền ông vẫn chưa nhận lại đủ, nhà thì chưa thấy đâu.
Thay tên đổi chủ
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án Tincom Pháp Vân nằm trên khu đất rộng 56.440 m2 thuộc địa bàn xã Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. Theo thiết kế, dự án gồm 29 tầng cùng với 1 tầng lửng, 2 tầng kỹ thuật và 2 tầng hầm. Năm 2011, dự án này bị chính quyền địa phương "tuýt còi" yêu cầu dừng thi công do chưa có giấy phép xây dựng. Năm 2012, dự án tái khởi công, tuy nhiên chỉ thực hiện theo kiểu cầm chừng được mấy tháng rồi dừng tiếp.
Tới năm 2016, dự án này quay trở lại với cái tên lạ lẫm Dragon Riverside Pháp Vân. Ngỡ như khách hàng đã chờ đợi được đến ngày nhận nhà thì năm 2018, dự án một lần nữa theo lối cũ, dừng thi công. Đáng nói, theo đơn cầu cứu của anh L.Q.T, không chấp nhận hoàn vốn, dự án đã xây quá phần móng nhưng chủ đầu tư vẫn không đả động gì đến việc lập hợp đồng mua bán căn hộ cho khách hàng.
Theo ghi nhận thực tế, dự án đã thi công đến phần mái nhưng 2 năm nay không có dấu hiệu thi công trở lại. Liên hệ với số điện thoại của anh Trường, được giới thiệu là quản lý dự án này trong 2 năm gần đây thì không thể liên lạc được nữa.
Trả lời báo chí trước đó, ông Thang Văn Lương - Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Tập đoàn đầu tư và thương mại Thăng Long thừa nhận nguyên nhân khiến Công ty chưa trả được tiền thoái vốn cho những khách này là do Công ty đang gặp khó khăn về tài chính.
Đáng nói, dù kêu khó khăn trong chi trả thoái vốn nhà đầu tư, nhưng cùng thời điểm đó Công ty Thăng Long lại cho ra mắt dự án Imperial Plaza 360 Giải Phóng. Đây là tổ hợp khu nhà ở cao cấp được xây dựng trên diện tích đất khoảng 3,6 ha. Một dự án khác - Hà Nội Paragon trên địa bàn Quận Cầu Giấy cũng đã chậm tiến độ 3 năm.
KỲ II: Nguy cơ trắng tay mua nhà ở các dự án ma