Sài Thành “đất vàng” phiêu lưu ký (KỲ IV): Làm sao để tốt cho cả hai?
Sau những đại án đất “vàng” với những cán bộ cấp cao "ngã ngựa", sau những niềm tin mất mát còn đâu đó bóng dáng của những doanh nghiệp chơi vơi khi “tâm tư biết ngỏ cùng ai”.
“Người thứ ba”
Lại nói về câu chuyện đất vàng tại số 8-12 đường Lê Duẩn (quận 1). Dù sai phạm được chỉ rõ liên quan đến khu đất này là giao đất không qua đấu thầu, tuy nhiên quay ngược lại thời gian, vào năm 2010, theo đề nghị của Bộ Công thương, UBND TP HCM đồng ý lập Công ty cổ phần đầu tư Lavenue gồm các cổ đông là Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP (góp 50% vốn) và 4 công ty của Bộ Công thương (góp 50% vốn) để thực hiện dự án.
Sau đó, Công ty TNHH Đầu tư Kido góp 50% vốn (nhận chuyển nhượng từ 4 công ty thuộc Bộ Công thương). Được biết, theo báo cáo tài chính quý III/2018 của CTCP Tập đoàn Kido thì tập đoàn này đã đầu tư vào Lavenue số tiền là 1.087,5 tỉ đồng.
Liên quan đến “trái đắng” đất vàng này, mới đây, tại buổi họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào ngày 15/6/2020 thì Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Kido ông Trần Lệ Nguyên đã khẳng định với cổ đông về việc tham gia đầu tư với tỷ lệ cổ phần 50% tại Lavenue là thông qua mua lại cổ phần của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa như giao dịch cổ phiếu trên thị trường và không có vi phạm.
Cũng theo ông Nguyên thì hiện tập đoàn này vẫn đang tiếp tục chờ chủ trương của Nhà nước về hướng giải quyết đến khi nào có thể tiếp tục thực hiện dự án.
Việc đúng sai của các bên liên quan tại dự án này đã được chỉ rõ tại kết luận của thành tra Chính phủ và kết luận của cơ quan điều tra nhưng có một thực tế là trong “cuộc chơi đất vàng” 8-12 Lê Duẩn thì tập đoàn Kido đang là “người thứ ba”.
Bên cạnh “người thứ ba” Kido, có một “người thứ hai” khác liên quan đến đất vàng Sài thành là một đại gia BĐS khá “tai tiếng”, tập đoàn M.T.
Được biết, tháng 7/2013, M.T đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại 8A Mạc Đĩnh Chi với giá khoảng 238 tỉ đồng. Sau đó, doanh nghiệp này đề nghị bổ sung chức năng xây khách sạn tại lô đất này và đến tháng 3/2014, TP.HCM đã ký văn bản điều chỉnh chức năng sử dụng đất số 8A Mạc Đĩnh Chi từ đất văn phòng thành đất xây khách sạn.
Mọi việc dường như đang diễn ra rất “đúng quy trình” thì mới đây theo kết luận liên quan đến việc xử lý sai phạm liên quan đến đất “vàng” 8A Mạc Đĩnh Chi (quận 1) thì doanh nghiệp này sẽ buộc phải nộp thêm tiền sử dụng lô đất cho UBND TP.HCM.
Trong trường hợp này, việc đúng sai của doanh nghiệp sẽ do cơ quan chức năng kết luận, tuy nhiên nếu như trong trường hợp doanh nghiệp đã thực hiện đúng quy định và phần sai thuộc về phía cơ quan quản lý nhà nước (Tp.HCM, Bộ TN&MT) thì việc phải nộp bổ sung một khoản tiền mà không có “kế hoạch” cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến kế hoạch kinh doanh.
“Làm sao để tốt cho cả hai”
Với những sai phạm liên quan đến đất “vàng” vừa qua thì câu chuyện “làm sao để tốt cho cả hai” nhà nước, doanh nghiệp là câu hỏi rất khó. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, để trong thời gian tới để không có những doanh nghiệp “vô tình” trở thành “người thứ ba” thì cần khắc phục ngay những hạn chế cố hữu.
Những hạn chế này theo Luật sư Lê Cao - Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng thì một phần là xuất phát từ hạn chế về thực thi pháp luật. Hiện nay nhiều khi Luật ban hành một kiểu, nhưng dưới địa phương chỉ mệnh lệnh miệng, hoặc một văn bản mang tính công văn đã có thể đi ngược lại luật pháp.
Đối với việc phân cấp, phân quyền trong hệ thống Luật pháp hiện hành, theo ông Cao hiện nay, pháp luật về đất đai dường như đang trao cho chính quyền địa phương quá nhiều quyền. Từ quyền quản lý, thu hồi, điều chỉnh, quyết định giá đất và can thiệp hết các quyền của công dân về đất đai. Do đó dẫn đến tình trạng lạm quyền rất dễ xảy ra.
Đồng quan điểm trên, từ thực tế những vụ án liên quan đến đất ‘vàng” vừa qua, một số chuyên gia pháp lý cũng cho rằng việc “tập trung quyền lực” quá lớn cũng là một điểm nghẽn khi một lãnh đạo UBND cấp tỉnh chỉ cần ban hành một văn bản liên quan đến đất đai thì các cơ quan ban ngành hầu như chỉ chấp hành và gần như không có phản biện, không dám “trái lời” lãnh đạo.
Bên cạnh đó, cũng theo Luật sư Cao thì trong công tác xử lý các sai phạm liên quan đến đất đai thì nhiều vụ án hành chính về đất đai chưa được xử lý nghiêm minh, thậm chí có vụ đã có bản án nhưng cơ quan nhà nước không chịu thi hành.
Từ những bất cập trên, có thể thấy sắp tới trong việc sửa đổi Luật đất đai cũng như rà soát các luật liên quan cần sớm khắc phục được những điểm đen như Bộ công an mới đây đã chỉ ra trong sai phạm liên quan đến đất “vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng đó là cần sớm có biện pháp kiểm soát được quyền lực của các Bộ ngành, UBND cấp tỉnh thành để hạn chế lạm quyền liên quan đến đất đai.
Kỳ V: Tâm lý "chim sợ cành cong"
Có thể bạn quan tâm
Sài Thành “đất vàng” phiêu lưu ký (KỲ I): Mô típ liên minh “công-tư-doanh”
11:00, 20/07/2020
Sài Thành “đất vàng” phiêu lưu ký (KỲ II): Luật chưa thông, đất công "tất loạn"
11:01, 22/07/2020
Sài Thành “đất vàng” phiêu lưu ký (KỲ III): Những hậu quả chưa thể đong đếm
14:15, 23/07/2020
Khó khăn về vốn, hàng loạt dự án đất vàng đổi chủ
06:20, 28/07/2020
Đấu giá “đất vàng” bao giờ minh bạch?
22:26, 30/07/2020