Lãnh đạo Bộ Xây dựng: Giải pháp cấp bách hậu COVID-19 là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

PHƯƠNG UYÊN 12/06/2020 10:09

Đây là giải pháp cấp bách được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đưa ra tại Hội thảo “Giải pháp phục hồi thị trường bất động sản hậu COVID-19” tổ chức vào sáng 12/6 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế nói chung, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020; số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ trưởng

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh tại Hội thảo “Giải pháp phục hồi thị trường bất động sản hậu COVID-19” do Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Báo Xây dựng tổ chức

Cụ thể, giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định, Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung sau: Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để hỗ trợ trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Cho phép áp dụng một số quy định tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng có hiệu lực kể từ ngày thông qua Luật: Miễn giấy phép xây dựng đối với công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng; Bãi bỏ thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Bộ Xây dựng và phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt.

-  Vậy một số giải pháp phục hồi cấp bách được Bộ Xây dựng đặt ra trong bối cảnh hậu COVID-19 hiện nay là gì thưa Thứ trưởng?

Đối với thị trường BĐS có 2 nhóm giải pháp chính gồm giải pháp cấp bách trước mắt và giải pháp lâu dài, cụ thể như sau:

Giải pháp cấp bách trước mắt, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội: Cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 04 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, lựa chọn, tổng hợp danh mục các dự án nhà ở xã hội đang triển khai dở dang, có thể tiếp tục triển khai trong năm 2020 để các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và danh mục các dự án nhà ở phục vụ công nhân khu công nghiệp để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Sửa đổi, bổ sung theo quy trình rút gọn một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội như cơ chế dành quỹ đất 20%, về xác định lợi nhuận định mức, về hoàn trả nghĩa vụ tài chính, về tăng cường sự quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội...

Giải pháp lâu dài: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật như: sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng... về các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục thực hiện quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư, giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, xác định chế độ sử dụng đất, về chuyển nhượng, chuyển đổi dự án đầu tư

Sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 theo hướng tăng số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu trong mỗi một tòa nhà chung cư; cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản du lịch tại Việt Nam.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hình thức liên thông, cắt giảm thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết, hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng các dự án bất động sản.

- Các giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp (căn hộ chung cư có quy mô dưới 70m2, giá bán không vượt quá 20 triệu đồng/m2) được đặt ra như thế nào thưa Thứ trưởng?

Bộ Xây dựng hiện đang nghiên cứu, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp với một số giải pháp dự kiến như sau:

Về quy hoạch: Khi lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải bố trí tỷ lệ quỹ đất ở để xây dựng nhà ở thương mại giá thấp (dự kiến tối thiểu 30% tổng diện tích đất ở trong dự án).

Về đất đai: Được giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án; trường hợp chủ đầu tư dự án đã có quyền sử dụng đất (đã trả tiền sử dụng đất theo quy định) thì sẽ được hoàn trả 50% tiền sử dụng đất theo giá đất quy định tại địa phương sau khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, thẩm định.

Được chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn tối đa 24 tháng (02 năm) kể từ ngày được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Về thủ tục đầu tư xây dựng: Được miễn thủ tục thẩm định bước thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở (theo quy định của Luật Xây dựng sửa đổi áp dụng đối với các dự án sử dụng vốn khác ngoài ngân sách).

Trường hợp dự án đã thực hiện thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế  cơ sở thì được miễn cấp giấy phép xây dựng (có hiệu lực ngay sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được thông qua).

- Nguồn vốn dành cho phân khúc này sẽ được chủ đầu tư huy động như thế nào thưa Thứ trưởng?

Chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại giá thấp được huy động vốn từ các nguồn hợp pháp theo quy định tại Điều 69 Luật Nhà ở 2014 (gồm: Vốn thuộc sở hữu của chủ đầu tư; vốn huy động thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tiền mua, tiền cho thuê, tiền thuê nhà ở trả trước theo hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; vốn vay từ tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính đang hoạt động tại Việt Nam).   

Chủ đầu tư được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

- Vâng! Xin cảm ơn Thứ trưởng.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiều nước trên thế giới đã bỏ mô hình nhà ở xã hội

    Nhiều nước trên thế giới đã bỏ mô hình nhà ở xã hội

    06:00, 29/05/2020

  • TP.HCM đề xuất chuyển đổi căn hộ cao cấp sang nhà ở xã hội

    TP.HCM đề xuất chuyển đổi căn hộ cao cấp sang nhà ở xã hội

    10:02, 12/05/2020

  • [DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH TTHC] Nhà ở xã hội cần tiếp tục được “gỡ vướng”

    [DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH TTHC] Nhà ở xã hội cần tiếp tục được “gỡ vướng”

    06:10, 04/05/2020

  • Các gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội có đi đúng hướng?

    Các gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội có đi đúng hướng?

    08:30, 02/05/2020

PHƯƠNG UYÊN