Bộ TNMT: Doanh nghiệp người nước ngoài không được nhận chuyển quyền sử dụng đất

PHƯƠNG UYÊN 20/05/2020 06:31

Bộ Tài nguyên Môi trường (Bộ TNMT) vừa cho biết, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển quyền sử dụng đất mà chỉ được nhận chuyển nhượng vốn theo pháp luật đầu tư.

Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TNMT cho biết, nội dung quy định tại điều 5 Luật Đất đai năm 2013 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2014) nêu rõ cá nhân nước ngoài không phải là đối tượng sử dụng đất.

tổ hợp nghỉ dưỡng casino Crowne Plaza Danang (mở rộng) của ông chủ Trung Quốc sắp khai trương

Tổ hợp nghỉ dưỡng casino Crowne Plaza Danang của ông chủ Trung Quốc đang được mở rộng

Tổng cục Quản lý đất đai khẳng định, pháp luật về đất đai hiện hành chưa có quy định về việc giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, việc nhận quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài, nên không có việc chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. 

Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, pháp luật về đất đai quy định được đối tượng này được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong trường hợp thực hiện dự án ở xã đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển thì chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất khi được sự chấp thuận bằng văn bản của các bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, hoặc được thuê đất, thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Không được nhận chuyển quyền sử dụng đất mà chỉ được nhận chuyển nhượng vốn (trong đó giá trị quyền sử dụng đất đã được vốn hóa) theo pháp luật đầu tư.

Tổng cục Quản lý đất đai cũng cho biết, Luật Nhà ở 2014 đã quy định cho phép cá nhân nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện thì được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, do quy định của Luật Nhà ở chưa đồng bộ với quy định của Luật Đất đai nên chưa có cơ sở chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở. 

Đại diện Tổng Cục cho rằng thời gian tới cần phân định rõ nhà đầu tư sở hữu đa số cổ phần doanh nghiệp có được mở rộng hay thu hẹp mô hình doanh nghiệp không, nếu họ được quyền này đương nhiên liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. 

Trên thực tế tình trạng người nước ngoài lách luật, sở hữu những lô đất trọng yếu đã tồn tại nhiều năm qua và không ít lần được đưa ra xem xét, tuy nhiên đến nay các cơ quan chức năng vẫn “bó tay” vì luật cho phép. Các tỉnh, thành có người nước ngoài tập trung "sở hữu" đất đai thời gian qua là Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định, Hà Tĩnh và Bình Thuận…

Báo cáo của Bộ Quốc phòng cũng cho thấy từ năm 2011 - 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển Đà Nẵng có 134 lô đất, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc sở hữu, "núp bóng" sở hữu và thuê đất tại các vị trí dọc các khu đô thị ven biển, ven tường rào sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, khu đô thị phường Phước Mỹ.

Bên cạnh đó có 7 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc sở hữu một số lô đất ven biển và thuê đất 50 năm là: Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nguyên Thịnh Vượng nhận quyền sử dụng đất đối với 10 lô đất trên mặt đường Hoàng Sa, Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ SiiverPark mua 4 lô đất ở dải đất ven tường rào sân bay Nước Mặn, Công ty TNHH Silver Sea Triệu Nghiệp, đứng tên sử dụng 2 lô đất ở dải đất ven tường rào sân bay Nước Mặn.

Công ty TNHH thương mại du lịch & dịch vụ Hoàng Gia Trung, sử dụng 13 lô đất mặt đường Võ Nguyên Giáp, Công ty TNHH MTV Golden Wynn Đà Nẵng sử dụng 1 lô đất ở mặt đường Hoàng Sa, Công ty TNHH thương mại - du lịch và dịch vụ V.N. Holiday đã mua lại từ các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam sở hữu 20 lô đất ở dải đất ven tường rào sân bay Nước Mặn, Công ty TNIHH Silver Shores Hoàng Đạt thuê 200.000m2 đất, thời gian thuê 50 năm.

Để khắc phục tình trạng người Trung Quốc lách luật mua đất, về phía Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đang dự thảo Luật đầu tư sửa đổi theo hướng bổ sung quy định nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp có quyền sử dụng đất ở khu vực biên giới, hải đảo và các vùng nhạy cảm về an ninh quốc gia thì phải thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư cấp tỉnh để xem xét các điều kiện, thủ tục góp vốn có đáp ứng yêu cầu hay không. 

Kể cả trường hợp doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại các khu vực này thời gian tới đều phải lấy ý kiến và được sự đồng ý của các bộ Quốc phòng, Công an và Ngoại giao.

Có thể bạn quan tâm

  • Người nước ngoài “lách luật” sở hữu đất tại Việt Nam: Chính sách đi sau thực tiễn

    Người nước ngoài “lách luật” sở hữu đất tại Việt Nam: Chính sách đi sau thực tiễn

    06:00, 19/05/2020

  • [DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH TTHC] Loạt kiến nghị

    [DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH TTHC] Loạt kiến nghị "gỡ vướng" cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam

    06:51, 29/04/2020

  • Người Trung Quốc “núp bóng” thâu tóm đất: Vạch trần lỗ hổng trong góp vốn bằng quyền sử dụng đất

    Người Trung Quốc “núp bóng” thâu tóm đất: Vạch trần lỗ hổng trong góp vốn bằng quyền sử dụng đất

    05:10, 20/05/2020

  • Sự thật về những lô đất biển do người Trung Quốc sở hữu tại Đà Nẵng

    Sự thật về những lô đất biển do người Trung Quốc sở hữu tại Đà Nẵng

    05:30, 19/05/2020

  • Bác tin 200 hecta đất trên núi Hải Vân rơi vào tay người Trung Quốc

    Bác tin 200 hecta đất trên núi Hải Vân rơi vào tay người Trung Quốc

    19:59, 25/11/2019

PHƯƠNG UYÊN