Loạn quy hoạch vì “sinh con rồi mới sinh cha”
Bộ mặt đô thị bị “băm nát” cùng nhiều hệ lụy gây bức xúc xã hội, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân là bởi việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, theo ý chí chủ quan của các bên lợi ích…
Sau gần 30 năm đô thị hóa, hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Báo cáo gần đây của Bộ Xây dựng cho biết, công tác quy hoạch phát triển đô thị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng tại các đô thị chưa thực sự cao, năng lực cạnh tranh của đô thị còn thấp, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị phát triển chưa đồng bộ, không đáp ứng kịp thời tốc độ phát triển kinh tế và dân số dẫn tới nhiều hệ lụy, như ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, ngập lụt… đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM.
Báo cáo giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội đưa ra tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV cho thấy, nhiều vi phạm liên quan đến chậm triển khai dự án, tình trạng xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng đã được phê duyệt diễn biến phức tạp. Chậm lập, thẩm định, phê duyệt, vận dụng điều chỉnh và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất một cách tùy tiện, gây lãng phí, đồng thời gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài.
Số liệu trong báo cáo khiến nhiều người không khỏi “giật mình”, hiện cả nước có 1.390 dự án có điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần. Các điều chỉnh chủ yếu là tăng số lượng tầng cao thêm, tăng diện tích sàn thương mại, bổ sung nhà ở. Trong khi đó, giảm diện tích đất dành cho công cộng, giảm đất cây xanh, hạ tầng kỹ thuật. Các điều chỉnh khác quy hoạch ban đầu này làm ảnh hưởng đến hạ tầng kỹ thuật, giao thông, lợi ích chung của người dân.
Điển hình như gần đây, dư luận từng xôn xao việc hàng trăm hộ dân sống tại Khu đô thị Ciputra (Khu đô thị Nam Thăng Long, Hà Nội) bất bình trước đề xuất điều chỉnh quy hoạch giai đoạn 2 của chủ đầu tư và đồng loạt ký tên phản đối việc này gửi UBND TP. Hà Nội.
Cư dân bức xúc khi cho rằng, chủ đầu tư đã xây dựng đồ án quy hoạch điều chỉnh trong khu đô thị. Trong đó, một ô đất trước quy hoạch 5 tòa nhà với chiều cao từ 5 - 47 tầng thì nay được đề xuất điều chỉnh tăng thành 8 tòa cao từ 45 - 68 tầng. Một lô đất diện tích gần 13.400 m2 có chức năng bãi đỗ xe nay xin điều chỉnh, chuyển sang hạ ngầm bãi đỗ xe và kết hợp kinh doanh thương mại. Còn tại ô đất TM-13 diện tích gần 55.000 m2, vốn quy hoạch làm khu thương mại hỗn hợp, sân, vườn và đường nội bộ thì nay được đề xuất chuyển thành đất hỗn hợp thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở cao tầng với dân số gần 3.000 người.
Hay mới đây nhất, dự án Tòa nhà hỗn hợp Tháp Doanh nhân, một công trình do Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Tây Đô (thuộc Tập đoàn Anh Quân Strong) làm chủ đầu tư tại phường Mỗ Lao, quận Hà Đông dù đã khởi công từ năm 2010, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2013 nhưng từ đó cho tới nay, dự án này liên tục dính hàng loạt bê bối. Hàng trăm người dân nộp tiền mua căn hộ tại đây đã mòn mỏi chờ đợi suốt 10 năm nhưng chưa được nhận nhà.
Đáng chú ý khi thời gian gần đây, nhiều cơ quan báo chí liên tục thông tin việc chủ đầu tư dự án này ngang nhiên “hô biến” 8 tầng khách sạn, văn phòng thành 119 căn hộ thương mại khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Theo đó, chủ đầu tư đã thay đổi thiết kế, công năng của 8 tầng văn phòng, khách sạn (từ tầng 37 – 45) thành 119 căn hộ thương mại và rao bán rầm rộ trên các phương tiện thông tin, truyền thông và internet. Điều đáng nói ở chỗ, vi phạm của chủ đầu tư đã được chính quyền quận Hà Đông và phường Mộ Lao phát hiện từ sớm nhưng không hiểu vì lý do gì mà những hành vi đó không hề bị ngăn chặn, xử lý triệt để.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hàng loạt lý do được viện dẫn để xin điều chỉnh cục bộ và không tuân thủ theo quy hoạch đã để lại những hệ lụy xấu cho đô thị. Nguyên nhân của tình trạng này được cho là từ nhiều lý do bao gồm: Công tác lập quy hoạch chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; thực thi quy hoạch chưa đồng bộ hoặc bị điều chỉnh khác so với quy hoạch được duyệt; và cuối cùng đến từ việc giám sát thực hiện quy hoạch.
Còn nhớ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) đã đặt câu hỏi làm nóng nghị trường: "Có hay không việc nhiều chủ đầu tư chỉ đạo quy hoạch"?
Trả lời cho câu hỏi này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: "Bộ chưa có thông tin đầy đủ, song không loại trừ quy hoạch chi tiết bị điều chỉnh do sức ép nào đó. Ngoài nguyên nhân do cố tình, không thể không kể đến phương pháp quy hoạch đất đai hiện nay còn hạn chế, thiếu tầm nhìn, công tác dự báo chưa theo kịp sự phát triển, chưa tính đến năng lực của chủ đầu tư.
Có thể bạn quan tâm