Luật Đất đai: Lùi sửa đổi để vá khiếm khuyết

PGS.TS DOÃN HỒNG NHUNG - Giảng viên Cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội 27/05/2020 11:10

Tại phiên họp sáng 22/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rút Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XVI .

Động thái này được giải thích là để Luật Đất đai sửa đổi đảm bảo chất lượng, tính khả thi và dự báo được các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

p/Luật Đất đai hiện chưa có quy định về thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.p/Dự án BT nút giao quốc lộ 5 với đường Nguyễn Văn Cừ. Ảnh: Chiến Công

Luật Đất đai hiện chưa có quy định về thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Dự án BT nút giao quốc lộ 5 với đường Nguyễn Văn Cừ. Ảnh: Chiến Công

Quan điểm chính trong việc Chính phủ và Quốc hội lùi thời gian Dự án Luật Đất đai sang năm 2021 để Chính phủ và các Bộ ngành có thêm thời gian nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất nội dung sửa đổi trong Luật Đất đai, khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị.

Những điểm nghẽn cần được khơi thông

Những điểm vướng mắc lớn có thể kể đến như các vấn đề liên quan đến Khung và Bảng giá đất, tình trạng người dân không kê khai trung thực giá trị mua bán nhằm tránh thuế dẫn đến việc khó có được thông tin thống kế chính xác về giá trị bất động sản trong giao dịch.

Bảng và Khung giá đất hiện tại thấp hơn thực tế nhiều lần cũng dẫn đến việc khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng khi người dân không hợp tác với Nhà nước vì giá được thanh toán thấp nhiều lần so với thị trường, nảy sinh nhiều tranh chấp và khiếu kiện kéo dài.

Điểm vướng lớn thứ hai mà các doanh nghiệp và thị trường Bất động sản kỳ vọng vào Luật Đất đai sửa đổi sắp tới sẽ giải quyết là việc chưa có quy định rõ ràng, cụ thể liên quan đến các mô hình đầu tư kinh doanh bất động sản kiểu mới như Condotel; Officetel; Shophouse,… khiến cho các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm trên vẫn đang loay hoay chờ hành lang pháp lý.

Một điểm vướng nữa mà doanh nghiệp mong chờ Luật Đất đai sửa đổi sắp tới sẽ giải quyết triệt để là tình trạng chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn giữa Luật Đất đai và các Luật khác như các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Du lịch...

Thời gian từ nay cho đến thời điểm trình dự án sửa đổi Luật Đất đai ra Quốc hội khóa tới là rất quan trọng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các Bộ ngành kết hợp với hoạt động thông tin truyền thông để ghi nhận thực tế, tập hợp những ý kiến đóng góp của các chuyên gia có kinh nghiệm chuyên môn cả trong và ngoài nước và đông đảo nhân dân để đảm bảo chất lượng, tính khả thi của dự án Luật Đất đai sửa đổi.

Cần nhiều ý kiến đóng góp

Trong giai đoạn chờ đợi sự điều tiết của Luật Đất đai, vừa qua Chính phủ và các Bộ ngành đã có những động thái rất tích cực trong việc từng bước tháo gỡ những vướng mắc lớn của thị trường như Nghị định số 25/2020/NĐ-CP hay văn bản 703/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 14/02/2020...

Hiện nay doanh nghiệp và người dân vẫn hoàn toàn có thể chủ động các hoạt động đầu tư kinh doanh liên quan đến đầu tư bất động sản. Dù chưa kịp sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn có thể yên tâm đầu tư trên mảnh đất của mình bởi trong Bộ luật dân sự năm 2015, chúng ta bảo hộ quyền sở hữu tài sản, quyền sở hữu bề mặt, chính vì thế nên tài sản gắn liền với đất vấn được Nhà nước bảo vệ.

Sắp tới sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 trong thời gian bao lâu còn phụ thuộc vào từng bước, từng giai đoạn để rà soát, chỉnh sửa, bổ sung. Tôi cho rằng, việc này cần phải triển khai quyết liệt, triệt để, hướng sửa đổi phải đa dạng, nhiều chiều và cơ bản để hạn chế tối đa các điểm còn khiếm khuyết thiếu tính khả thi trong Luật Đất đai năm 2013 và phải thực hiện trong năm 2021.

Một điểm nữa cũng cần nhấn mạnh là bản thân cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng trong thời gian chờ Luật cũng cần tích cực nói lên tiếng nói, kiến nghị cũng như nguyện vọng của mình qua các kênh thông tin, truyền thông chính thống. Hiệp hội bất động sản, Hội môi giới bất động sản...

Việc này sẽ góp thêm nhiều tiếng nói và cũng là một kênh để các nhà hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật tham gia góp ý nhằm thúc đẩy việc việc sửa đổi Luật Đất đai nhanh và thực sự mang “hơi thở của cuộc sống”. Đây là động lực để khai phóng sức mạnh của ý thức mong mỏi góp phần thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và đúng hướng.

Có thể bạn quan tâm

  • Luật Đất đai không cho phép cấp quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp nước ngoài

    Luật Đất đai không cho phép cấp quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp nước ngoài

    14:52, 25/05/2020

  • Nhiều “nút thắt” ở Luật Đất đai chưa được tháo gỡ

    Nhiều “nút thắt” ở Luật Đất đai chưa được tháo gỡ

    09:36, 09/05/2020

  • Thời điểm vàng tập trung sửa đổi Luật đất đai 2013

    Thời điểm vàng tập trung sửa đổi Luật đất đai 2013

    15:30, 22/04/2020

  • Chính thức lùi thời gian sửa Luật Đất đai

    Chính thức lùi thời gian sửa Luật Đất đai

    16:35, 21/04/2020

PGS.TS DOÃN HỒNG NHUNG - Giảng viên Cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội